Khai hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024

NGUYỄN LINH

VHO - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn là sự kiện lớn nhằm tôn vinh công đức, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng thời thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa xứ Thanh.

Khai hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024 - ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng dâng hương tri ân, tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Hoàn - Lê Đại Hành hoàng đế cùng các bậc tiền nhân

Ngày 16.4 (tức ngày 8.3 âm lịch), tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập), huyện Thọ Xuân tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2024, kỷ niệm 1019 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Hoàn.

Mở đầu buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các đại biểu đã dâng hương, dự nghi thức trình tấu chúc văn tri ân, tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Hoàn - Lê Đại Hành hoàng đế cùng các bậc tiền nhân có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Diễn văn ôn lại thân thế và sự nghiệp vua Lê Đại Hành do Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Hoàng Văn Đồng trình bày: Anh hùng dân tộc Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu 941, tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu, nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình nghèo, song Lê Hoàn sớm bộc lộ tư chất thông minh, dũng cảm hơn người. Lập nhiều công lao trong công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, Lê Hoàn được hoàng đế Đinh Tiên Hoàng phong chức Thập đạo tướng quân, điện tiền đô chỉ huy sứ, cai quản quân đội của đất nước Đại Cồ Việt và trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình.

Khai hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024 - ảnh 2

Nghi thức hóa chúc văn tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi, triều chính rối ren, ngoại bang lăm le xâm chiếm. Trong bối cảnh ấy, Thái hậu Dương Vân Nga cùng văn võ bá quan đã đồng thuận tôn Thập đạo tướng quân lên ngôi vua. Lê Hoàn lên ngôi năm 980, thân chinh thống lĩnh quân đội, đánh tan quân xâm lược nhà Tống, giữ yên bờ cõi phía Bắc của đất nước. Năm 982, hoàng đế Lê Đại Hành dẫn quân hàng phục Chiêm Thành, bảo vệ yên ổn cương vực lãnh thổ phía Nam. Đây được xem là cuộc Nam phạt đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Sự nghiệp chống Tống, bình Chiêm của Hoàng đế Lê Đại Hành mãi mãi là niềm tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm của đất nước. Không chỉ có tài thao lược, hoàng đế Lê Đại Hành còn là nhà ngoại giao xuất sắc, thực hiện nhiều cải cách tiến bộ trong phát triển nông nghiệp, tuyển dụng nhân tài... xây dựng Đại Cồ Việt trở thành một quốc gia hưng thịnh thời bấy giờ.

Khai hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024 - ảnh 3

Nghi thức rước kiệu về đền thờ Lê Hoàn

Năm 1005, Hoàng đế Lê Đại Hành băng hà, thọ 64 tuổi. Để tưởng nhớ công đức cao dày của vị anh hùng kiệt xuất, Nhân dân lập đền thờ ông tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đền thờ Lê Hoàn là Di tích quốc gia đặc biệt.

Hàng năm, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức ngày 8/3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công lao của hoàng đế Lê Đại Hành cùng các bậc tiền nhân đã đóng góp trí tuệ, công sức, máu xương để giữ vững chủ quyền quốc gia dân tộc trong suốt ngàn năm lịch sử. Lễ hội có nhiều nội dung, trong đó, đặc sắc nhất là các lễ tục tái hiện đời sống văn hóa của quân dân dưới thời Tiền Lê.

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa được dàn dựng công phu với chủ đề “Lê Đại Hành hoàng đế - Ngàn năm vang mãi chiến công”, gồm 3 chương: Chương 1 - Đất linh sinh người hào kiệt; chương 2 - Phá Tống, bình Chiêm, vang danh Đại Cồ Việt; chương 3 - Tiếp bước tiền nhân dựng xây quê hương đất nước mạnh giàu. Tái hiện và ngợi ca công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn cùng các tầng lớp Nhân dân trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên cương giới, bờ cõi đất nước; đồng thời thể hiện những thành tựu to lớn của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp đổi mới, phát triển hôm nay.

Khai hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024 - ảnh 4

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh trống khai hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực Thọ Xuân năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc như trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương; trưng bày, giới thiệu điểm đến, giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Thọ Xuân và của tỉnh; trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Thọ Xuân (Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, Cồng chiêng, Bài điếm...); thi cắm trại binh; liên hoan văn nghệ quần chúng; đốt lửa trại; hội thi “Trình diễn, giới thiệu quy trình sản xuất bánh truyền thống” (bánh chưng nung, bánh gai, bánh lá răng bừa...); hội thi làm cỗ chay tiến Vua; tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng như bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố,... Qua đó, góp phần giới thiệu và quảng bá thế mạnh về những giá trị văn hóa, sản vật địa phương, những tiềm năng văn hóa du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Ý kiến bạn đọc