Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan

HOÀNG VY

VHO - Tại lễ trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ), Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh đã khẳng định, đây là một mốc son mới để con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh tiếp tục phát huy tinh thần hào hùng của các bậc tiên tổ, bồi dưỡng những tập quán cổ truyền tốt đẹp và xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan - ảnh 1

Việc ghi danh lễ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  tiếp tục đặt ra những mục tiêu, trách nhiệm đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy giá trị di sản 

Việc ghi danh lễ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào mà còn tiếp tục đặt ra những mục tiêu, trách nhiệm đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy giá trị của di sản vô giá này.

Đặc sắc lễ hội “Thập niên sự lệ”

Tọa lạc bên dòng sông Lam, thuộc địa phận xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan có tuổi đời hơn 4 thế kỷ, gắn với tên tuổi một vị tướng có công lớn đối với nhà Hậu Lê.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đánh giá, đền thờ không chỉ là ngôi đền linh thiêng mà còn bảo tồn được nét văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn của vùng quê Đô Lương. Trong đó có lễ hội "Thập niên sự lệ" mang đậm nét tâm linh, đặc sắc và các hoạt động mang đậm tính dân gian, giàu bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Nghệ.

Dòng họ Nguyễn Cảnh là một dòng họ lớn, có công với nước, với dân, được ghi vào sử sách, được xây dựng Đền thờ, tổ chức Tế lễ để con cháu cùng nhân dân tưởng nhớ, noi gương sáng của Tổ tiên, cha ông.

Ông Nguyễn Cảnh Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Gia tộc dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam, Trưởng BTC lễ hội Thập niên sự lệ cho biết, Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được xây dựng từ năm 1602. Năm 1991, Đền được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia, nơi thờ bốn vị Trung thần của dòng họ Nguyễn Cảnh: Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan - ảnh 2
Tại lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan 

Nơi đây, hằng năm “xuân thu nhị kỳ”, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh tổ chức tế lễ và cứ 10 năm một lần thì tổ chức đại lễ, gọi là Lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan “Thập niên sự lệ”.

“Lễ hội không chỉ có ý nghĩa riêng với dòng họ Nguyễn Cảnh mà còn có những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam. Với những giá trị đặc sắc, lễ hội đã được Bộ VHTTDL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Lễ đón bằng ghi danh di sản thực sự là niềm tự hào to lớn đối với dòng họ Nguyễn Cảnh”, ông Nguyễn Cảnh Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng cho biết, Lễ hội “Thập niên sự lệ” là một nét văn hóa đặc sắc, khơi dậy truyền thống yêu nước, được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, kết tinh từ truyền thống lịch sử lâu đời. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh đã có công “Bảo quốc hộ dân”. Từ khi được tổ chức lần đầu đến nay (năm 1604), chỉ có 3 kỳ (1954, 1964, 1974), lễ hội bị gián đoạn do chiến tranh. Sau 3 thập niên không tổ chức, đến năm 1984 dòng họ Nguyễn Cảnh lại phục hồi và duy trì “Thập niên sự lệ” cho đến ngày nay.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan - ảnh 3

Năm 2024, lễ hội “Thập niên sự lệ” được tổ chức với một ý nghĩa đặc biệt. Lễ hội có quy mô lớn, với các nghi lễ trang trọng như Lễ Mộc dục; Lễ rước tiên tổ; Lễ Cầu siêu và Cầu an; Lễ hành hương về cội nguồn; Lễ Yết cáo dâng chay; Lễ rước thần; Lễ tạ ơn Đền Đức Hoàng và thỉnh kinh tại chùa Phúc Mỹ; Lễ chính tế (cổ lễ); Lễ hóa vàng. Tâm điểm là nghi thức đón nhận Bằng công nhận di sản Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động thể thao; các giải thi đấu; hoạt động văn hóa- nghệ thuật với điểm nhấn là đêm thơ “Nguyễn Cảnh thi tập”…

Khẳng định những giá trị đặc biệt của lễ hội, bà Trần Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An) nhấn mạnh, với lịch sử hàng trăm năm, từ một hoạt động lễ nghi của dòng họ, Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan dần có sức lan tỏa, trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Điều đó cho thấy, truyền thống lịch sử của dòng họ đã có sự gặp gỡ, kết hợp với yếu tố văn hóa dân gian để tạo nên ‘sản phẩm’ văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh của cả cộng đồng.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan - ảnh 4

Lễ hội không chỉ mang giá trị tâm linh, ý thức hướng về nguồn cội, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dòng họ, là mạch nguồn hình thành nên văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc.

“Việc lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một mốc son mới để con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh nói riêng và các tầng lớp quần chúng Nghệ An nói chung tiếp tục phát huy tinh thần hào hùng của các bậc tiên tổ, bồi dưỡng tập quán cổ truyền tốt đẹp và xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh”, bà Trần Thị Mỹ Hạnh khẳng định.

Phát huy giá trị di sản, nhân lên niềm tự hào

Lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Nghệ An cũng đề nghị nhân dân huyện Đô Lương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh làm tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hoá, để tiếp bước truyền thống tổ tiên, làm rạng danh cho dòng tộc, đất nước.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan - ảnh 5

Đặc biệt, có kế hoạch đào tạo bài bản cho thế hệ trẻ thực hành các nghi thức tế lễ trong lễ hội, sưu tầm tài liệu cổ ghi chép về "Thập niên sự lệ" làm cơ sở để phục dựng lại lễ hội chính xác, khoa học, cũng như bảo tồn không gian văn hóa diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn di sản hiệu quả, số hóa không gian các di tích diễn ra lễ hội một cách bài bản, để lễ hội ngày càng lan tỏa và có sức sống trường tồn trong cộng đồng, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Trưởng BTC lễ hội Nguyễn Cảnh Minh chia sẻ, dòng họ Nguyễn Cảnh vui mừng và tự hào khi lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Những giá trị truyền thống tại lễ hội lâu nay luôn được chúng tôi chú trọng bảo vệ, phát huy. Lễ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là động lực, tạo điều kiện cơ sở pháp lý để dòng họ Nguyễn Cảnh tiếp tục có những việc làm thiết thực, ngày càng phát huy nhiều hơn giá trị của lễ hội…”, ông Minh cho biết.

Cũng theo Trưởng BTC Lễ hội, ý nghĩa sâu sắc của lễ hội chính là thông điệp giáo dục, hướng về nguồn cội, bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống. Những giá trị đó hướng các dòng họ, các thế hệ con cháu về cội nguồn, giáo dục tinh thần đoàn kết, xây dựng các giá trị văn hóa tốt đẹp.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan - ảnh 6
Đại lễ cầu siêu, một nghi lễ truyền thống trong lễ hội

Dòng họ Nguyễn Cảnh đã có nhiều tiêu chí về xây dựng dòng họ văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng những vấn đề về giáo dục tư tưởng, đạo đức, tinh thần ham học, học đi đôi với hành. Từ đó, để con cháu giữ vững truyền thống của dòng họ: “4 lớp trung cần, 8 đời nhân nghĩa”.

“Truyền thống với 8 chữ vàng: “Trung cần nhân nghĩa - Bảo quốc hộ dân” có thể nói qua nhiều thế hệ đã khắc sâu trong tâm khảm mỗi người con, người cháu của dòng họ Nguyễn Cảnh”, ông Nguyễn Cảnh Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cho biết, tới đây Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Cảnh sẽ hoạch định những việc làm, giải pháp cụ thể để tiếp tục phát huy giá trị lễ hội.  “Dòng họ Nguyễn Cảnh xác định đây là niềm tự hào và cũng trách nhiệm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chúng tôi quán triệt định hướng phải lan tỏa tinh thần của lễ hội, để con cháu hiểu sâu sắc những ý nghĩa, thông điệp trong lễ hội truyền thống của cha ông đã tồn tại đến nay là 360 năm”, ông Nguyễn Cảnh Minh nói.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan - ảnh 7

Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, các nghi lễ trang trọng và nhiều hoạt động phong phú

Đại diện dòng họ Nguyễn Cảnh cũng nhấn mạnh, từ nhận thức tư tưởng, khuyến khích con cháu giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể, hướng về cái chung. Hiểu rõ thêm về cội nguồn để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp “Trung cần nhân nghĩa - Bảo quốc hộ dân”.

“Con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh luôn đặt trách nhiệm phụng sự đất nước, phụng sự Tổ quốc lên trên hết. Đồng thời, phải có những hành động, việc làm cụ thể để hướng về nguồn cội. Điều đó thể hiện qua những việc làm đó có ích cho dòng họ, cho xã hội, có tính giáo dục để tiếp tục phát huy, gạn đục khơi trong.

Để đạt được mục tiêu này, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan. Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia xuất phát từ dòng họ. Phát huy giá trị để mọi người dân đều được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp, lan tỏa trong cộng đồng cũng để giá trị di sản được trường tồn”, ông Nguyễn Cảnh Minh khẳng định.