Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hai "ông thủy điện” ở Kon Tum thi nhau tích nước: Sông cạn, cây trồng chết khô, người dân điêu đứng

Thứ Tư 01/04/2020 | 11:35 GMT+7

VHO- Phê duyệt chủ trương đầu tư nhiều công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Đăk Snghé, đến khi thủy điện tích nước, phát điện thì các hộ dân ở phần hạ du thuộc huyện Kon Rẫy (Kon Tum) mới tá hỏa khi hơn trăm ha diện tích cây trồng của họ có nguy cơ bị… chết khô bởi dòng sông đã trơ đáy. 

 1,2 ha cà phê của gia đình ông Đặng Văn Thương ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đang dần chết khô vì không có nước tưới

Theo thống kê của UBND huyện Kon Rẫy, toàn huyện hiện có khoảng 116 ha cây trồng gồm cà phê, hồ tiêu, lúa nước và cây ăn trái bị khô hạn, có nguy cơ chết khô vì không có nước tưới, chủ yếu tập trung ở thôn 3 xã Tân Lập. 
Huyện đã họp nhưng có những đơn vị không hợp tác 
Rẫy của gia đình chị Vũ Thị Hoa ở thôn 3, xã Tân Lập nằm cách bờ sông Đăk Snghé khoảng 100 mét. Dẫn chúng tôi đi thực tế tại khu vực rẫy của mình, chị Hoa cho biết: “Gia đình tôi trồng 1,6 ha cà phê và 500 trụ tiêu bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng, thế nhưng gần 1 tháng nay do không có nước tưới khiến cây cà phê bị rụng lá, trụ tiêu thì rụng quả và héo dần”. 
“Cứ như thế này thì gia đình tôi cũng không biết phải chuyển đổi sang cây gì để cho nó phù hợp với thời tiết bây giờ. Gia đình tôi cũng mong các cấp chính quyền giải quyết cho bà con, để bà con có nguồn nước tưới tiêu, để cứu vãn những cây công nghiệp này”, chị Hoa buồn rầu nói. Tương tự, toàn bộ diện tích cà phê của gia đình ông Đặng Văn Thương ở thôn 3, xã Tân Lập cũng trong tình trạng khô cháy vì thiếu nước tưới. Trước tình trạng thiếu nước sản xuất, ông Thương đã đặt 5 máy bơm, các thành viên trong gia đình thay nhau canh nước tưới để cứu 1,2 ha cà phê gần 1 năm tuổi. Thế nhưng, mọi nỗ lực của ông Thương và gia đình cũng không cứu được cây trồng. Hiện ngoài nỗi lo đối phó với hạn, ông Thương còn chật vật với số nợ gần 700 triệu đồng đã vay ngân hàng đầu tư cho nương rẫy. 
“Ngày trước, dòng sông này nước chảy quanh năm. Nhưng nay bị người ta đắp chặn lại, người ta chặn ở đâu thì chúng tôi cũng chẳng rõ nữa, nhưng mà bây giờ 1 ngày họ chỉ xả nước trong vòng 1 giờ đồng hồ mà lượng nước rất nhỏ nên chúng tôi không thể chuẩn bị để tưới tắm được hết, nên rất là khó khăn về nước non cho bà con sinh sống ở vùng ven sông này”, ông Thương cho biết. Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng thôn 3, xã Tân Lập bức xúc: “Khoảng nửa tháng trở lại đây thủy điện thượng nguồn Kon Tum đã chặn để lấy nước về đập thủy điện, tình trạng nước sản xuất phục vụ bà con nhân dân không còn được như những năm trước nữa. Trong khi nước về ít, nhưng rẫy bà con thì nhiều nên họ tranh nhau lấy nước, gây ra cái mâu thuẫn trong nội bộ của làng xóm, thôn lại phải đứng ra xử lý và giải quyết những mâu thuẫn như vậy”. 
Theo ông Phan Duy Huynh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Rẫy, trên dòng sông Đăk Snghé có 2 thủy điện là thủy điện Thượng Kon Tum (thủy điện bậc 1) và thủy điện Đăk Ne ở phía dưới, cách thủy điện Thượng Kon Tum khoảng 30 km. Vừa qua, do việc thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước và thủy điện Đăk Ne ở phía dưới không xả nước theo cam kết đã khiến nhiều diện tích của người dân ở vùng hạ du có nguy cơ chết khô. “Huyện đã triển khai cuộc họp giữa các bên để yêu cầu thủy điện Đắk Ne phải thực hiện xã dòng chảy tối thiểu là 1,29 m3/s đúng theo quy định chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Công thương. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, các bên đều thống nhất, riêng thủy điện Đắk Ne không thống nhất ký vào biên bản vì lý do ảnh hưởng tới doanh thu, ảnh hưởng đến tiền lương”, ông Huynh cho biết. 

Dòng sông Đăk Snghé bị khô cạn, trơ đá vì… thủy điện chặn dòng tích nước

Rà soát và có phương án đền bù thiệt hại cho dân 
Để giải quyết vấn đề nước tưới cho người dân, Sở Công thương tỉnh Kon Tum tổ chức cuộc họp với lãnh đạo thủy điện Thượng Kon Tum và thủy điện Đăk Ne. Tại đây, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho rằng, việc để xảy ra hạn ở khu vực hạ du thuộc trách nhiệm của 2 Công ty thủy điện và yêu cầu 2 thủy điện có giải pháp kiên cố hóa một vài khu vực để dẫn dòng, phục vụ nước tưới vào mùa khô cho người dân. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quân, thành viên HĐQT Công ty CP đầu tư năng lượng Trường Thịnh (thủy điện Đăk Ne) bao biện rằng, nếu đơn vị duy trì dòng chảy thường xuyên sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của thủy điện. “Nếu duy trì dòng chảy thường xuyên, lưu lượng xả chỉ đảm bảo 60 - 80% công suất, đồng thời máy phát điện chỉ phát được 8 tiếng. Các máy chạy dưới 75% thì rất hại đến máy. Tuy nhiên dù bị thiệt hại nhưng công ty vẫn sẽ xả nước để phục vụ bà con theo lịch trình: từ 6 - 11 giờ 30 và từ 15 - 20 giờ”, ông Quân nói. 
Còn ông Lê Thanh, Phó ban Quản lý dự án Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (thủy điện Thượng Kon Tum) thì yêu cầu thủy điện Đăk Ne vận hành đúng quy trình. Cụ thể thủy điện này phải thường xuyên trả nước xuống phía sau hạ lưu đập. Nếu thủy điện Đăk Ne vận hành đúng theo quy trình này thì cây trồng của bà con không bị ảnh hưởng. Thậm chí nếu buộc ngừng phát điện để xả nước ra môi trường thì Đăk Ne cũng phải thực hiện. Ngoài ra, ông Thanh cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng thiếu nước tưới của người dân, thủy điện Thượng Kon Tum cũng có một phần trách nhiệm. Do đó trong thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện rà soát thiệt hại của bà con và có biện pháp hỗ trợ, đền bù thỏa đáng. 
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum đề nghị thủy điện Đăk Ne chỉ chạy 1 tổ máy phát điện, thực hiện tích nước vào ban đêm, xả nước liên tục vào ban ngày để đảm bảo nước tưới vùng hạ du. Ông Nhất cũng đề nghị UBND huyện thực hiện giám sát việc điều tiết nước của nhà máy thủy điện. Qua đó có phương án thông báo cho người dân lịch lấy nước để người dân chủ động sản xuất, tưới tiêu. Riêng thủy điện Thượng Kon Tum, Sở Công thương tỉnh Kon Tum yêu cầu phải kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại của người dân để có biện pháp hỗ trợ, đền bù ngay. Tránh để xảy ra tình trạng người dân bức xúc, phát sinh khiếu kiện gây mất ổn định tại địa phương. 

 NGỌC HÒA 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top