Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sẽ có một không gian áo dài Huế

Thứ Hai 18/03/2019 | 10:03 GMT+7

VHO- Các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà thiết kế và kinh doanh áo dài đã có những góp ý để hướng đến việc xây dựng thương hiệu áo dài Huế tại hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế” vừa diễn ra ngày 16.3.

 Nét đẹp của thiếu nữ Huế trong tà áo dài

Từng gắn bó với nhiều chương trình lễ hội áo dài tại các kỳ Festival Huế, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, trong tâm thức của người Việt, khi nói về Huế bao giờ người ta cũng nghĩ đến hình ảnh thiếu nữ với chiếc áo dài màu tím thướt tha. Và đó là thế mạnh để chúng ta xây dựng biểu tượng của Huế, trong đó chiếc áo dài chính là chủ thể. Áo dài Huế có nét riêng trong cái chung của áo dài người Việt. Chính vì thế để xây dựng và phát triển thương hiệu áo dài Huế, địa phương cần nhìn nhận áo dài như một sản phẩm tiêu dùng mang tính đặc trưng của Huế và cũng mang tính thương mại cao. Sự cao cấp không phải ở giá trị mua sản phẩm mà chính ở hàm lượng văn hóa được dùng để tạo ra sản phẩm. Vấn đề không chỉ là chất liệu hay kiểu dáng của sản phẩm mà chính là những câu chuyện lịch sử, văn hóa của vùng miền hàm chứa bên trong chiếc áo dài đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu áo dài Huế không chỉ dừng lại ở việc chứng nhận, mà quan trọng là phải được cả xã hội công nhận. Và cần thiết phải giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi nữ sinh về vẻ đẹp, cốt cách của áo dài truyền thống. “Có sự giáo dục để chính các em biết chọn lựa đúng đắn thời trang phù hợp với cốt cách Việt Nam. Cách tân gì cũng được, nhưng cốt cách tâm hồn phải là người Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu chúng ta xây dựng tốt thương hiệu áo dài Huế, làm tốt dịch vụ áo dài Huế chính là góp phần làm cho Huế mỗi ngày một đẹp về văn hóa và phát triển về kinh tế và xã hội”, ông Hoa nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã có các ý kiến cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế nên có một không gian riêng về áo dài. Đó có thể là một con phố dành riêng cho áo dài, một trung tâm lễ phục hội tụ đầy đủ các không gian chức năng liên quan đến áo dài, hay một trung tâm trình diễn áo dài xứng tầm…

Theo TS.Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện VHNT Việt Nam tại Huế, việc xây dựng một Trung tâm lễ phục truyền thống Huế cũng chính là không gian văn hóa du lịch. Ở đó gồm có không gian bảo tàng lễ phục truyền thống; không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm; không gian sản xuất… Du khách đến đây sẽ tham quan không gian trưng bày, mua sắm các sản phẩm độc đáo, thực hành và trải nghiệm ở không gian sản xuất… Trong khi đó, theo nhà thiết kế Minh Hạnh, xây dựng không gian áo dài ở Huế phải được tổ chức bởi những người làm thương mại chuyên nghiệp. Trong quá trình triển khai, tính chuyên nghiệp được định hình: có tâm huyết, có nghề, chịu hy sinh và kiên trì.

Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Lê Đăng Thọ lưu ý, đây là thời điểm chín muồi để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho áo dài Huế. Với những lợi thế về truyền thống văn hóa, về đội ngũ thợ may đo lành nghề và sự hỗ trợ các ngành các cấp, Thừa Thiên Huế có đầy đủ các điều kiện cần và đủ để làm việc này. Địa phương cần nhanh chóng thành lập hiệp hội sản xuất kinh doanh áo dài Huế. Hiệp hội sẽ là chủ đơn đứng ra đăng ký nhãn hiệu tập thể cho áo dài Huế và sau này giúp cho tỉnh quản lý và phát triển nhãn hiệu lâu dài cho sản phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, qua các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tỉnh sẽ nghiên cứu và xem xét địa điểm phù hợp cho không gian áo dài Huế. Tỉnh cũng sẽ kết nối với các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án này.

 Tự thấy mình là một “sứ giả văn hoá”

Áo dài ngày nay đã có nhiều biến đổi để phù hợp với nhịp sống hơi thở của thời đại. Tuy nhiên, bên cạnh sự cách tân hay biến tấu đó là những “lo ngại” về sự xa dần hình ảnh áo dài truyền thống, chất liệu vải lụa cũng như việc lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc qua tà áo dài dần phai mờ…

Tại tọa đàm “Chất liệu truyền thống may áo dài” vừa diễn ra trong khuôn khổ của Lễ hội Áo dài TP. HCM, nhiều ý của các nhà nghiên cứu, thiết kế cho rằng, trong bối cảnh các làng lụa truyền thống trong nước đứng trước những bấp bênh thì nên hướng giới trẻ lựa chọn chất liệu vải, họa tiết, kiểu dáng trang phục áo dài có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để lan tỏa tình yêu áo dài truyền thống trong đời sống hằng ngày. Đồng thời đầu tư đúng hướng cho các làng lụa truyền thống, cải tiến cả giống dâu tằm, chất liệu nhuộm, kỹ thuật dệt… để phát triển bền vững hơn. Hướng đến mục tiêu bổ sung tư liệu cho hành trình công nhận nghề may áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Nói về sự biến đổi của áo dài ngày nay, nhiều ý kiến nhấn mạnh, dẫu biết mặc thế nào cho đẹp là quyền tự do cá nhân của mỗi người, nhưng hãy cách tân theo hướng mỗi một người khi mặc tà áo dài lên mình, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đều thấy đó là niềm tự hào về trang phục truyền thống của người Việt. Tự thấy mình là một “sứ giả văn hóa” đang quảng bá di sản văn hóa của dân tộc.

HOÀNG HẢI

 

THÙY AN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top