Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Khu di tích, danh thắng Chùa Hương Tích (Hà Tĩnh): Doanh nghiệp “thao túng”, chính quyền bức xúc

Thứ Tư 13/02/2019 | 09:33 GMT+7

VHO- Việc doanh nghiệp tham gia xã hội hóa trong vấn đề khai thác, phát huy giá trị di sản tại chùa Hương Tích Hà Tĩnh là đúng với chủ trương và lộ trình của tỉnh Hà Tĩnh, tuy nhiên...

Nhiều ý kiến cho rằng, chắc là có sự “chống lưng” nào đó nên doanh nghiệp mới “tự tung, tự tác” khiến cho chính quyền địa phương, người dân sở tại bức xúc…

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh mỗi năm đón hàng vạn du khách đến tham quan, du lịch

Di tích cấp quốc gia “rơi” vào tay doanh nghiệp?

Hương Tích cổ tự hay còn gọi chùa Hương Tích có danh hiệu Hoan Châu đệ nhất danh lam được xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa. Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh. Năm 1990 di tích được công nhận di tích, danh thắng quốc gia.

Mỗi năm chùa Hương Tích đón hơn 12 vạn lượt du khách, phật tử khắp thập phương vãn cảnh, chiêm bái và qua đó đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua di tích này đang bị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh “thao túng”. Hiện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh (viết tắt là Công ty) đang “thay mặt” Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích đứng ra quản lý, điều hành mọi hoạt động. Thậm chí việc thu phí tham quan danh thắng chùa Hương Tích và thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện ôtô, xe máy… cũng do công ty này đảm nhận.

Theo đó, vé tham quan danh lam thắng cảnh chùa Hương Tích là do Ban quản lý chùa Hương Tích in ấn, nhưng việc phát hành, bán vé thu tiền lại do Công ty “bao tất”. Không dừng lại ở đó, hiện toàn bộ khuôn viên Ban quản lý chùa Hương Tích cùng với mặt bằng tại tiểu dự án cải thiện vệ sinh môi trường Khu du lịch chùa Hương Tích đang trong thời gian thi công cũng bị Công ty này trưng dụng để làm bãi giữ phương tiện ôtô.

Điều đáng nói, mức giá gửi xe do Công ty này thu cao hơn rất nhiều so với Quyết định số 11/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, ôtô dưới 7 chỗ là 30 nghìn đồng, trên 7 chỗ là 40 nghìn, cao hơn 10 nghìn đồng/xe; còn giá gửi xe máy thì cao gấp tới 3 lần so với quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, người dân muốn buôn bán, chạy xe ôm tại khu vực chùa Hương Tích đều phải xin phép, nộp tiền cho Công ty này khi đó ấy mới được vào hoạt động. “Ở đây có tổng cộng 230 người chạy xe ôm, mỗi ngày chúng tôi chạy được từ 10 -15 chuyến. Mỗi chuyến chở khách chúng tôi thu 50.000 đồng, nhưng sau đó về phải cắt lại cho công ty 5.000 đồng”, một người chạy xe ôm cho biết.

Thành lập Ban quản lý cho có lệ

Chùa Hương Tích trước đây do UBND huyện Can Lộc quản lý. Ngày 13.2.2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định thành lập Ban Quản lý Khu Du lịch chùa Hương Tích với chức năng, nhiệm vụ là quản lý, bảo vệ giữ gìn và phát huy giá trị di sản theo Quyết định số 376/QĐ-UBND. Sau 10 năm thành lập thì hiện nay nhiều ý kiến cho rằng Ban quản lý chùa Hương Tích không khác gì… “bù nhìn”.

Việc thu phí tham quan danh thắng chùa Hương Tích và thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện ôtô, xe máy; khai thác các dịch vụ khác tại chùa Hương Tích này đều do Công ty này điều hành. Ông Nguyễn Huy Quế, Phó trưởng Ban quản lý chùa Hương Tích cho rằng, hiện Ban chỉ quản lý nhà nước về mặt di sản, còn mọi hoạt động từ thu phí tham quan, phí trông giữ phương tiện… đều do Công ty này chiếm hết. Vậy tại sao là một di tích, thắng cảnh quốc gia lại do một doanh nghiệp tư nhân đứng ra quản lý mọi hoạt động ở chùa Hương Tích, ông cho biết, “Ban quản lý chỉ làm theo văn bản của UBND tỉnh. Hiện Ban không có một quyền hành gì ở đây nữa cả. Có nhiều vấn đề chúng tôi góp ý nhưng họ (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh - P.V) không quan tâm”.

Trước sự việc này, ông Bùi Huy Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, chức năng của BQL chùa Hương Tích là quản lý về mặt nhà nước và giám sát các  hoạt động khác nhưng trong quá trình quản lý của ban thiếu chặt chẽ để doanh nghiệp tự tung tự tác.

Cũng theo ông Cường, việc doanh nghiệp tham gia xã hội hóa trong vấn đề khai thác, phát huy giá trị di sản tại chùa Hương Tích Hà Tĩnh là đúng với chủ trương và lộ trình của tỉnh. Lúc đầu huyện muồn từ từ chuyển giao nhưng tỉnh muốn chuyển giao càng sớm càng tốt để thúc đẩy dịch vụ. Tuy nhiên quá trình thúc đẩy chuyển giao đang vướng phải dự án xây dựng tổng thể khu di tích chưa hoàn thành nên đang có những vướng mắc. Huyện đã có giao cho các đơn vị liên quan làm việc với Sở Tài chính để hướng dẫn cách hợp đồng thế nào cho phù hợp với quy định. Tuy nhiên trong giai đoạn giao thời nên tạm giao cho doanh nghiệp để khai thác còn về quan điểm của huyện là muốn khi hoàn thành dự án là sẽ tách bạch. Tức là việc nào của nhà chùa, việc nào của DN thì sẽ đấu thầu lại toàn bộ nguồn dịch vụ để phát triển…

Sau khi có phản ánh về việc Khu du lịch chùa Hương Tích đang bị doanh nghiệp “thao túng”, UBND huyện Can Lộc đã chỉ đạo Phòng Tài chính, Phòng Văn hóa huyện kiểm tra xác minh, làm rõ vấn đề việc Công ty này phát hành vé thu phí tham quan danh thắng chùa Hương Tích và thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện ôtô, xe máy; khai thác các dịch vụ khác tại di tích để có báo cáo với UBND tỉnh…

Trên thực tế, việc doanh nghiệp tham gia xã hội hóa trong vấn đề khai thác, phát huy giá trị di sản đã được nhiều địa phương áp dụng, và đã mang lại hiệu quả, theo đó đưa đến tín hiệu tốt về việc hợp tác công tư trong quản lý, bảo vệ di sản. Tuy nhiên, nếu để cho doanh nghiệp “tự tung tự tác” hoặc “thao túng” toàn bộ từ việc quản lý, bảo vệ cho đến phát huy giá trị di sản như đang xảy ra tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) thì sẽ xảy ra nhiều hệ lụy mà điều nhãn tiền nhất chính là gây bức xúc trong dư luận nhân dân và chính quyền địa phương.

Trong trường hợp cụ thể này, nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh không có biện pháp can thiệp kịp thời thì di tích, danh thắng chùa Hương Tích dễ bị tổn thương trên nhiều phương diện. 

  Việc doanh nghiệp tham gia xã hội hóa trong vấn đề khai thác, phát huy giá trị di sản tại chùa Hương Tích Hà Tĩnh là đúng với chủ trương và lộ trình của tỉnh. Trong quá trình thúc đẩy chuyển giao đang vướng phải dự án xây dựng tổng thể khu di tích chưa hoàn thành nên đang có những vướng mắc. Tuy nhiên trong giai đoạn giao thời nên tạm giao cho doanh nghiệp để khai thác nên có thể tạo nên một số bất cập…  

(Ông BÙI HUY CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc)

 

 THÂN BA

Print
Tags: Di sản

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top