Khai hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và đón nhận Di sản phi vật thể quốc gia

PHẠM NGÂN

VHO - Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc. Năm 2024, Lễ hội đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Tối 22.4 (tức ngày 14.3 âm lịch), Sở Văn hoá Thể thao Nghệ An phối hợp UBND huyện Đô Lương, xã Tràng Sơn, dòng họ Nguyễn Cảnh tổ chức Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) năm 2024 và công bố Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Tham dự buổi lễ có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Nông Quốc Thành, lãnh đạo UBND tỉnh cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Đô Lương và du khách thập phương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh.

Khai hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và đón nhận Di sản phi vật thể quốc gia - ảnh 1

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ

Thưà ủy quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Nông Quốc Thành đã trao bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ), Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Bùi Đình Long đã tặng hoa chúc mừng huyện Đô Lương và dòng họ Nguyễn Cảnh. 

Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan sinh năm Tân Tỵ 1521, là nhân vật lịch sử có công lớn đối với đất nước thời Lê trung hưng. Ông là người thông minh trí dũng, văn võ song toàn, một lòng yêu nước thương dân.

Khai hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và đón nhận Di sản phi vật thể quốc gia - ảnh 2

Trao bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan "Thập niên sự lệ" và tặng hoa chúc mừng

Sinh ra và lớn lên vào thời kỳ đất nước loạn lạc, ông trở thành dũng tướng của nhà Lê và lập nhiều công lao khi chinh chiến với quân nhà Mạc. Năm 1576, trên đường hành quân về Thanh Hóa ông bị thuộc tướng của mình phản bội, chỉ điểm cho quân nhà Mạc mai phục bắt sống. Dụ dỗ mãi không được, kẻ thù đã hãm hại ông trong ngục. Ngày 16 tháng 9 năm Bính Tý 1576 ông qua đời, thọ 57 tuổi.

Để tỏ lòng kính trọng và thương tiếc ông, Vua Lê cho tổ chức lễ Quốc tang. Năm 1602, Triều đình truy tặng ông 8 chữ "Hùng Nghị Khuông Tế Trạch Dân Đại Vương". Vào năm Nhâm Dần (1602), vua Lê Kính Tông sắc chỉ cho xây dựng đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan (theo chế độ quốc tạo). Đến năm Giáp Thìn (1664), đời vua Lê Huyền Tông triều đình cử vị Quốc sư Hòa Chính về thôn Tràng Thịnh tìm đất tốt để cát táng mộ ông và trùng tu lại đền thờ, từ đây di tích phối thờ thêm 3 vị công thần triều Lê Trung Hưng là Thái bảo Tả Tư không Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thiếu phó Đô úy Tả Tư mã Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà và Tả đô đốc Phó tướng Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế.

Đền Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn (Đô Lương) là di tích lịch sử quan trọng của dòng họ Nguyễn Cảnh được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII để thờ Đức Thánh Thái phó và những danh tướng của dòng họ Nguyễn Cảnh.

Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan không chỉ là ngôi đền linh thiêng, cổ kính mà còn bảo lưu được di sản văn hóa phi vật thể độc đáo mang đậm dấu ấn của vùng quê Đô Lương. Đó chính là lễ hội “Thập niên sự lệ” với các nghi thức tâm linh trang trọng, đặc sắc và các hoạt động mang đậm tính dân gian, giàu bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Nghệ.

Từ năm 1604, vào ngày 15.3 Âm lịch hằng năm, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng tề tựu về Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan để cử hành lễ hội, gọi là "Lễ hội chay" hay "Thập niên sự lệ".

Khai hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và đón nhận Di sản phi vật thể quốc gia - ảnh 3

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sáng mãi bài ca truyền thống”, tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của lễ hội Nguyễn Cảnh Hoan - Thập niên sự lệ

Đã thành thông lệ, cứ 10 năm một lần, lễ hội lại được tổ chức để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, khơi dậy niềm tự hào, tình đoàn kết. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dòng họ và quê hương.

Năm 2024, Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An bà Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, trên mảnh đất Nghệ An, dòng họ Nguyễn Cảnh với gần 600 năm sinh cơ, lập nghiệp đã trở thành dòng họ có bề dày truyền thống, còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý báu.

Trong đó, "Thập niên sự lệ" là lễ hội bắt nguồn từ văn hóa dân gian, nơi có sự hòa quyện giữa tín ngưỡng thờ thần và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là dịp để nhân dân tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và nhiều thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh có công lớn trong lịch sử dân tộc.

Với lịch sử hơn 350 năm, từ một hoạt động lễ nghi của dòng họ, lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan đã dần có sức lan toả, trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Khai hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và đón nhận Di sản phi vật thể quốc gia - ảnh 4

Lễ rước  trong Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan 

"Điều đó cho thấy, truyền thống lịch sử của dòng họ đã có sự gặp gỡ, kết hợp với yếu tố văn hóa dân gian để tạo nên "sản phẩm" văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh của cả cộng đồng", bà Hạnh nói và nhấn mạnh, Lễ hội là hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy được truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần thượng võ, hiếu học và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Giám đốc sở VHTT tỉnh Nghệ An đề nghị nhân dân huyện Đô Lương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh làm tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hoá, để tiếp bước truyền thống tổ tiên, làm rạng danh cho dòng tộc, đất nước.

Đặc biệt là có kế hoạch đào tạo một cách bài bản cho thế hệ trẻ thực hành các nghi thức tế lễ trong lễ hội, sưu tầm tài liệu cổ ghi chép về "Thập niên sự lệ" làm cơ sở để phục dựng lại lễ hội chính xác, khoa học, cũng như bảo tồn không gian văn hóa diễn ra lễ hội.

Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn di sản hiệu quả, số hóa không gian các di tích diễn ra lễ hội một cách bài bản, để lễ hội ngày càng lan tỏa và có sức sống trường tồn trong cộng đồng, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Khai hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan và đón nhận Di sản phi vật thể quốc gia - ảnh 5

Đền thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan 

Ngay sau phần công bố quyết định và trao bằng công nhận di sản Văn hóa phi vật thể Quốc Gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sáng mãi bài ca truyền thống”, tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của lễ hội Nguyễn Cảnh Hoan - Thập niên sự lệ. Chương trình có 3 chương: Chương 1 - Từ cội nguồn lịch sử; Chương 2 - Nơi đất lành hội tụ; Chương 3 - “Thập niên sự lệ” Di sản mãi trường tồn.

Lễ hội “Thập niên sự lệ” năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (21 - 23.4, tức ngày 13 đến 15.3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như lễ rước tổ tiên, lễ cầu siêu, cầu an, lễ rước thần, hành hương về cội nguồn, biểu diễn văn nghệ, võ thuật, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian… trong đó lễ rước thần từ đền Nguyễn Cảnh Hoan đến chùa Phúc Mỹ và đền Đức Hoàng (xã Yên Sơn) và ngược lại là một trong những điểm nhấn quan trọng, hấp dẫn của Lễ hội.