Giải nhiệt “cơn khát” phim trường

BÁ TRƯỜNG

VHO - TP.HCM là một trong những thị trường điện ảnh sôi động nhất cả nước, nơi sản xuất ra nhiều bộ phim với doanh thu hàng trăm tỉ đồng. Thế nhưng, việc khan hiếm phim trường chuyên nghiệp, bối cảnh ghi hình tầm cỡ vẫn luôn là câu chuyện khiến giới nghề đau đầu…

 Giải nhiệt “cơn khát” phim trường - ảnh 1

 Nhà sản xuất Lý Hải - Minh Hà hướng dẫn các đoàn khách đến tham quan phim trường

Để giải nhiệt “cơn khát” phim trường cho các nhà làm điện ảnh trong và ngoài nước, đại diện lãnh đạo TP đã giải đáp và đưa ra những tín hiệu lạc quan thời gian tới.

Than khổ vì thiếu bối cảnh

Tại tọa đàm Phát triển điện ảnh TP.HCM, bà Ngô Bích Hạnh, Tổng Giám đốc hãng BHD cho rằng, phim trường là một trong những yếu tố giúp nhận diện một nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Bởi điện ảnh không chỉ mang lại việc làm, doanh thu, lợi nhuận, thuế… mà còn kích cầu du lịch và phát triển các sản phẩm của địa phương, quốc gia thông qua việc xây dựng bối cảnh, phim trường. Một câu hỏi được đặt ra là: Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có phim trường xứng tầm hay chưa?

Vất vả tìm bối cảnh khi làm phim lịch sử, cổ trang, nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho rằng, Việt Nam không có phim trường lớn như các nước trong khu vực, điều này đã làm hạn chế chất lượng tác phẩm điện ảnh trong nước. Mai Thu Huyền tiếc nuối: “Những phim bối cảnh cổ trang đã gặp khó về phim trường nhưng khi quay xong lại phải phá bỏ hoàn toàn, điều này rất lãng phí. Ở nước ngoài, những phim trường quy mô họ sẽ giữ lại để cho du khách tham quan. Nếu được nhà nước hỗ trợ, chúng ta nên có những phim trường lớn để vừa tiết kiệm vừa tái sử dụng”. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng đã chia sẻ khó khăn của chính mình khi làm phim Kiều, ê kíp phải dựng toàn bộ bối cảnh rất mất thời gian và tiền bạc, vì thế, cô mong trong thời gian tới TP.HCM cũng như Việt Nam sẽ có những phim trường xứng tầm.

Đồng quan điểm, nhiều nhà làm phim cho biết, điện ảnh trong nước thiếu bối cảnh tầm cỡ. Các đoàn phim phải chạy ngược chạy xuôi, di chuyển tới các tỉnh thành ở xa rất tốn kém, rồi phải tận dụng nhà kho để dựng cảnh hay xin giấy phép ghi hình ở người dân với nhiều rủi ro… để rồi xong phim phải phá bỏ.

Như câu chuyện về phim trường của Đào, Phở và Piano, từng được nhận xét là “có một không hai” khi tái hiện chiến lũy Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa trên con phố dài tới 100m. Thế nhưng sau khi phim kết thúc thì bối cảnh cũng bị tháo dỡ hoàn toàn. Ngay thời điểm phim đang quay, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi giữ bối cảnh chân thực ấy lại để khai thác du lịch, song mặt bằng đi thuê nên đành ngậm ngùi…

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy bày tỏ sự đồng cảm với các nhà làm phim. Bà cho biết, việc xây dựng phim trường sẽ giúp các đoàn phim thuận lợi hơn, đảm bảo an ninh trật tự cũng như an toàn giao thông. Theo Nghị quyết 98, TP sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư trên lĩnh vực văn hóa. Cơ quan quản lý cũng đã có lộ trình kêu gọi đầu tư, bố trí quỹ đất ở một số nơi để xây dựng tổ hợp vui chơi, giải trí, phim trường, trong đó có bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh). “Chúng tôi xem đây là trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ các dự án có sự đóng góp thiết thực tới văn hóa TP”, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, chính quyền TP đang hoàn thiện quy chế mới nhằm hỗ trợ các đoàn làm phim, tạo thủ tục hành chính dễ dàng hơn khi quay ở các địa điểm công cộng, đặc biệt là với những dự án giàu ý nghĩa lịch sử.

Hồi đầu tháng 3, dự án Địa đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể về nhóm du kích thời chiến của Sài Gòn đã được bấm máy ở một phim trường tại Củ Chi (TP.HCM). Giai đoạn đầu, đoàn phim gặp khó trong việc tái hiện giai đoạn lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ do phim cần nhiều bối cảnh. Tuy nhiên, nhờ cơ quan chức năng tạo điều kiện, phối hợp một số bên liên quan như Bộ Quốc phòng, ê kíp cũng đã bước vào giai đoạn nước rút sau hơn một tháng quay. “Tuy nhiên, để công tác hỗ trợ được nhanh nhất, các đoàn phim cần có kịch bản cụ thể gửi đến các cơ quan có thẩm quyền”, bà nhấn mạnh.

 Giải nhiệt “cơn khát” phim trường - ảnh 2

 Đêm lửa trại có biểu diễn cồng chiêng của đồng bào địa phương tại phim trường “Lật mặt 7”

Điện ảnh “bắt tay” du lịch là xu thế tất yếu

Không dừng ở việc phim trường chỉ để phục vụ cho điện ảnh, mà xa hơn là đáp ứng nhu cầu du lịch, các nhà làm phim cho rằng, nếu biết cách khai thác thì các bối cảnh, phim trường sẽ được “tận dụng” triệt để và không hề lãng phí, thậm chí thu hút được sự quan tâm của các nhà làm phim quốc tế, mở ra nhiều cơ hội cho điện ảnh lẫn du lịch nước nhà.

Tiêu biểu thời gian qua có thể kể đến lượng khách ồ ạt đổ về xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang sau thành công của bộ phim Chuyện của Pao; hay việc gia tăng đột biến số lượng du khách đến với quần thể Di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) ngay khi phim Kong Skull Island ra mắt; ngôi làng Đo Đo ở xã Bình Quế (Thăng Bình, Quảng Nam) cũng trở nên nổi tiếng và được nhiều người tìm đến sau khi bộ phim Mắt biếc công chiếu; bối cảnh chợ nổi miền Tây đầu thế kỷ XX trong Đất rừng phương Nam quay tại khu rừng tràm Trà Sư (An Giang) cũng được giữ lại và thu hút đông đảo du khách tham quan...

Điển hình như năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh đã tạo hiệu ứng du lịch mạnh mẽ cho vùng đất Phú Yên. Theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên, nếu như tổng lượt khách du lịch đến địa phương năm 2013 đạt 703 nghìn lượt, thì sau hiệu ứng phim, lượng khách du lịch đã tăng lên và đạt gần 3 triệu lượt (2023).

Mới đây nhất, phim trường Lý Hải với cụm bối cảnh trong bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước sắp ra mắt cũng đã được nhà sản xuất giữ lại sau khi ghi hình để phục vụ du khách đến tham quan. Chỉ trong những ngày đầu mở cửa, địa điểm đã thu hút đông đảo người hâm mộ từ khắp nơi tìm đến. Đại diện xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) cho biết, tiềm năng du lịch của địa phương hết sức to lớn, tuy nhiên lượng khách biết đến chưa nhiều.

UBND xã Đạ Chais kỳ vọng, phim trường của ca sĩ Lý Hải và hiệu ứng từ bộ phim sẽ góp phần kết nối du khách, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Còn đại diện nhà sản xuất phim Lật mặt 7: Một điều ước cho biết, đoàn không có ý định biến phim trường thành địa điểm kinh doanh nhưng mong muốn qua hiệu ứng điện ảnh, nhiều khán giả sẽ biết đến vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của làng K’long K’lanh và Đưng K’Si. Từ đó, các hoạt động du lịch sẽ được phát triển tại đây và tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Tất nhiên, không phải bộ phim nào sản xuất ra cũng đảm bảo được “độ nóng”, sức hút và đạt được mục tiêu như mong muốn, bởi chỉ khi điện ảnh và du lịch cùng đạt tới “điểm chạm”, hội tụ đủ yếu tố chất lượng “thiên thời địa lợi” cũng như sự chung tay của nhà quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… thì mới có thể tạo ra những “cú hích” mạnh mẽ. 

Ý kiến bạn đọc