Xe đạp góp phần xây dựng “đô thị xanh”

NGỌC HÀ

VHO - Mô hình xe đạp công cộng tại Đà Nẵng đã phát huy được tiện ích trong việc đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan đô thị, tăng tiện ích cho người dân, du khách, đặc biệt giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng “đô thị xanh” trong lòng thành phố.

Xe đạp góp phần xây dựng “đô thị xanh” - ảnh 1

 Bạn trẻ thích thú với dịch vụ xe đạp công cộng

 Triển khai từ tháng 9.2023, dịch vụ xe đạp công cộng được đông đảo người dân, bạn trẻ và du khách tại TP Đà Nẵng đón nhận, và coi đây là một phương tiện di chuyển mới thú vị, an toàn nhưng không kém phần tiện lợi.

Dịch vụ du lịch thân thiện

Theo thống kê của Sở GTVT Đà Nẵng, nhóm khách hàng sử dụng nhiều nhất có tuổi từ 18-22, sau đó là các nhóm tuổi 22-25, 25-28 và 40-60. Mục đích sử dụng đa dạng như thể thao, giải trí, đi làm, trải nghiệm, tham quan mua sắm, đi học, roadshow - sự kiện...

Lượng khách sử dụng phương tiện này cho sinh hoạt hằng ngày đi vào ổn định. Việc sử dụng xe đạp công cộng đang dần trở thành phương tiện quen thuộc của người dân, đã xuất hiện nhiều khách hàng sử dụng xe đạp thường xuyên để phục vụ nhu cầu đi lại trong ngày hoặc rèn luyện sức khỏe.

Ông Nguyễn Thân Ba (57 tuổi, phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, từ ngày thành phố triển khai dịch vụ xe đạp công cộng đã hỗ trợ ông rất nhiều khi tập thể dục.

“Nhà tôi gần biển Nguyễn Tất Thành nên mỗi tuần 2, 3 lần, tôi thường thuê xe đạp đi dạo tuyến đường ven biển, đi xe đạp vừa nhẹ nhàng, tiện lợi, đảm bảo an toàn giao thông, vừa có tác dụng tốt trong việc rèn luyện sức khỏe. Mong rằng dịch vụ này được duy trì và nhân rộng để những người cao tuổi được tiếp cận nhiều hơn”, ông Ba chia sẻ.

Theo quan sát, trong 10 trạm xe đạp có số lượt sử dụng nhiều nhất thì hầu hết đều tập trung khu vực dọc bờ sông Hàn và bờ biển, cụ thể: Bạch Đằng - Như Nguyệt 4 trạm, đường Võ Nguyên Giáp có 3 trạm, Trần Hưng Đạo có 1 trạm và Công viên Thanh Niên 1 trạm.

Những chiếc xe đạp công cộng đặc biệt thu hút được sự quan tâm trải nghiệm của giới trẻ, sinh viên, du khách nước ngoài khi đến Đà Nẵng, và đây cũng là đối tượng khách hàng mà dịch vụ mong muốn hướng đến. C

hị Phan Thanh Hòa (du khách) cho rằng, nếu chỉ dạo quanh thành phố Đà Nẵng thì sử dụng xe đạp là phương tiện dễ dàng nhất, vì Đà Nẵng khá nhỏ, đường thoáng và rộng rãi, giao thông an toàn, với tốc độ di chuyển vừa phải như xe đạp sẽ rất thích hợp.

“Tôi đã thuê xe đạp đi các điểm di tích, bảo tàng như Thành Điện Hải, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, thậm chí đi qua tất cả những cây cầu nổi tiếng của Đà Nẵng như cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Rồng, cầu Thuận Phước và cảm thấy rất thú vị. Với một thành phố có diện tích không rộng như Đà Nẵng, nhưng đường sá rộng rãi, thoáng mát, các điểm tham quan gần nhau thì việc sử dụng xe đạp công cộng để tham quan rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, chúng tôi có thể thuê và trả xe ở trạm bất kỳ nào đó sau khi sử dụng. Tại các trạm cũng có bảng hướng dẫn sử dụng rất chi tiết để người dân và du khách dễ dàng sử dụng”, chị Hòa đánh giá.

Hướng đến tạo cảm quan xanh mát cho môi trường, hệ thống xe đạp công cộng được sơn 2 màu xanh, trắng. Từng xe được lắp đặt hệ thống khóa thông minh, khóa chống mất cắp, chống tháo trộm các bộ phận, gắn thẻ ID định danh để đơn vị vận hành có thể định vị, giám sát vị trí xe thông qua hệ thống phần mềm trung tâm.

Đồng thời tích hợp thiết bị sạc, bộ thu năng lượng mặt trời. Lốp xe là dòng lốp đặc tổ ong chống thủng, đảm bảo cho xe vận hành êm ái và an toàn cho người lái. Để thuê xe và mở khóa hệ thống này, người dùng cần cài đặt ứng dụng TNGo trên điện thoại, đăng ký và đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại cá nhân. Chi phí thuê xe được thanh toán qua các ứng dụng ví điện tử trên điện thoại thông minh như: Momo, ZaloPay, ViettelPay, VTCPay.

Thông qua ứng dụng phần mềm TNGo tải từ kho ứng dụng trên điện thoại, người dùng có thể tìm xe thông qua bản đồ số và quét mã QR Code để mở khóa.

Xe đạp góp phần xây dựng “đô thị xanh” - ảnh 2

Một trạm xe đạp công cộng tại Đà Nẵng

Đầu tư cơ sở hạ tầng để mở rộng dịch vụ

Trong giai đoạn 12 tháng thí điểm, Đà Nẵng có 61 trạm xe đạp với khoảng 600 xe trên địa bàn 5 quận, trong đó quận Hải Châu 32 vị trí, quận Thanh Khê 5 vị trí, quận Sơn Trà 16 vị trí, quận Ngũ Hành Sơn 5 vị trí và quận Cẩm Lệ 3 vị trí.

Nhằm khuyến khích sử dụng xe đạp công cộng, đồng thời góp phần hỗ trợ lẫn nhau giữa các phương thức vận tải công cộng, Sở GTVT đã chỉ đạo ưu tiên bố trí các trạm xe đạp gần điểm kết nối, chuyển tuyến chính của các tuyến xe buýt, bố trí các trạm xe đạp ở gần trường học, bệnh viện hoặc các khu mua sắm để hỗ trợ người dân di chuyển đến các trạm xe buýt gần đó.

Các vị trí này đều có tuyến xe buýt đi qua hoặc gần trạm xe buýt. Thời gian tới Đà Nẵng nghiên cứu mở rộng lắp đặt thêm trạm xe đạp tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn. Đồng thời giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, đề xuất thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp, mở các trạm ảo tại các resort, khách sạn, khu trung tâm thương mại. Tháng 4.2024, UBND TP Đà Nẵng có tờ trình gửi HĐND TP về việc miễn phí sử dụng tạm thời vỉa hè để bố trí trạm xe đạp công cộng trên địa bàn TP.

Theo đề xuất, ngoài 61 vị trí đã bố trí trạm xe đạp công cộng trên địa bàn 5 quận trong thời gian thí điểm, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng bố trí thêm trạm xe đạp công cộng tại 27 vị trí tại các quận, huyện trên địa bàn để tăng độ phủ các điểm cung cấp dịch vụ, người dân và du khách.

Trong 1 năm triển khai thí điểm chưa ghi nhận tai nạn giao thông liên quan người sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng. Việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng nói trên cũng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng ông Bùi Hồng Trung cho biết: Dịch vụ xe đạp công cộng tại TP Đà Nẵng đã góp phần xây dựng một hình ảnh thành phố xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc. Cung cấp phương thức giao thông hiện đại, thân thiện môi trường được người dân và du khách chào đón.

Thời gian tới, dịch vụ xe đạp công cộng phục vụ người dân và du khách vẫn đang được TP Đà Nẵng đầu tư nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm tiêu hao nhiên liệu, ô nhiễm môi trường trong quá trình tham gia giao thông.

Điều này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030, và Chương trình hành động chuyển đổi xanh và giảm thiểu các bon và khí mê tan tại Đà Nẵng. 

Ý kiến bạn đọc