Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Một câu chuyện cảm động tại Nhà sàn Bác Hồ

Thứ Tư 22/01/2020 | 10:48 GMT+7

VHO- Có một câu chuyện diễn ra cách đây đúng một năm tại Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Câu chuyện ấy là một kỷ niệm sâu sắc mà tôi muốn ghi lại đây để nói đến mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Myanmar được Bác Hồ gây dựng…

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng làm việc trên tầng 2 Nhà sàn.  Ảnh: Tư liệu

Vào giữa chiều ngày 15.1 năm ngoái, tôi nhận được cuộc điện thoại từ  Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) trong đó cho biết, ông Bộ trưởng Khách sạn và Du lịch cùng Đoàn đại biểu Myanmar trước khi tham dự Hội nghị diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) tại Quảng Ninh, muốn được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.

Bên điện thoại còn cho hay, ông Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại muốn được vào thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đúng như lịch hẹn, ông U Ohn Maung, Bộ trưởng Khách sạn và Du lịch cùng đoàn đại biểu Myanmar có mặt tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Vừa dẫn đoàn tôi vừa giới thiệu về Tòa nhà Phủ Chủ tịch và mời ông U Ohn Maung và đoàn thăm Di tích Nhà 54, nơi gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong gần 4 năm (1954-1958). Sau đó, mời ông và đoàn đến thăm Di tích Nhà sàn, công trình gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm cuối cùng của cuộc đời... Mỗi tài liệu, hiện vật nơi đây đã nói lên cuộc sống đời thường giản dị, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt có nhiều kỷ vật thể hiện tình cảm của bạn bè quốc tế tặng mà Người rất trân trọng giữ gìn.

Nhà sàn gọn ghẽ, mộc mạc, bình dị, tầng trên có hai phòng nhỏ diện tích mỗi phòng khoảng hơn 10m2 với những tiện nghi sinh hoạt đơn giản: bàn ghế, giá sách, giường đơn, máy chữ, quạt lá cọ... Đặc biệt là hàng trăm cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm các chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn học nghệ thuật được viết bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hán, Nga, Latinh…, trong đó rất nhiều cuốn sách có bút tích của các tác giả kính tặng Người. Toàn bộ những hiện vật, tài liệu, sách báo, nhà di tích, cảnh quan không chỉ phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, thiên tài lãnh đạo của Người đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, mà còn cho chúng ta tận thấy những phẩm chất cao quý của đạo đức Hồ Chí Minh. Một tấm gương hết lòng yêu thương và phục vụ lợi ích của nhân dân, đấu tranh không mệt mỏi cho danh dự, tự do và độc lập của Tổ quốc. Một trong những anh hùng của thời đại, của thế hệ chúng ta, Người là vị anh hùng dân tộc, đồng thời cũng là anh hùng của cuộc đấu tranh cho tự do và tiến bộ của toàn thể loài người…

Đến đây tôi giới thiệu về mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ Việt Nam - Myanmar, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Oong San đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Myanmar ngay từ những ngày đầu hai nước mới giành được độc lập. Miến Điện (nay gọi là Myanmar) là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á có những quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Ngay sau khi Việt Nam độc lập, trong khi chưa xác lập được quan hệ ngoại giao chính thức với một quốc gia nào thì Miến Điện lại là quốc gia sớm tạo điều kiện cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thiết lập một cơ quan thông tin tại thủ đô của mình. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 29.11.1954, Thủ tướng Miến Điện U Nu đã là nguyên thủ quốc gia thứ hai đến thăm Hà Nội (sau Thủ tướng Ấn Độ J.Nerhu). Trong lời chào mừng vị khách Miến Điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong những ngày kháng chiến gian khổ để giành lại độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam được nhân dân Miến Điện thật thà đồng tình và ủng hộ”.

Đáp lại thịnh tình của bè bạn, từ ngày 13 đến ngày 17.2.1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Thủ đô Rangoon. Trong lễ đón tiếp, Tổng thống Miến Điện Uvin Môn đã nói: “Do phẩm cách đáng kính, tấm lòng cương trực và thái độ khiêm tốn của Chủ tịch, Ngài sẽ chinh phục lòng yêu của mọi người nhân dân Miến Điện. Cuộc viếng thăm của Ngài sẽ củng cố thêm nữa tình hữu nghị sẵn có giữa hai nước chúng ta”. Ngày 17.2.1958, trước khi rời Thủ đô Miến Điện, sau Lễ ký kết Tuyên bố chung, Trường Đại học Rangoon đã tổ chức Lễ phong tặng học vị Bác sĩ Luật học danh dự của nhà trường.

Tại buổi Lễ, Hiệu trưởng của Trường bày tỏ: “Tất cả học sinh, nhân viên và giáo sư ở đây đều biết Hồ Chủ tịch là một nhà triết học, một chiến sĩ hoà bình, một lãnh tụ cách mạng. Người đã đấu tranh suốt đời cho tự do của các dân tộc bị áp bức... Đây là vị khách quý mà ngày hôm nay Trường Đại học Rangoon được hân hạnh đón tiếp. Nhưng trường đại học của chúng ta còn có vinh dự hơn nữa là được trao tặng Hồ Chủ tịch một văn bằng cao nhất của trường này là văn bằng Bác sĩ Luật học danh dự”. Trong lời đáp từ, Bác Hồ bày tỏ niềm vinh dự “được tôn vinh tại một trung tâm văn hoá có truyền thống vẻ vang, yêu nước và anh dũng chống thực dân. Trường này đã đào tạo ra vị anh hùng Ung San và các nhà lãnh đạo Miến Điện... các bạn phải là những cán bộ tốt đem hết đức và tài của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Tại sân bay, trước khi rời đất nước Miến Điện, Bác chân thành nói với các vị lãnh đạo nước chủ nhà: “Ngày mai là Tết Âm lịch của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sung sướng được mang về cho đồng bào chúng tôi món quà Tết rất quý báu là lời chúc hữu nghị thắm thiết của nhân dân Liên bang Miến Điện. Chắc chắn rằng đồng bào chúng tôi sẽ rất vui mừng phấn khởi”.

Thay mặt Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tôi đã trao tặng ông U Ohn Maung, Bộ trưởng Khách sạn và Du lịch Myanmar tấm Huy hiệu và phù điêu Nhà sàn Bác Hồ cùng những ấn phẩm giới thiệu về nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch cũng như hoạt động ngoại giao của Người từ năm 1954 đến năm 1969.

Một lần nữa ông U Ohn Maung, Bộ trưởng Khách sạn và Du lịch cùng đoàn đại biểu Myanmar cảm động trước những tình cảm mà Khu di tích đã dành cho ông và Đoàn. Hy vọng chuyến thăm này sẽ càng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Myanmar nói chung và trên lĩnh vực du lịch nói riêng, giúp ông U Ohn Maung và các thành viên trong đoàn hiểu biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như hiểu rõ hơn về những tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

NGUYỄN VĂN CÔNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top