Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Khởi động chương trình giới thiệu di sản vào các trường đại học, cao đẳng

Thứ Sáu 24/05/2019 | 11:11 GMT+7

VHO- Trung tâm Văn hóa TP.HCM phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM vừa tổ chức chương trình biểu diễn giới thiệu một số loại hình nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là chương trình khởi động đầu tiên trong chuỗi chương trình “Biểu diễn - giới thiệu một số loại hình di sản trong các trường cao đẳng - đại học” diễn ra từ ngày 22.5 đến hết năm 2019.

 Tiết mục Hát - Múa - Hầu đồng tại chương trình

Chương trình đã mang lại không gian nghệ thuật đa dạng, đậm bản sắc văn hóa với nhiều loại hình di sản phi vật thể của dân tộc, thu hút đông đảo sinh viên. Tại chương trình, nghệ nhân ưu tú Đức Dậu và nghệ nhân Thu Hiền đã giới thiệu và trình diễn đến các sinh viên nhiều loại nhạc cụ dân tộc và bộ gõ, đặc biệt là biểu diễn bằng các chất liệu đơn giản do nghệ nhân tự sáng tạo như khèn lá, thanh tre, cây nứa, thanh kim loại,… Được biết, nghệ nhân ưu tú Đức Dậu đã có dịp đến 40 quốc gia trên thế giới để giới thiệu và biểu diễn về các loại nhạc cụ dân tộc này.

Ông cũng chia sẻ với sinh viên về những kỷ niệm đẹp trong những lần trình diễn giao lưu tại các nước, về sự trân trọng của khán giả, nước ngoài dành cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam,… Hai nghệ nhân đã biểu diễn bài Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho bằng đàn T’rưng kết hợp với các loại nhạc cụ khác nhau. Sau phần biểu diễn đầy sinh động và ngẫu hứng này, chương trình tiếp tục mang đến các tiết mục đặc sắc như biểu diễn Ca trù (Hát ả đào) qua bài Tỳ bà hành và Hát múa bỏ bộ, có sự tham gia biểu diễn của ca nương - nghệ sĩ ưu tú Ngô Tuyết Mai; Đờn ca tài tử Nam Bộ với Dạ cổ hoài lang qua phần trình diễn của nghệ sĩ Bích Phượng và trích đoạn Tiếng trống Mê Linh của các giọng ca tài tử. Đặc biệt là tiết mục biểu diễn Hát - Múa - Hầu đồng của các nghệ nhân…

Xem suốt chương trình, nhiều sinh viên cho biết rất thích thú vì lần đầu tiên được trực tiếp xem cùng lúc nhiều loại hình nghệ thuật của dân tộc, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật chỉ được trình diễn và lưu truyền ở phía Bắc còn khá xa lạ với thế hệ trẻ ngày nay. Các sinh viên cũng cho hay mở đầu mỗi tiết mục đều có phần giới thiệu chi tiết từng loại hình, nhờ vậy mà các em có cơ hội hiểu rõ hơn về các di sản phi vật thể, như những nét đặc trưng, giá trị, thời điểm được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại, đồng thời các em còn được trao đổi với các nghệ nhân để qua đó có cái nhìn toàn diện hơn.

Ông Trần Thanh Bình, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.HCM cho biết, chương trình “Biểu diễn - giới thiệu một số loại hình nghệ thuật di sản trong các trường cao đẳng - đại học” do Trung tâm chủ động thực hiện trên cơ sở kết nối với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Chương trình diễn ra từ nay đến hết năm 2019, trong đó chú trọng các trường có giảng dạy các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, nhân văn,… Sau chương trình đầu tiên này, sắp tới chương trình sẽ đến với sinh viên các Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trường CĐ Văn hóa - nghệ thuật TP.HCM.

Theo kế hoạch đến hết năm 2019 sẽ biểu diễn cũng như giao lưu, giới thiệu về các loại hình nghệ thuật di sản đến 15 trường đại học, cao đẳng. Ông Bình cũng cho hay khó khăn nhất hiện nay là nguồn kinh phí, do kinh phí hạn chế nên phải gói ghém trong từng chương trình, vì thế mà số lượng nghệ sĩ, nghệ nhân cũng chỉ mời được những người thân thiết, cộng tác thường xuyên với trung tâm. Bên cạnh đó thời lượng chương trình cũng phải giảm lược cho phù hợp,.. Trung tâm Văn hóa TP.HCM cũng cho hay, mặc dù có những khó khăn nhất định, song không vì thế mà chương trình giảm chất lượng. Các tiết mục biểu diễn trong chương trình phần lớn trích ra từ những tiết mục đã tham gia và đạt giải tại các kỳ liên hoan cấp thành phố và toàn quốc về Ca trù, Hát Chầu văn, Đờn ca tài tử, Dân ca,… qua phần trình diễn của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú.

Cũng tại chương trình, Khoa Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM đã kết hợp báo cáo chuyên đề về “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình môn Âm nhạc trong trường phổ thông”, dành cho các sinh viên sư phạm âm nhạc. Đây là lực lượng nòng cốt được đào tạo để đáp ứng nguồn giáo viên giảng dạy âm nhạc cho các trường trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới. 

 T.TRANG

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top