Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội: Cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch

Thứ Hai 30/03/2020 | 09:09 GMT+7

VHO- Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương… góp ý cho dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

 Thông tư nhấn mạnh tính công khai minh bạch trong quản lý các khoản tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di tích, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, BTC lễ hội, và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội, sở hữu và quản lý di tích.

7 nguyên tắc quản lý và sử dụng tiền công đức

Theo Dự thảo, phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn việc quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho các di tích thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng và hoạt động lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Thông tư quy định 7 nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ. Thứ nhất, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc, không coi việc huy động các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ là điều kiện cho việc tổ chức hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích. Thứ hai, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch; việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai; không quy định mức bình quân, không quy định mức tối thiểu trong dâng cúng, công đức, tài trợ; thực hiện niêm yết giá đối với các hàng hóa, dịch vụ được cung cấp tại lễ hội, di tích.

Thứ ba, không được dâng cúng, công đức, tài trợ và không được tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ có mục tiêu, ý nghĩa hoặc kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội; xâm hại kiến trúc di tích, danh lam thắng cảnh; độc hại, nguy hiểm đối với môi trường, sức khỏe của con người; mê tín, dị đoan, cờ bạc và vi phạm pháp luật khác. Thứ tư, không lợi dụng việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ nhằm trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Thứ năm, tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ không thuộc sở hữu cá nhân, phải được đơn vị quản lý di tích, BTC lễ hội quản lý và theo dõi. Việc quản lý, sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ phải theo nguyên tắc đúng mục đích, yêu cầu của nhà tài trợ, tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí.

Thứ sáu, khuyến khích các tổ chức, cá nhân dâng cúng, công đức, tài trợ để thực hiện các hoạt động tổ chức lễ hội lành mạnh, góp phần bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể của di tích, lễ hội. Thứ bảy, việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ thực hiện theo các quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Các hình thức dâng cúng, công đức, tài trợ gồm: bằng tiền: tiền mặt hoặc kinh phí tài trợ cho việc mua vật liệu, trả tiền nhân công cho việc sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích hoặc xây dựng các hạng mục công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích; bằng hiện vật; bằng tài sản phi vật chất ...

 Cần thắt chặt quản lý tiền công đức tại di tích, lễ hội

Thành lập Tổ tiếp nhận công đức để đảm bảo công khai

Dự thảo quy định rõ về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội. Theo đó, nội dung sử dụng tiền, tài sản công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội gồm: hoạt động của BTC lễ hội; bồi dưỡng cho những người được trưng tập, BTC lễ hội, phục vụ trực tiếp các hoạt động của di tích vào các dịp lễ hội và tham gia kiểm đếm, chấm công, giám định và giám sát; công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá lễ hội, di tích…

Về quản lý tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho di tích, Dự thảo quy định việc thành lập Tổ tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích có trách nhiệm quản lý, sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ, cụ thể: bố trí đặt hòm công đức hợp lý; phân công ghi phiếu công đức; niêm phong các hòm công đức phục vụ cho việc kiểm đếm theo quy định; mở tài khoản tiền gửi để tiếp nhận, quản lý tiền dâng cúng, công đức, tài trợ; mở sổ theo dõi thu, nộp tiền và tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ. Tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ ngoài việc được sử dụng cho các nội dung bồi dưỡng những người được trưng tập, phục vụ trực tiếp các hoạt động của di tích, tham gia các công việc thường trực, kiểm đếm, chấm công, giám định và giám sát, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại di tích…. Nội dung quan trọng là sử dụng cho thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của cơ sở tín ngưỡng theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Thông tư, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, tính quan trọng của các nguyên tắc thực hiện quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Theo Cục trưởng, Thông tư khi ban hành cần giải quyết được các vấn đề cụ thể như: Xác định được các nguồn thu từ di tích, lễ hội gắn với di tích, gồm: tiền tài trợ, tiền cúng dường, tiền giọt dầu, nhang đèn,...(gọi chung là tiền công đức); quy định các nguyên tắc chi: Chi những gì, chi bao nhiêu (theo tỉ lệ hoặc theo định mức...), chi cho những mục gì: Đầu tư tôn tạo, quản lý… và phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Đặc biệt, việc thực hiện Thông tư cần đảm bảo quy định về cách thức, nội dung quản lý các khoản tài trợ, công đức. Bộ phận quản lý được thành lập đại diện cho những ai, kiểm soát ra sao, công khai dưới hình thức như thế nào? PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh hiện thời, việc ban hành Thông tư là hết sức cần thiết. Có thể thấy điều này từ thực trạng có khá nhiều lộn xộn trong thu chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội thời gian qua. Những lộn xộn này dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và lễ hội.

Việc quản lý di tích, tổ chức lễ hội trong bối cảnh chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường khiến cho các yếu tố có liên quan đến vật chất như tiền dâng cúng, lễ vật cung tiến, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cần phải được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, tránh tác động tiêu cực của chính các quan hệ cung – cầu, lợi ích vật chất của nền kinh tế thị trường có thể gây ra.

Ông Sơn nhấn mạnh, hiện nay có nhu cầu rất lớn của người dân trong việc đóng góp tu bổ di tích, tổ chức lễ hội luôn cần có công cụ pháp luật điều chỉnh để vừa tạo điều kiện cho người dân, các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước; vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này. “Dù chúng ta đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc quản lý tiền công đức ở các văn bản hướng dẫn trong phạm vi của Bộ VHTTDL, ở các địa phương và từng di tích, lễ hội, tuy nhiên các văn bản mới chỉ dừng ở mức hướng dẫn thực hiện, chưa có tác dụng chế tài hiệu quả. Chính vì thế, sự ra đời Thông tư này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, các quy định của dự thảo Thông tư rất rõ ràng, từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc, hình thức, phương thức tới các quản lý tài sản, thu chi trong các di tích và lễ hội, trong đó những nguyên tắc như tự nguyện, công khai, minh bạch, không vụ lợi được xem là yêu cầu quan trọng đối với tiền công đức và tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội. Từ đó sẽ giúp cho các hoạt động này đóng góp tích cực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung. “Tuy vậy, từ văn bản pháp quy tới thực tiễn cuộc sống có thể có những khoảng cách nhất định. Các di tích gồm nhiều loại hình và qui mô khác nhau, thuộc nhiều chủ sở hữu khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau, lễ hội cũng đa dạng không kém. Vì thế, sau khi được ban hành, việc thực hiện Thông tư cũng sẽ là sự kiểm nghiệm thực tiễn và là cơ sở để chúng ta có những sửa đổi về sau.

Dù vậy, ít nhất chúng ta cũng có thể đưa ra một văn bản để xử lý hoạt động quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích - một vấn đề rất khó khăn nhưng quan trọng hiện nay…”, ông Sơn khẳng định. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top