Phát hiện 6 hóa thạch răng người 40.000 năm tuổi tại Israel

VHO- Đây là bằng chứng nhân chủng học đầu tiên về việc di cư của một bộ phận người Neanderthal từ châu Âu tới Israel cổ đại cách đây 40.000 năm để tránh khí hậu khắc nghiệt giai đoạn cuối của kỷ băng hà.

Phát hiện 6 hóa thạch răng người 40.000 năm tuổi tại Israel - Anh 1

Bản đồ các địa điểm khai quật trong hang động Manot với chỉ dẫn về vị trí của những chiếc răng 40.000 năm tuổi. (Nguồn: timeofisrael)

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv, Israel, ngày 5.11 cho biết 6 chiếc răng người có niên đại cách đây 40.000 năm được cho là của tổ tiên người hiện đại (Homo sapien) và người Neanderthal.

Hóa thạch được tìm thấy bên trong một hang động ở vùng Galilee, miền bắc Israel.

Theo các nhà nghiên cứu, những chiếc răng được tìm thấy tại những di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Aurignacian phong phú và phát triển, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Âu khoảng 43.000 năm trước.

Nền văn hóa này cũng gắn liền với việc chấm dứt kỷ nguyên của người Neanderthal ở châu Âu.

Các nhà khoa học tin rằng những chiếc răng được phát hiện là bằng chứng nhân chủng học đầu tiên về việc di cư của một bộ phận người Neanderthal từ châu Âu tới Israel cổ đại cách đây 40.000 năm để tránh điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt trong giai đoạn cuối của kỷ băng hà.

Qua nghiên cứu, một trong những chiếc răng được tìm thấy có các đặc điểm của cả người Neanderthal và tổ tiên người hiện đại.

Phát hiện này cho thấy người Neanderthal đã bị đồng hóa vào người châu Âu hiện đại hay nói đúng hơn là tổ tiên của người hiện đại và người Neanderthal đã có sự giao phối với nhau.

Người Neanderthal tuyệt chủng ở châu Âu cách đây khoảng 40.000 năm trước. Họ xuất hiện trên Trái Đất sớm hơn cả tổ tiên của người hiện đại.

Cho đến 30.000 năm trước đây, tổ tiên của chúng ta vẫn chia sẻ hành tinh với người Neanderthal. Tuy nhiên, sau đó, người hiện đại đã nhanh chóng thống trị Trái Đất.

TTXVN

Ý kiến bạn đọc