Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xét xử vụ án gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang: “Con Bí thư đấy,... em biết rồi”

Thứ Tư 16/10/2019 | 10:39 GMT+7

VHO- Như Văn Hóa điện tử đã đưa tin, tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang, chiều qua 15.10, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét hỏi bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang về việc đưa danh sách 13 thí sinh cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài.

 Bà Chính rời phiên tòa lúc 17h40’ chiều qua

Đó là nội dung xuyên suốt phiên tòa chiều qua 15.10 mà bị cáo Chính phải trả lời Hội đồng xét xử.

Nhờ xem điểm hay nhờ nâng điểm?

Theo cáo trạng, bà Chính có hành vi can thiệp nhờ nâng điểm môn Ngữ văn cho 13 thí sinh. Từ 28.6 - 1.7.2018, Triệu Thị Chính, khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng thi kiêm Trưởng ban chấm thi Kỳ thi THPT quốc gia đến gặp Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và đưa cho Hoài một tờ giấy A4 có danh sách chữ đánh máy tính gồm thông tin của 13 thí sinh, nhờ Hoài nâng điểm môn Ngữ văn. Hoài đã đồng ý giúp Chính nâng điểm cho các thí sinh này, sau đó Chính cùng Hoài thống nhất số điểm cần nâng của 12 thí sinh. Hoài đã ghi số điểm vào cạnh thông tin của 12 thí sinh (theo Hoài khai thì 1 trong 13 thí sinh còn lại trong danh sách, Chính nhờ Hoài xem điểm).

Tuy nhiên suốt buổi xét xử, bị cáo Chính khẳng định chỉ nhờ xem điểm cho 13 thí sinh chứ không phải nhờ nâng điểm. Bà Chính phản bác mọi lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, đồng thời không nhất trí với nhiều nội dung của cáo trạng. Trong đó, bị cáo Chính không đồng tình với việc Viện KSND truy tố bị cáo tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. “Tôi chỉ có lỗi chứ không có tội, tôi chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng. Lỗi của tôi là để tình cảm xen công việc, tôi đã nhờ anh Hoài xem điểm Ngữ văn”, bị cáo Chính nói. Trước lập luận của bị cáo Chính, HĐXX đã công bố một phần nội dung biên bản làm việc của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT tại Sở GD&ĐT Hà Giang khi xảy ra vụ việc. Tại buổi làm việc này, bị cáo Chính cũng đã giải trình và ký vào biên bản. Trong biên bản này có nêu tên, tuổi cụ thể của 13 thí sinh cũng như phụ huynh. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh có thí sinh L.T.T, con của bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. Trường hợp thứ hai là thí sinh T.N.M, con của ông Triệu Tài Vinh.

Biên bản cũng ghi rõ lời bà Chính: “Trong cơ quan, nhiều người biết có con đồng chí Triệu Tài Vinh thi năm 2018. Mọi người có lúc trao đổi ngoài lề với nhau, đồng chí Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở GĐ&ĐT) có nhắc con Bí thư đấy, bà Chính nói em biết rồi”. Về 2 trường hợp này, trong danh sách 29 phụ huynh bị Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm, còn có bà Chúng Thị Chiên và bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, vợ ông Triệu Tài Vinh…

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Chính đề nghị HĐXX yêu cầu làm rõ dư luận về những tiêu cực trong kỳ thi trong năm 2017 và đề nghị Công an điều tra bổ sung yếu tố trục lợi trong việc nâng điểm bài thi 2018.

Toàn cảnh phiên tòa

Nữ cán bộ công an nhờ nâng điểm cho 20 thí sinh để “tạo phúc”

Trong buổi sáng cùng ngày, Tòa đã xét hỏi bị cáo Lê Thị Dung, nguyên sĩ quan công an, Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang. Bị cáo Dung đã 2 lần nhờ Hoài nâng điểm cho tổng cộng 20 thí sinh, có thí sinh được nâng đến 29,75 điểm. Bị cáo Dung cho biết, khoảng tháng 6.2018, Dung đến nhà riêng của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài để đưa danh sách 5 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, Dung đưa tiếp danh sách 15 thí sinh còn lại, nâng tổng số thí sinh được nâng điểm thông qua Dung là 20 thí sinh.

Trong số 12 người nhờ Dung giúp nâng điểm cho 20 thí sinh, bị cáo cho biết đây toàn là những người thân thiết như người nhà, người bên gia đình thông gia và ân nhân. Trong số 20 thí sinh có một người cháu ruột của bị cáo sinh năm 1992 là thí sinh tự do, vừa hoàn thành nghĩa vụ công an. Điều bất thường là trong danh sách thí sinh được nhờ nâng điểm thông qua Dung có nhiều thí sinh có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh khác. Về vấn đề này, bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nói không rõ nguyên nhân nhưng nếu thí sinh đủ điều kiện thì được thi.

Nói về lý do cũng như danh sách những người được Dung nhận lời giúp đỡ, bị cáo Dung tỏ ra là người cực kỳ ngây thơ, thiếu hiểu biết pháp luật mặc dù là công an. “Tôi nghĩ đây đều là chỗ ân nhân của tôi, nếu không giúp được thì tâm can tôi rất áy náy”, bị cáo Dung nói. Đặc biệt, trong số người nhờ bị cáo Dung nâng điểm thi có 2 người ở Thanh Hóa, một người chỉ là bệnh nhân cùng điều trị với bị cáo Dung ở Bệnh viện Bạch Mai và người kia là người thân bên bên gia đình thông gia bị cáo. Một người khác trong danh sách làm nghề lái xe, chuyên cắt thuốc nam cho bị cáo Dung... Bị cáo Lê Thị Dung cho rằng mình chỉ làm dựa trên mối quan hệ. Tuy nhiên, HĐXX nhìn nhận nhất định phải có lý do nào đó. Theo HĐXX, “không ai làm điều gì mà không có mục đích cả, bị cáo nói như thế là không có cơ sở. Khi đưa danh sách bị cáo phải biết nguyện vọng của các thí sinh này muốn gì”. Đến lúc này, bị cáo Dung lại mang bệnh tật ra để than vãn rằng “chỉ có tâm nguyện là giúp đỡ mọi người để tạo phúc cho bản thân”. Dung nói mình chỉ nhờ Hoài trên phạm vi cho phép chứ chưa bao giờ nói là được nâng bao nhiêu điểm.

Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vương Thị Thu Hà phân tích: “Cho dù nâng đến nửa điểm cũng là trái pháp luật. Mình phải làm đúng với lương tâm, đạo đức con người mới là tạo phúc”. Một điểm bất cập mà trong phần xét hỏi được đưa ra, đó chính là việc trong danh sách 20 thí sinh, có những người là con cháu, có những người quan hệ xã hội, rõ ràng bị cáo Dung không nằm trong ngành giáo dục tại sao lại nhờ bị cáo thì bị cáo Dung không trả lời được. 

 Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa

Sáng 15.10, TAND tỉnh Sơn La đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử 8 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để nâng điểm cho 44 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Trong phiên xét xử, sau phần kiểm tra căn cước, lý lịch tại tòa, chỉ có 6/48 người có nghĩa vụ liên quan có mặt, 27/43 người làm chứng có mặt. Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La tiếp tục vắng mặt. Trước sự vắng mặt của người làm chứng, người có nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện KSND tỉnh Sơn La cho rằng, không ảnh hưởng đến phiên tòa vì hồ sơ vụ án đã có lời khai của những người liên quan.

Ngoài ra, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị làm rõ sự vắng mặt của ông Hoàng Tiến Đức, nếu không có lý do bất khả kháng thì cần thực hiện biện pháp áp giải đến tòa. Sau khi thảo luận, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Sơn La quyết định tiếp tục phiên tòa. Ông Hoàng Tiến Đức có đơn xin vắng mặt có lý do chính đáng, Hội đồng xét xử sẽ công bố lời khai tại phiên tòa. Đại diện Viện KSND tỉnh Sơn La đã thông qua cáo trạng vụ án... Dự kiến phiên tòa diễn ra đến ngày 19.10. P.V

 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top