Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Giặc” bụi bủa vây bầu trời châu Á

Thứ Sáu 04/10/2019 | 10:23 GMT+7

VHO- Theo dữ liệu từ các cơ quan môi trường quốc tế, nhiều thành phố tại khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng.

 Người dân che chắn khói bụi trước Văn phòng Thủ tướng Malaysia Ảnh: REUTERS

Khu vực ô nhiễm nhất toàn cầu

Vào những ngày đầu của tháng 10, Bangkok (Thái Lan) bị bao phủ trong khói bụi ô nhiễm. Chất lượng không khí tại đây cũng được coi là một trong số những khu vực ô nhiễm nhất toàn cầu. Vào lúc 9h45 sáng ngày 30.9 (theo giờ địa phương), ô nhiễm không khí tại Thủ đô của Thái Lan được xếp thứ ba trên thế giới, theo dữ liệu thu được từ IQAir AirVisual. Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm, tổng cộng có 33 khu vực tại Bangkok có mức độ khói bụi vượt ngưỡng an toàn với chỉ số PM2,5 trên 50. Chỉ số PM2,5 cao nhất được ghi nhận tại quận Kholaem của Bangkok, với 78 microgam trên một mét khối không khí. Tại các khu vực lân cận như Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan, Samut Sakhon và Nakhon Pathom, khói bụi cũng được cảnh báo trong tình trạng độc hại. Chính quyền khu vực Pralong Damrongchai cho biết, chất lượng không khí trong tình trạng tiêu cực một phần được gây ra bởi tuyến gió và độ ẩm cao trong thời điểm chuyển mùa.

Trong những năm gần đây, khí thải công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt cây trồng và khói bụi từ xe máy đã khiến mức độ ô nhiễm tăng đột biến tại Thái Lan, đặc biệt là thành phố Bangkok. Đây cũng là khu vực bị ảnh hưởng bởi đợt cháy rừng tại Indonesia trong thời gian vừa qua. Thủ tướng Prayut Chan-Ocha đã đưa ra khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi tham gia giao thông. Trên phương tiện truyền thông xã hội, Thủ tướng cũng kêu gọi các nhà máy và công trường xây dựng thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm thiểu khói bụi. Tại các khu vực đỉnh điểm ô nhiễm, chính quyền thành phố Bangkok đã triển khai các vòi rồng để loại bỏ bụi mịn.

Hơn 1 triệu học sinh phải nghỉ học

Malaysia cũng chịu ảnh hưởng bởi đợt cháy rừng tại Indonesia dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề. Mới đây, Malaysia đã phải đóng cửa nhiều trường học vì chất lượng không khí xuống thấp đến mức đáng báo động. Vào ngày 2.10, Malaysia đã triển khai hàng loạt trực thăng phun nước trên khắp địa bàn cả nước để làm sạch không khí.

Trả lời phỏng vấn của South China Morning Post, Jailan Simon, Cục trưởng Cục Khí tượng Malaysia cho biết, lượng mưa tự nhiên có thể sẽ làm sạch không khí. Tuy nhiên trong tình trạng nắng nóng ở thời điểm hiện tại, việc sử dụng trực thăng phun nước được coi như một biện pháp tạm thời. Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, nước này có thể sẽ phải thông qua đạo luật buộc các công ty giải quyết tình trạng cháy rừng tại các phần đất mà họ kiểm soát ở nước ngoài.

Gần 1.500 trường học tại Malaysia đã bị đóng cửa do ô nhiễm không khí, đồng nghĩa với hơn một triệu học sinh bị ảnh hưởng, theo thông tin từ Bộ Giáo dục Malaysia. Hai khu vực chịu ô nhiễm nghiêm trọng nhất là Selangor, bên ngoài Kuala Lumpur, nơi có 538 trường học bị đóng cửa và Sarawak, thuộc đảo Borneo với 336 trường học. Hàng trăm trường học tại một số bang khác của Malaysia cũng bị ảnh hưởng. Theo báo cáo, một lượng lớn công dân tại Malaysia đã gặp vấn đề về sức khỏe do bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm khói bụi. Các nhà chức trách cho biết, các trường hợp bệnh nhân ngoại trú có triệu chứng khô và ngứa mắt đang gia tăng mạnh mẽ tại các bệnh viện công lập.

Trong khi đó, chất lượng không khí tại Singapore hiện đã đạt đến mức “tồi tệ nhất” trong 3 năm trở lại đây. Theo số liệu từ Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA), chỉ số Tiêu chuẩn ô nhiễm trong 24 giờ của nước này nằm trong khoảng 87 - 106, vượt ngưỡng 100 cho phép, lần đầu tiên kể từ tháng 8.2016. Singapore, nơi từ lâu được coi là biểu tượng của một đất nước với không khí trong lành, vào năm 2014 đã thông qua đạo luật về ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Theo đạo luật này, những cá nhân và tổ chức gây ra khói bụi làm ảnh hưởng đến tình trạng không khí tại các thành phố của đất nước sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự và hình sự. Singapore vừa qua cũng đe dọa sẽ kiện các công ty trồng rừng tại Indonesia tới tòa án quốc tế để tìm câu trả lời cho vấn đề khói bụi hiện tại. Chính phủ nước này đã yêu cầu 6 nhà cung cấp Indonesia liên kết với Tập đoàn Giấy và Bột giấy Châu Á đưa ra lời giải thích hợp lý cho các hoạt động bền vững với Cơ quan Môi trường Quốc gia.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ số ô nhiễm không khí tại Seoul (Hàn Quốc) là 84, khiến đây trở thành thành phố mới nhất tại khu vực Đông Bắc Á cần phải đưa ra cảnh báo về không khí. Chính quyền thành phố Seoul dự kiến sẽ cho tạm dừng hoạt động của nhiều nhà máy nhiệt điện, đồng thời thắt chặt quy định đốt rác thải tại các khu vực nông thôn để cải thiện tình trạng bụi mịn. 

 THỤC LINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top