Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Cần làm rõ cưỡng bức để hôn là trêu ghẹo hay tấn công tình dục?

Thứ Sáu 22/03/2019 | 14:41 GMT+7

VHO-Hiện nay, nhiều quy định của pháp luật liên quan đến tình dục như hành vi quấy rối, dâm ô... chưa rõ ràng, chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe khiến cho các đối tượng bị xử phạt ở mức độ chưa tương xứng. Trước thực tế này  đã có nhiều ý kiến yêu cầu bổ sung và điều chỉnh một số quy định pháp luật nhằm phòng chống một cách hiệu quả nạn quấy rối và bạo lực tình dục.

Vụ việc Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ, cưỡng hôn một cô gái trong cầu thang máy (tại chung cư Golden Palm, Thanh Xuân, Hà Nội) và chỉ bị phạt 200.000 đồng; hành vi sờ mông, sờ đùi của thầy giáo ở Bắc Giang không phải là hành vi dâm ô; hay người đàn ông ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chở cháu bé lớp 9 vào vườn chuối và thực hiện các hành vi dâm ô là “không nghiêm trọng” nên được cho tại ngoại… khiến nạn nhân và xã hội vô cùng bất bình. Trước đó, một nam công chức của Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Triệu Phong (Quảng Trị) dùng sức mạnh ôm, hôn và có nhiều hành động khiếm nhã khiến nữ đồng nghiệp cùng phòng môi bị rách, có vết lằn ở cổ và xước trên tay nhưng ban đầu cũng chỉ bị phạt 200.000 đồng vì có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, theo điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013 với khung hình phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, những người có chức trách cũng như của cộng đồng, cuối cùng cơ quan cảnh sát điều tra TP Hà Nội đã phải thay đổi hình thức ngăn chặn từ cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú thành bắt tạm giam đối với nghi phạm; nam công chức Phòng Tài chính kế hoạch huyện Triệu Phong cũng bị cho thôi việc… Điều này cho thấy những quy định của pháp luật liên quan đến hành vi quấy rối tình dục, tấn công tình dục còn lỏng lẻo mỗi lúc lại áp dụng một điều luật khác nhau, trong đó có nhiều quy định với chế tài còn quá nhẹ, như hình thức xử phạt đối với Đỗ Mạnh Hùng kể trên được một số người cho rằng chẳng khác nào một sự “nhạo báng” pháp luật. “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” là chủ đề của năm 2019 và đáng tiếc hơn, nhiều sự việc diễn ra một cách liên tục lại xảy ra ngay trong Tháng cao điểm hành động với sự hưởng ứng của các Bộ, ngành, toàn thể nhân dân.

Hình ảnh minh hoạ cho Bản kiến nghị yêu cầu bổ sung và điều chỉnh luật về các tội danh bạo lực tình dục của một số tổ chức xã hội tại Việt Nam

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Cầm,  Trưởng ban Chính sách-Luật pháp (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) cho biết, khi các sự việc trên xảy ra, Hội Phụ nữ đều có những hành động lên án hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em, lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm như gửi công bản đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý thỏa đáng với trường hợp nam công chức tại huyện Triệu Phong, hay công văn gửi Công an, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội về việc Công an huyện Chương Mỹ khởi tố bị can với tội danh Dâm ô trẻ em, cho tại ngoại là chưa thỏa đáng và những sự việc trên đều có kết quả.

“Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên tại đây, mức xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người đang được quy định chung với mức phạt đối với hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực khác trong cùng một điều khoản, như khoản 1 điều 5 Nghị định 167, quy định mức phạt từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng với các hành vi: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” (điểm a) và “Thả rông động vật nuôi trong thành phố hoặc nơi công cộng” (điểm c) mà không có sự tách biệt, đề cao tinh thần bảo vệ quyền con người trong những tình huống xảy ra trên thực tế như thế này. Theo chúng tôi sự hạn chế, bất cập này vô hình chung không tạo được tính răn đe, giáo dục đối với người vi phạm cũng như bảo vệ quyền lợi của người bị hại”, Trưởng ban Chính sách-Luật pháp khẳng định.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Cầm, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng đã nhận thấy một số hạn chế, bất cập trong các quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP và đã có kiến nghị sửa đổi như: Kiến nghị sửa đổi mục 4 “vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình” theo hướng đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi bạo lực gây ra đối với nạn nhân. Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung hình thức xử phạt vi phạm ngoài mức phạt bằng tiền mặt để có tác dụng giáo dục, răn đe hiệu quả hơn…

Đỗ Mạnh Hùng đã dồn cô gái vào cưỡng bức để hôn. Ảnh cắt từ clip

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 143 - Tội cưỡng dâm trong Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn hành vi “tình dục khác” là gì, các hành tình dục bằng tay, bằng dụng cụ, đồ dùng… có nằm trong hành vi “tình dục khác”; cần làm rõ cưỡng bức để hôn là hành vi tấn công tình dục hay là xàm xỡ, trêu ghẹo (như trường hợp xử phạt với Đỗ Mạnh Hùng là áp dụng xử phạt hành chính từ 100.000 – 300.000 đồng).

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giảng viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền chia sẻ: Khái niệm "Dâm ô" nên thay bằng cái khái niệm có thể định nghĩa được và mang tính phổ biến như thế giới đang sử dụng. Tội được khép vào khung hình phạt nào rất liên quan đến khái niệm được sử dụng để gọi tên hành vi phạm tội ấy. Nếu gọi hành vi của thủ phạm là quấy rối tình dục thì bị xử phạt nhẹ hơn, nhưng nếu nó được nhận diện là tấn công tình dục thì chuyện lại khác. “Cần thay đổi luật cho phù hợp với sự phát triển của xã hội góp phần tạo nên một xã hội an toàn hơn cho tất cả”, bà Minh nhấn mạnh.

THẢO VÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top