Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hoàn thổ sau khai thác mỏ tại Nghệ An: Doanh nghiệp cố tình phớt lờ

Thứ Sáu 22/03/2019 | 10:44 GMT+7

VHO- Theo quy định của pháp luật, sau khi hết hạn khai thác mỏ phải tiến hành hoàn thổ, khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng khu vực khai thác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phớt lờ nghĩa vụ này dẫn đến nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ việc sập mỏ cũ làm ba người ở bản Chảo (xã Châu Hồng, Quỳ Hợp) bị thiệt mạng mới đây đã gây bức xúc trong dư luận.

 Một miệng hầm khai thác mỏ thiếc trên khu vực núi Lan Toong chưa được hoàn trả mặt bằng Hiện trường vụ sập mỏ thiếc Suối Bắc thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp làm ba người thiệt mạng

 Anh Trương Văn Hiền, bản Chảo, vẫn chưa nguôi nỗi đau khi vợ là Sầm Thị Hải (sinh năm 1987) cùng bạn là anh Lương Văn Tuấn (sinh năm 1977), Lương Thị Hảo (sinh năm 1982) tham gia mót quặng bị sập hầm chết.

Anh Hiền nhớ lại: Sự việc xảy ra vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 13.3, tại khu vực mỏ khai thác quặng thiếc cũ Suối Bắc, trên núi Lan Toong thuộc xã Châu Hồng. Để kiếm thêm thu nhập nên mọi người rủ nhau đi mót quặng tại mỏ đã hết hạn khai thác bị sập. “Các doanh nghiệp bỏ đi lâu rồi, họ khai thác, đào bới cho nham nhở cả mấy quả núi xong họ để đó. Những hầm hố sâu hoắm để lại hiện trường, những đùn đất cao như núi cứ trời mưa lũ là tuồn xuống phía dưới, ảnh hưởng đến nguồn nước cũng như môi trường. Giờ chỉ còn mình tôi sống sót…”, anh Hiền bức xúc.

Nguyên nhân dẫn đến việc hầm sập tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp theo xác định ban đầu có thể do khu vực này qua nhiều thời gian không có hoạt động khai thác, các hệ thống cột chống và đất núi bị phong hóa, khi có tác động nên xảy ra sự cố sập hầm. Đây là hầm mỏ đã được đóng cửa, dừng các hoạt động khai thác khoảng 3 năm, là một trong những hệ lụy về việc doanh nghiệp “quên” nghĩa vụ hoàn thổ, khôi phục lại mặt bằng sau khai thác mỏ. Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý khai thác khoáng sản. Sau khi khai thác xong các doanh nghiệp rút đi, để lại những khu mỏ đất đá lổn nhổn, nham nhở hầm, hố sâu hút, gây nguy hiểm cho người, vật nuôi và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Theo chính quyền địa phương, hiện hai điểm mỏ trên núi Lan Toong có hai doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã có quyết định đóng cửa mỏ. Điểm mỏ của Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh đang bị đình chỉ khai thác từ năm 2017 sau sự cố vỡ đập chứa bùn thải, chỉ còn điểm mỏ của Công ty khoáng sản Hà An đang khai thác. Từ sau khi công ty này rời đi, nhiều người dân xã Châu Hồng đã dùng phương tiện thủ công để “mót” quặng.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn có 46 mỏ đá và quặng thiếc được cấp phép. Hiện, 20 mỏ hết phép khai thác, trong đó có 10 mỏ xin gia hạn, tám mỏ chưa hoàn thổ mặt bằng, chỉ có hai mỏ đã hoàn thổ mặt bằng. Qua các đợt kiểm tra, huyện đã nhiều lần có văn bản đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường cần có các biện pháp mạnh, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ mặt bằng sau khi mỏ hết hạn khai thác để đảm bảo an toàn nhưng có nhiều doanh nghiệp vẫn phớt lờ không chấp hành nghiêm túc.

Hiện nay có 8 mỏ khoáng sản nhưng 6 mỏ đã hết phép hoạt động ở huyện Diễn Châu sau khi khai thác xong chưa hoàn thổ mặt bằng. Trong đó, tại xã Diễn Đoài có 6 mỏ đất thì 5 mỏ đã hết hạn từ năm 2015, đến nay vẫn còn nham nhở, với nhiều hố sâu rất nguy hiểm.; Bốn doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng sắt tại xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong hết hạn khai thác và ngừng hoạt động từ năm 2016, nhưng khi đóng cửa mỏ cũng không thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Tại mỏ đá Lèn Chùa tại địa phận phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai được UBND tỉnh Nghệ An cấp quyền khai thác cho ba doanh nghiệp. Sau khi hết hạn, cơ quan chức năng quyết định đóng cửa mỏ, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải tiến hành san lấp, phục hồi môi trường. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác...

Theo Sở TN&MT Nghệ An, hiện nay trên địa bàn có khoảng trên 140 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc về vấn đề này, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ sau khi khai thác, nhưng vấn đề này đang bị các đơn vị khai thác lẫn cơ quan chức năng chưa tiến hành triệt để. Chưa kể, tình trạng khoáng sản bị khai thác trái phép diễn ra tràn lan khiến cho môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình ANTT tại các địa phương liên quan. 

PHẠM NGÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top