Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xâm phạm về thân thể: Nhiều nước xử nghiêm, còn mình thì "thoát tội"

Thứ Sáu 22/03/2019 | 10:29 GMT+7

VHO-Thời gian gần đây, xảy ra một số vụ việc mà đối tượng vi phạm đã xâm phạm trực tiếp đến thân thể, danh dự của người khác bằng lời nói, hành động. Dù hành vi của các đối tượng rất rõ ràng, nhưng do pháp luật hình sự chưa có quy định về tội dâm ô, tội quấy rối tình dục nên kẻ thì được “thoát tội”, kẻ chỉ bị xử phạt vài trăm nghìn đồng, khiến dư luận bất bình.

Họp báo vụ thầy giáo bị tố dâm ô hàng loạt học sinh huyện Việt Yên, Bắc Giang

 Đầu tiên, phải kể đến là vụ thầy giáo Dương Trọng Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A - Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, (Bắc Giang) đã có hành vi sờ mông, sờ đùi một số học sinh của lớp 5A. Hành vi sàm sỡ của ông Minh đã khiến dư luận bức xúc, vì không cần xét ở góc độ đạo đức nhà giáo, mà ở góc độ con người bình thường, hành vi của một người lớn, đối với những đứa trẻ như vậy cũng không thể chấp nhận được, đáng bị xử phạt nghiêm khắc. Nhưng tiếc thay, sau vài ngày điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên đã không thể truy tố ông Minh về bất cứ tội gì.

Nếu là tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi theo điều 146 Bộ luật Hình sự thì không có đủ căn cứ. Bởi cho đến nay, chưa có bất kỳ một văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi dâm ô, ngoại trừ bình luận của cựu thẩm phán TAND Tối cao Đinh Văn Quế trong bình luận khoa học của ông đối với Bộ luật Hình sự năm 2005 có định nghĩa: “Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân”. Dựa trên định nghĩa được đưa ra trong cuốn sách này, các cơ quan điều tra khi xem xét hành vi của đối tượng vi phạm, đều dựa trên cơ sở là phải có hành vi đụng chạm đến bộ phận sinh dục thì mới được xác định là phạm tội dâm ô. Chính vì vậy, cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Việt Yên đã không truy tố ông Minh vì hành vi sờ đùi, sờ mông không đụng chạm đến bộ phận sinh dục.

Còn đối với hành vi của Đỗ Mạnh Hùng - kẻ đã “cưỡng hôn” cô gái trong thang máy tại tòa nhà chung cư Golden Palm - chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng đã khiến dư luận “dậy sóng”. Cơ quan công an rõ là đã không thể làm khác vì Bộ luật Hình sự chỉ quy định tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Mà ngay cả nếu cô gái dưới 16 tuổi thì theo định nghĩa về hành vi dâm ô như trên, cũng không đủ căn cứ truy tố. Còn hành vi quấy rối tình dục thì trong Bộ luật Hình sự, không hề có một điều nào quy định.

Từ những vụ việc cụ thể trên, có thể thấy, pháp luật hình sự Việt Nam đang thiếu những điều khoản để trừng phạt đối với các hành vi dâm ô, quấy rối tình dục, trực tiếp xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người

Đối với các nước phương Tây, các loại tội phạm tình dục được xếp vào nhóm tội phạm nghiêm trọng. Ngoài xử phạt tù, còn kèm theo hình phạt tiền và cấm làm một số công việc nhất định. Đối với Mỹ, hành vi tấn công tình dục có thể lĩnh án chung thân và bị phạt tới 10.000 USD. Người phạm tội, sau khi mãn án tù, còn bị quản chế và phải đến trình diện theo quy định. Họ cũng không được làm một số công việc nhất định và thậm chí không được xóa án tích. Ở Canada, ngoài các hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng thì các hành vi như động chạm đến thân thể, bộ phận nhạy cảm hoặc có các lời nói, cử chỉ ám chỉ đến các hoạt động tình dục mà không được sự đồng ý của nạn nhân cũng bị coi là quấy rối tình dục và phạt tù đến 2 năm. Ngay tại châu Á, Singapore cũng rất nghiêm khắc với các loại tội phạm tình dục. Các hành vi xâm hại tình dục, ngoài hình phạt tù và phạt tiền, người phạm tội còn chịu phạt roi. Đặc biệt, nếu nạn nhân dưới 14 tuổi, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt 20 năm tù kèm theo hình phạt roi và tiền.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật hình sự của Việt Nam đang có một “lỗ hổng” đối với việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm thân thể, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người, đã được pháp luật Việt Nam quy định tại Hiến pháp và nhiều văn bản Luật. Vì vậy, để bảo vệ những quyền này của người dân, Bộ luật Hình sự cần bổ sung ngay các tội Dâm ô và Quấy rối tình dục. 

 Hiến pháp quy định:

Điều 20.

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Bộ luật Dân sự quy định:

Điều 33. Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể

1. Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

 

HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top