Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn “văn minh nhân loại” tại An Khê

Thứ Sáu 22/03/2019 | 10:19 GMT+7

VHO- Từ những hiện vật đá “vô tri” nằm sâu trong lòng đất được phát hiện qua các đợt khai quật khảo cổ học tại thị xã An Khê, đến nay nhiều nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã tìm đến để “thấy tận mắt, sờ tận tay” các tư liệu đã làm thay đổi các nhận định về lịch sử phát triển nhân loại.

 Các chuyên gia khảo cổ học bên địa tầng văn hóa Đồ đá cũ An Khê

 Chính quyền tỉnh Gia Lai đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị “văn minh nhân loại” này.

Thung lũng An Khê – nơi thay đổi nhận định của thế giới

Sau hàng chục năm gắn bó với Tây Nguyên, tìm về buôn làng xa xôi để tìm hiểu về những công cụ đá mà cư dân nơi đây thường nói là “búa trời”, rồi tổ chức khai quật, chụp ảnh, phân tích... và các kết quả thường tương đồng với niên đại khoảng 4.000 năm trước công nguyên.

Trong một dịp tình cờ, mùa mưa năm 2014, PGS. TS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng người học trò trẻ đầy tâm huyết Phan Thanh Toàn đã tìm về thung lũng An Khê - Gia Lai để tiếp tục khảo sát. Tại đây, trên địa tầng nơi hố đào của người dân, 2 nhà khảo cổ cảm nhận có gì đó bất thường từ những hòn cuội to bị vỡ không theo tự nhiên - có thể đó là công cụ của con người thời đại đá cũ chế tác, sử dụng?

Chính những nghi ngờ và khó tin này được phát hiện trên một thềm sông cổ, một cuộc họp nhanh chóng được triển khai, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành một đề tài cấp Bộ ngay trong năm để khảo sát mở rộng và các nhà khoa học Nga thuộc Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) cũng được mời vào cuộc.

Từ năm 2014 đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga đã phát hiện ở vùng đồi gò thung lũng An Khê hơn 20 di tích sơ kỳ đá cũ gồm: 12 địa điểm ở Rộc Tưng (xã Xuân An), địa điểm Gò Đá (phường An Bình), Rộc Hương (phường An Tân), Rộc Giáo (phường Ngô Mây), Rộc Lớn (phường An Phước), Rộc Nếp (xã Cửu An) và khu vực đá nguyên liệu ở Núi Đất (xã Cửu An).

Kết quả nghiên cứu sau 4 đợt khai quật cho thấy, vết tích hoạt động của cư dân nguyên thủy còn để lại trong tầng văn hóa ở An Khê được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Tầng văn hóa đều là đất phong hóa từ đá granite tại chỗ, đã bị laterit, có tuổi Cánh tân (Pleistocene). Bên cạnh những công cụ đồ đá, mảnh vỡ từ đá cuội nằm trong tầng văn hóa do con người cổ xưa chế tạo và sử dụng bỏ lại thì có vô số các mẫu tectit (thiên thạch) rơi từ ngoài hành tinh vào Trái đất được phát hiện ngay tại các hố đào.

Nhận định về kết quả đạt được trong các năm qua, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho rằng, đến thời điểm hiện tại, với trên 20 địa điểm sơ kỳ Đá cũ được phát hiện trong vùng đồi gò thung lũng An Khê là bằng chứng về sự hiện diện của một cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam. Đây cũng chính là nguồn sử liệu xác nhận mốc khởi đầu của lịch sử Việt Nam. Riêng các công cụ đá ghè 2 mặt và rìu tay “tuyệt đẹp” ở An Khê đã khẳng định chắc chắn rằng, chúng ta đã bổ sung thung lũng An Khê (Việt Nam) vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của nhân loại trên thế giới.

Từ những kết quả nghiên cứu, phát hiện sau 4 năm khai quật cùng các cuộc hội thảo Quốc tế, kết quả định tuổi mẫu vật, các nhà khảo cổ học Việt-Nga đến nay đã đủ cứ liệu khẳng định, các di tích khảo cổ ở An Khê có niên đại thuộc sơ kỳ đá cũ, cách ngày nay trên dưới 800.000 năm.

Vui mừng với những phát hiện này, TS Nguyễn Gia Đối, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nói: Với những gì được phát hiện và xác thực bởi các chuyên gia khảo cổ trên khắp thế giới, cho thấy con người thuở sơ khai ở An Khê đã hình thành một kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, tạm thời gọi tên Kỹ nghệ An Khê.

“Những phát hiện công cụ ghè hai mặt và đặc biệt là những chiếc rìu tay đạt trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao, mang đặc trưng tiêu biểu của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái về sự đối lập văn hóa giữa phương Đông và phương Tây từng tồn tại lâu dài, mà còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới”, TS Nguyễn Gia Đối, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN khẳng định.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử nhân loại

Cùng với sự quan tâm nghiên cứu từ các chuyên gia trên toàn thế giới đến sự phát hiện “chấn động” về một thời cổ xưa trong lịch sử phát triển của loài người từng tồn tại nơi thung lũng An Khê, phía tỉnh Gia Lai và địa phương là thị xã An Khê đã từng bước đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa nhân loại.

Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 15/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với “Di tích thời đại Đá cũ Rộc Tưng, Gò Đá tại thị xã An Khê, Gia Lai”. Đây cũng là cơ sở để Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục kiến nghị Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia (Bộ VHTTDL) xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời hướng tới mục tiêu sớm được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Từng bước hoàn thiện yêu cầu trên, phía UBND thị xã An Khê đã đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng bảo tàng ngoài trời và hàng rào bao quanh di tích Rộc Tưng 1; đồng thời đang xây dựng thêm nhà bảo vệ tại di tích Rộc Tưng 4 với kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Chính nơi đây hằng năm đã thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch, nhà nghiên cứu tìm đến. Tuy nhiên, xét về các giá trị khảo cổ học to lớn được phát hiện vẫn chưa được đầu tư xứng tầm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy thị xã An Khê cho rằng, nguồn kinh phí đầu tư cho các giá trị văn hóa tại đây thời gian qua vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có kế hoạch và kêu gọi xã hội hóa, quảng bá sâu rộng tổng thể di tích lịch sử, khảo cổ học nhằm giới thiệu về vùng đất, con người thị xã An Khê đang có. 

NGUYỄN GIÁC

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top