Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh quy hoạch khu vực trung tâm TP Đà Lạt: Còn đâu “thành phố mộng mơ”?

Thứ Tư 20/03/2019 | 10:51 GMT+7

VHO- Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị với tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt), đã có nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí là phản đối vì nó đã can thiệp quá thô bạo đến những công trình “dấu xưa hồn cũ” của thành phố mộng mơ.

 Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số hộ dân sống trên địa bàn. Ông Lê Phước Q (54 tuổi) cho biết: “Tôi thấy quy hoạch cũng được nhưng thay vì đập bỏ khu Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng thì tại sao chúng ta không tiến hành trùng tu, sửa chữa nó lại. Đấy là những thứ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, chúng ta nên gìn giữ”.

 Rạp Hòa Bình sẽ được đập bỏ và xây mới

Đừng biến Đà Lạt thành bê tông, sắt thép

“Tôi đã từng đi rất nhiều nước nhưng có thấy ở đâu người ta đập bỏ những di sản. Chúng ta phải biết gìn giữ để tận dụng và khai thác nó. Từ bên châu Âu xa xôi mà Thụy Sĩ còn qua đây để mua lại những đầu máy xe lửa rỉ sắt để về phục dựng lại và giờ đây đưa vào hoạt động du lịch. Đừng để nó trở thành một việc làm sai lầm để rồi sau này phải tiếc nuối”, ông Q chia sẻ thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Thị T (73 tuổi, một người có hơn 60 năm sống tại Đà Lạt) thẳng thắn: “So với những thành phố khác trong cả nước thì Đà Lạt là một tổng thể hoàn toàn khác vì nó có những nét đặc trưng riêng và rất nổi bật. Vì vậy, không thể lấy những nơi khác làm hình mẫu để rập khuôn. Không phủ nhận rằng quy hoạch lại thành phố để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, tuy nhiên chúng ta cần có cái nhìn vĩ mô và bao quát để làm sao khi tái cơ cấu lại cơ sở hạ tầng của khu vực thì vẫn còn giữ được những nét riêng của Đà Lạt”.

Còn anh Phạm Quốc H (44 tuổi) thì gay gắt hơn: “Người ta lên Đà Lạt vì những nét riêng về khí hậu, về thiên nhiên và về những căn biệt thự cổ, những kiến trúc cổ chứ không phải họ đến đây vì các tòa nhà hiện đại, các trung tâm mua sắm sầm uất. Vì vậy, đừng biến Đà Lạt thành gạch đá, thành bê tông, sắt thép. Anh H cũng cho rằng: “Nhiều người nói đừng giữ những tư tưởng cũ nữa, nhưng theo tôi nghĩ, không phải cứ đập đi xây lại là suy nghĩ mới và tích cực. Trên thế giới hiện nay vẫn có rất nhiều thành phố cổ được lưu giữ đấy thôi. Theo tôi, chính quyền thành phố nên tập trung vào việc đầu tư nâng cấp hệ thống đường sá thì sẽ tốt hơn. Bởi vì Đà Lạt hiện nay đang trong tình trạng quá tải về phương tiện lưu thông, đặc biệt là các tuyến đường chính của thành phố. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường và an sinh xã hội cũng cần được quan tâm hơn”.

Qua những ý kiến trên có thể nhận thấy, bản quy hoạch tổng thể khu vực trung tâm Hòa Bình không nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là việc can thiệp thô bạo đến hai công trình là rạp hát Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng.

 Dinh tỉnh trưởng cũng sẽ không còn

Cần phải xem xét lại

Trước đó, ngày 15.3, đại diện UBND TP Đà Đạt đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình. Cụ thể, khu vực quy hoạch này có diện tích khoảng 30 ha, nằm trên địa bàn phường 1 với phạm vi bao gồm các đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản).

Quy mô dân số hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ). Với hệ số tăng dân số cơ học 1,2, dự báo quy mô dân số khu vực quy hoạch khoảng 6.879 người. Khu trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu: Trong đó, phân khu 1 là (khu vực chợ Đà Lạt – đường Nguyễn Thị Minh Khai), diện tích 6,95 ha, là khu vực chợ truyền thống, kết hợp với quảng trường trung tâm (quảng trường hoa mang tính đặc trưng của Đà Lạt); khu phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm.

Phân khu 2 (khu trung tâm Hòa Bình), diện tích 3,37 ha, là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Phân khu 3 (khu vực đồi Dinh), diện tích 4,43 ha, là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Phân khu 4 (khu vực chỉnh trang đô thị), diện tích khoảng 9,19 ha, là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Phân khu 5 (khu vực ven hồ Xuân Hương), diện tích 6,06 ha, là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương.

Quy hoạch cũng quy định rõ các chỉ tiêu về kiến trúc công trình, chiều cao, mật độ xây dựng công trình. Việc thiết kế xây dựng công trình phải tận dụng tối đa địa hình tự nhiên; hạn chế việc san gạt theo diện rộng, phá vỡ địa hình tự nhiên; không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực. Khuyến khích trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái công trình; sử dụng cây xanh đặc trưng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt…

Trước bản quy hoạch này, người dân và giới chuyên môn đề nghị cần phải xem xét lại trước khi quá muộn. 

 Đóng góp không được ghi nhận

KTS Hồ Quốc B (Giám đốc một công ty xây dựng tại Đà Lạt) nêu lên quan điểm: “Xét trên bình diện cá nhân thì tôi không đồng ý với một số chi tiết trong đề án quy hoạch trung tâm Hòa Bình, trong đó có việc phá bỏ rạp hát Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng. Bởi vì nếu làm như thế thì có thể khi đề án được thực thi sẽ phá vỡ kiến trúc cảnh quan chung của khu vực. Khi đó, trung tâm Hòa Bình chỉ còn lại chợ Đà Lạt vốn là một công trình mang kiến trúc cổ sẽ nằm lạc lõng giữa những công trình hiện đại. Nhìn vào tổng thể của khu vực sẽ rất đối lập và khó coi”.

Theo KTS Trần Công H (Hội KTS tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cách đây khoảng 5 tháng, Sở Xây dựng Lâm Đồng có gởi đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm Hòa Bình cho Hội xem và xin góp ý. Hội đã có góp ý bằng văn bản nêu lên sự cần thiết của việc chỉnh trang, nâng cấp trung tâm Hòa Bình, song song đó góp ý nhiều điểm trong đồ án thiết kế chưa phù hợp. Thế nhưng khi công bố và triển lãm đồ án trên thì những điều mà Hội góp ý không được ghi nhận.

 

 THÀNH KHIÊM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top