Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Người dân Bắc Ninh ùn ùn đi xét nghiệm sán lợn: Hệ thống vệ sinh dịch tễ đang ở đâu?

Thứ Tư 20/03/2019 | 10:43 GMT+7

VHO- Câu hỏi trên được đặt ra khi hàng ngàn người dân Bắc Ninh ùn ùn kéo lên Hà Nội để đưa con em mình đi xét nghiệm? Nhiều người cho rằng, có cả một hệ thống viện vệ sinh dịch tễ, viện ký sinh trùng, trung tâm phòng chống dịch bệnh... nhưng khi xuất hiện vụ việc nghi ngờ có ổ dịch bệnh lại chỉ đơn giản là nặng về xét nghiệm gây tốn tiền cho người dân.

 Đông đảo phụ huynh Bắc Ninh vẫn tiếp tục đưa trẻ ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn trong ngày 19.3 Ảnh: PHẠM QUÝ

 Mặc dù tỉnh Bắc Ninh đã quyết định lấy máu tại chỗ cho trẻ em huyện Thuận Thành từ ngày 18.3 nhưng trong ngày hôm qua 19.3, không ít phụ huynh vẫn lặn lội từ sáng sớm bắt xe lên Hà Nội để đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm bệnh sán lợn. Điều này cho thấy sự lo lắng về dịch bệnh này vẫn thường trực.

Dường như đến lúc này, Bộ Y tế mới “bắt tay” vào việc, đầu tiên là công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh được ban hành vào trưa ngày 19.3 yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương báo cáo cụ thể tình hình xét nghiệm sán và một số ký sinh trùng cho trẻ em Bắc Ninh, chẩn đoán xác định người bệnh có bị nhiễm sán và một số ký sinh trùng từ các xét nghiệm có kết quả dương tính. Đồng thời, chiều ngày 19.3, một đoàn công tác của Bộ Y tế cũng có mặt tại Bắc Ninh để bàn về việc xử lý, điều trị cũng như ngăn chặn dịch bệnh. Dù trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo về nguy cơ của bệnh sán lợn cũng như cách đề phòng dịch bệnh, nhưng không đủ để trấn an tâm lý người dân.

Với mỗi xét nghiệm từ 600 nghìn - 1 triệu đồng, tức là những ngày qua, người dân đã bỏ ra hàng tỉ đồng để biết được tình trạng bệnh sán lợn của con em mình. Nhưng dường như số tiền ấy đã bị chi tiêu một cách không cần thiết trong thời điểm này, bởi các bác sĩ, chuyên gia cho rằng dương tính với sán lợn không có nghĩa là mắc bệnh sán lợn và ấu trùng sán lợn cũng có thể tự đào thải qua đường tiêu hoá.

Theo bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, nếu sán lợn xâm nhập vào cơ thể, có ba trường hợp: Một là, thường gặp và sẽ theo phân và được đào thải ra ngoài; trường hợp hai, sán lợn lưu hành tại hệ thống tiêu hoá và gây bệnh tại chỗ; trường hợp ba, ấu trùng sán lợn sẽ vào máu và đi tới bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể - từ da đến não. “Rất mong phụ huynh trên địa bàn huyện Thuận Thành đừng quá hoang mang. Mong dư luận đừng giận dữ thái quá. Đặc biệt, mong Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT sớm có câu trả lời trung thực, khách quan, chuyên nghiệp và khoa học về vấn đề này càng sớm càng tốt”, bác sĩ Lương Trường Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, việc người dân Bắc Ninh dồn dập đưa con đi lấy máu xét nghiệm sán lợn là không cần thiết. Kết quả dương tính trên nền trẻ khoẻ mạnh cũng chỉ khẳng định là trẻ có phơi nhiễm với trứng sán do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán. “Trường hợp các cháu bé ở Bắc Ninh nếu không có triệu chứng, mà chỉ là phơi nhiễm với bệnh thì không cần phải điều trị”, ông Cường nói.

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới giải thích, những người có nguy cơ hoặc triệu chứng như động kinh, có vấn đề về thị lực không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hoá, hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, xuất hiện các nốt dưới da... thì mới xét nghiệm tìm ấu trùng sán, thậm chí phải làm nhiều xét nghiệm khác để khẳng định như siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết…

Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế cùng với hệ thống vệ sinh dịch tễ đã ở đâu trong những ngày mà người dân ồ ạt đi xét nghiệm một cách tự phát? Đến khi tiền tỉ đã được chi rồi mới tá hoả rằng, những xét nghiệm ấy chưa phải là cấp bách. Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, chính sự vào cuộc chậm trễ của các cơ quan quản lý nhà nước khiến một việc tưởng chừng rất nhỏ “phụ huynh phát hiện thực phẩm bẩn” dùng cho bữa ăn trưa của một trường mầm non, sau đó trong diễn biến gần một tháng trời biến thành một vụ “scandal tầm quốc gia”.

Theo bác sĩ Lương Trường Sơn, việc người dân đi xét nghiệm sán lợn là không cần thiết mà điều cần làm là cơ quan chức năng phải ra tay ngay. Cần phải có cán bộ dịch tễ về điều tra, lấy mẫu vật từ thức ăn, rau, thịt cá, nước, đất, các thức ăn đã nấu sẵn ở khu vực xảy ra sự cố để tìm ra được nguyên nhân lây bệnh. Sau đó mới xét nghiệm, phân tích tình hình ấu trùng trứng sán như thế nào, tìm kháng nguyên sán ấu trùng…

“Cơ quan chức năng phải điều tra, trả lời thực trạng khu vực đó có nhiễm sán không, có ổ dịch không, hay là lan từ chỗ này sang chỗ kia, từ thực phẩm sang người, từ người sang người, từ vật nuôi quanh nhà... Bộ Y tế cùng với Bộ GD& ĐT phối hợp chính quyền tỉnh Bắc Ninh phải có ý kiến, can thiệp kịp thời để người dân an tâm, tránh việc kéo cả nghìn người lên Hà Nội, gây tốn kém; làm cho những người trong cộng đồng nghi ngờ nhau, nghi ngờ nhà trường, giáo viên - những người cũng có thể là nạn nhân. Việc cung cấp thực phẩm bẩn là câu chuyện khác, có thể đưa ra pháp lý nhưng là nguyên nhân nhiễm sán thì phải điều tra. Ở đây không phải là sự xấu hổ của Bộ này, Bộ kia mà các Bộ cần làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình”, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM chia sẻ. 

 Xét nghiệm dương tính sán lợn chưa nói lên điều gì

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong khẳng định, nếu có dương tính với ấu trùng sán lợn cũng chưa cần phải điều trị. Đối với các trường hợp chưa có kết quả hoặc chưa xét nghiệm, đề nghị cán bộ y tế, cán bộ giáo dục theo dõi sức khỏe của các cháu thường xuyên. Trong đó có cả việc theo dõi ký sinh trùng đường ruột liên quan đến sán lợn.

Chiều 19.3, tại UBND huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) diễn ra cuộc họp giữa các ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm xung quanh vấn đề nhiều trẻ em tại các trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ông Phong cho rằng, việc nhiều trẻ theo học tại trường Mầm non Thanh Khương và các trường trên địa bàn huyện có kết quả dương tính với sán lợn có liên quan đến thực phẩm không đảm bảo an toàn hay không thì vẫn chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên, ở sự việc lần này Bắc Ninh chưa làm tốt ở khâu thông tin. “Rõ ràng việc các phụ huynh lo lắng cho con đi xét nghiệm là hoàn toàn chính đáng. Nếu tôi có con và không có chuyên môn, tôi cũng sẽ lo lắng và làm vậy”, ông Phong cho hay.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, các thông tin về sự việc này tuyệt đối không được bao biện, phải minh bạch, không đưa các thông tin không chính xác, tránh hoang mang dư luận. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt.

Ông Phong khẳng định, việc điều trị cho các trường hợp nhiễm sán lợn rất đơn giản, không hề tốn kém. Đối với các trường hợp nhiễm sán trưởng thành thì chỉ cần dùng thuốc tẩy giun sán một lần. Còn nếu nhiễm ấu trùng sán thì thời gian điều trị sẽ lâu hơn, kéo dài hơn. Người dân cũng không nên quá lo lắng.

“Kết quả dương tính chưa nói lên điều gì. Chỉ đến khi có biểu hiện bệnh mới cần điều trị. Và việc điều trị hoàn toàn không khó, hoàn toàn có thể khỏi. Nếu nhiễm sán trưởng thành thì chỉ cần một liều duy nhất. Còn nếu là ấu trùng thì sẽ lâu hơn nhưng không có gì đáng ngại. Ở nước ta, tỉ lệ mắc các bệnh về giun sán cũng ở mức trung bình so với nhiều quốc gia trong khu vực có cùng điều kiện khí hậu. Về cơ bản cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân trong việc ăn chín, uống sôi, rửa tay sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh. Không cẩn thận, xét nghiệm, tôi cũng dương tính ấy chứ", ông Phong cho hay.

Đối với những trường hợp chưa đi xét nghiệm, ông Nguyễn Thanh Phong cũng khuyến cáo các gia đình không nên quá hoang mang, lo lắng. Và không nhất thiết phải đưa các cháu đi xét nghiệm. Vì chỉ khi có biểu hiện bệnh mới cần điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Về việc các trường mầm non không tiến hành lưu mẫu thực phẩm dẫn đến khó khăn cho công tác xác minh, điều tra nguyên nhân, ông cho rằng: “Quy định lưu mẫu mà cơ sở không lưu là vi phạm pháp luật".

QUANG LONG

 

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top