Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" sẽ đặt ở TP Huế: Cân nhắc thật kỹ về địa điểm

Thứ Tư 20/03/2019 | 10:35 GMT+7

VHO- Sau khi có thông tin về việc sẽ đặt bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” tại TP Huế, cộng đồng và dư luận địa phương rất quan tâm đến vị trí đặt tượng cũng như hình ảnh “trần truồng” của bức tượng liệu có phù hợp với truyền thống văn hóa Huế hay không?

Khu vực công viên tiếp nối với điểm cuối đường đi bộ ven sông Hương (ảnh to) được UBND TP Huế đề xuất đặt tượng “Người đàn ông cúi đầu” (ảnh nhỏ)

Trao đổi với Văn Hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, TP Huế đã tạo được mối quan hệ khá tốt với một số địa phương của Hàn Quốc, và cũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về bảo tồn di sản từ các thành phố này. Việc TP Huế đón nhận món quà là bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” mà phía TP Namyangigu (Hàn Quốc) tặng là một ứng xử rất văn hóa, thể hiện tình hữu nghị giữa hai địa phương.

Cũng theo ông Hoa, chúng ta đừng nên băn khoăn về hình tượng của bức tượng, bởi tác phẩm này đã được phía Hàn Quốc xem như là bản sắc văn hóa của họ. Trước đó, họ đã tặng bức tượng này cho nhiều thành phố khác trên thế giới nên cũng không có gì mà mình phải ngần ngại. Vấn đề là vị trí đặt tượng ở đâu cho phù hợp với văn hóa của thành phố di sản như Huế. Điều này cần được xem xét kỹ càng.

Nhà nghiên cứu này nhìn nhận, bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” là tác phẩm nhân bản, là biểu tượng nghệ thuật mang tính chất phù hợp với kiến trúc đương đại. Trong khi tại TP Huế có khu đô thị mới An Vân Dương đang phát triển, hiện đã có Trung tâm hành chính của TP Huế và trong tương lai các cơ quan hành chính của tỉnh đều tập trung về đây. Cho nên chọn vị trí ở khu đô thị này để đặt tượng cũng là hợp lý, không ảnh hưởng gì đến nét văn hóa di sản. “Nhìn vào thì nó như “trần truồng” vậy nhưng bức tượng không đặc tả chi tiết. Đó chỉ là ngôn ngữ của nhà điêu khắc, và nội dung thông điệp của nó cũng đã được cộng đồng xã hội tiếp nhận rồi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

Bàn về hình tượng bức tượng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng cho rằng đừng nhìn “trần truồng” là không có văn hóa như nhiều người vẫn nghĩ. “Theo tôi, hình ảnh “trần truồng” của bức tượng thể hiện họ rất có văn hóa, thể hiện đúng con người thật của họ. Trên thế giới cũng đã có rất nhiều công viên tượng nude. Huế là trung tâm văn hóa quốc tế, đã có nhiều tác phẩm điêu khắc của nhiều nước trên thế giới qua các kỳ Festival, nên việc tiếp nhận bức tượng này cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu chúng ta dịch tác phẩm “Greeting-man” thành “Người đàn ông cúi chào” thì mới hợp lý, chứ gọi “Người đàn ông cúi đầu” là chưa sát nghĩa và phù hợp”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ.

Khi tặng tượng, phía Hàn Quốc cũng đã gợi ý 3 vị trí đặt tượng (Kinh thành Huế, chợ Đông Ba, công viên bờ Bắc sông Hương- đoạn đối diện Trung tâm Văn hóa TP Huế). Tuy nhiên họ cũng thông tin thêm để địa phương chọn vị trí đặt tượng phù hợp với văn hóa Huế. “Theo tôi, Hàn Quốc vừa tài trợ cho Huế xây dựng cầu đi bộ ven bờ Nam sông Hương nên việc lựa chọn điểm đặt tượng cần gắn kết với công trình này, tức cũng ở ven sông Hương. Tuy nhiên, để phù hợp với quy hoạch dọc hai bờ sông Hương thì tác phẩm này phải điều chỉnh kích thước, hạ độ cao từ 6 mét xuống dưới 4 mét. Mình nhận quà tặng, nhưng vẫn có thể đề nghị họ thay đổi kích thước. Bức tượng nên đặt theo hướng quay mặt về hướng Đông”, ông Nguyễn Đắc Xuân bày tỏ.

  “Tạo sự hài hòa giữa ngôn ngữ tạo hình hiện đại và nét cổ kính của Huế”

Ngôn ngữ tác phẩm này mang tính quốc tế, tạo hình hiện đại, thể hiện phong cách chào hỏi khiêm tốn, mến khách, tôn trọng người đối diện của người Hàn Quốc. Về tổng thể, bức tượng phù hợp với không gian của những khu du lịch thu hút đông người. Tuy nhiên, nếu là ở Huế, vùng đất cố đô thâm trầm mang nhiều nét đặc trưng văn hóa thì Huế cần phải cân nhắc để tìm địa điểm, vị trí đặt tượng cho phù hợp.

Nếu nói chung chung là đặt bức tượng tại TP Huế sẽ rất dễ gây ra tranh cãi, thậm chí khó có thể tìm được sự thống nhất. Để không tạo nên những tác động lớn đến không gian, cảnh quan và văn hóa Huế, tôi cho rằng bức tượng này không nên đặt tại các vị trí ở khu vực trung tâm, nhất là Kinh thành Huế. Nhưng nếu là những vị trí gần các khu du lịch, bãi biển, khu đô thị mới... thì có thể được.

Những tranh cãi xung quanh vị trí đặt tượng cũng không khó hiểu, bởi bức tượng có phong cách, ngôn ngữ tạo hình hiện đại, mang tính toàn cầu, không có tính riêng biệt cho từng quốc gia, dân tộc. Vì vậy, trong một số cách nhìn nhận được cho rằng không phù hợp với nét riêng của Huế. Ngôn ngữ nghệ thuật thế giới phẳng của “Người đàn ông cúi chào” nhìn chung khá phù hợp với đời sống nghệ thuật đương đại nhưng rõ ràng, khi đặt vào một môi trường, một không gian văn hóa cụ thể thì cần thiết phải cân nhắc các yếu tố liên quan đến truyền thống hay nét đặc trưng văn hóa ở đó.

Lời giải hợp lý nhất ở đây là Huế cần cân nhắc kỹ lưỡng về địa điểm đặt tượng, tạo sự hài hòa giữa ngôn ngữ tạo hình hiện đại và nét cổ kính. Vấn đề này cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà quản lý về văn hóa, quy hoạch, kiến trúc của địa phương.

(Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL)

 

Tại cuộc họp lấy ý kiến của UBND TP Huế mới đây, nhiều nhân sĩ trí thức cũng bày tỏ nên đặt tượng gần với con đường đi bộ ven sông Hương. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế nói rằng, sau khi tiếp thu nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, thành phố đã thống nhất sẽ chọn công viên bờ Nam sông Hương (đoạn đối diện Bệnh viện Trung ương Huế), cũng là điểm cuối của đường đi bộ trên sông Hương là nơi đặt bức tượng “Người đàn ông cúi đầu”. TP Huế cũng có đề nghị phía TP Namyangigu thu nhỏ kích thước của bức tượng nhằm phù hợp với cảnh quan tại Huế. Hiện UBND TP Huế đã trình phương án này đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đang chờ quyết định để trả lời phía Hàn Quốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Chí Hải, Phó giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết cũng đã nắm được thông tin về việc TP Huế được phía Hàn Quốc tặng bức tượng “Người đàn ông cúi đầu”. “Quan điểm của tôi là hoan nghênh việc trao tặng tác phẩm nghệ thuật này, qua đó nhằm thắt chặt mối quan hệ của hai địa phương. Tuy nhiên bức tượng này quá to, cần phải thay đổi kích cỡ nhỏ hơn người thật, và nên đặt ở một công viên vui chơi nào đó khu vực phía Nam, chứ không nên đặt ven bờ sông Hương. Quanh bờ sông Hương chỉ có những bức tượng của các nhân vật liên quan đến Huế và mang nét văn hóa riêng”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, cùng với kích cỡ quá lớn và hình ảnh “trần truồng” của bức tượng cũng sẽ dễ gây phản cảm nếu đặt ở công viên ven sông Hương, không phù hợp với văn hóa xứ Huế. 

 

  “Cần trân trọng, nhưng không thể tùy tiện nơi đặt, để...”

Món quà tặng từ thị trưởng TP Namyangigu (Hàn Quốc) cho TP Huế thể hiện sự thịnh tình và mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai địa phương. Đó là điều cần trân trọng và đón nhận. Mặt khác cũng có thể thấy rằng đây là bài toán tương đối khó đối với Huế, vùng đất cố đô mà chạm tay ở đâu cũng là di sản. Khối lượng di sản quá đồ sộ cũng có thể nói chính là áp lực, nhất là khi nhiều người Huế vẫn luôn nặng lòng với các giá trị văn hóa truyền thống. Điều cần nhất bây giờ là tìm địa điểm đặt, để bức tượng cho phù hợp với bối cảnh, không gian công cộng...

Sự cởi mở tiếp nhận những tác phẩm mới như “Người đàn ông cúi đầu” có thể tạo nên nhiều cơ hội để người Huế, đặc biệt là thế hệ trẻ được hưởng thụ những giá trị nghệ thuật đương đại đang phổ biến trên toàn cầu. Bức tượng có ngôn ngữ tạo hình hiện đại này nếu lựa chọn được vị trí phù hợp sẽ tạo thành điểm đến hấp dẫn phục vụ du lịch. Vấn đề cần nhất hiện nay là làm sao để tạo được nét hài hòa với văn hóa Huế. Đương nhiên không thể tùy tiện nơi đặt, để bức tượng. TP Huế cân nhắc vị trí là việc làm cần thiết. Tôi cho rằng hơn ai hết, Huế hiểu rõ những giá trị di sản của mình và họ sẽ có những lựa chọn đúng. Tất nhiên vị trí nào thì cũng cần được người dân, chủ thể không gian sống của vùng đất cố đô chấp nhận. Có thể tính đến khu vực đô thị mở rộng, nơi vừa có sự hài hòa của thiên nhiên vừa có thể đón nhận thêm sự hiện diện của tác phẩm này...

Điều khó hiện nay còn là sự dịch chuyển về tư duy, quan niệm ở một số người khi cho rằng, Huế cổ kính thì không nên đưa vào những gì quá hiện đại, phong cách. Vì vậy, cần có một sự quyết đoán của lãnh đạo địa phương, dựa trên cơ sở tham vấn ý kiến của các chuyên gia về điêu khắc, kiến trúc, quy hoạch.

(Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam)

 SƠN THÙY - HÀ NGÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top