Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phụ huynh những học sinh được sửa điểm không thể vô can

Thứ Hai 18/03/2019 | 10:13 GMT+7

VHO- Đó là ý kiến của nhiều phụ huynh học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, luật sư... xung quanh vụ gian lận điểm thi kì thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình. PV Văn Hóa đã có cuộc trao đổi và tập hợp nhiều ý kiến về vấn đề này.

 Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy

Trao đổi với Văn Hóa vào sáng qua 17.3, bà Bùi Thị Thủy, giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá, kì thi THPT quốc gia đòi hỏi sự nghiêm túc rất cao ở tất cả các khâu, trong đó có cả khâu chấm thi. Ngoài mục đích công nhận tốt nghiệp còn chọn những học sinh xứng đáng vào học các trường ĐH, CĐ, là nguồn nhân lực bảo vệ và xây dựng đất nước trong tương lai.

Tuy nhiên đã xảy ra những gian lận sửa điểm tại một số địa phương trong kì thi THPT quốc gia vừa qua, làm ảnh hưởng nghiêm trong tới sự nghiêm túc của kì thi và quyền lợi của nhiều thí sinh. Theo đánh giá của bà Thủy, nếu không có cầu thì không có cung. Tức là phải có người đặt vấn đề xin điểm cho con em họ thì những người khác mới đáp ứng. Nhưng cũng phải nói rằng, phải có nơi nào gợi ý về việc có thể sửa điểm, nâng điểm, có thể “chạy được” thì mới có những người đặt vấn đề “nhờ vả”. Những người vi phạm hiện đã phải ở trong tù, phải trả lời và trả giá về những việc họ đã làm, nhưng còn những phụ huynh học sinh đã đặt vấn đề sửa điểm với mục đích đưa con em họ vào những trường đại học tốp đầu thì họ không thể vô can.

Tới đây, khi những thí sinh bị phát hiện gian lận điểm, bị buộc thôi học, tổn thất về tinh thần không thể cân đo đong đếm, rồi những học sinh lẽ ra trúng tuyển đại học nhưng bị chiếm mất chỗ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những mất mát của họ?

Về phía những em học sinh được sửa điểm, có thể các em không biết hành vi của bố mẹ nhưng các em, bạn các em phải biết rõ sức học của mình. Từ đó có thể biết được tương đối chính xác kết quả thi của mình. Thầy cô giáo có thể đánh giá chưa chính xác về học sinh nhưng hơn ai hết, học sinh là người biết rõ nhất về học lực của mình. Chẳng hạn có những em được sửa tăng thêm gần 30 điểm thì nhất định các em phải biết. Và chính gia đình đã “dạy” các em những bài học gian lận khi các em mới bước vào đời. Hành vi chạy điểm của phụ huynh học sinh không chỉ gây những tổn thương cho chính gia đình và con em họ mà còn làm nhiều học sinh khác, gia đình khác mất lòng tin vào kì thi THPT quốc gia và cả ngành GD&ĐT.

“Tôi nghĩ rằng cần có tiếng nói của toàn xã hội thì mới có thể phần nào khắc phục được hậu quả của vụ việc. Đó là cần thay đổi tư duy về hướng nghiệp cho con em mình. Trước nay rất nhiều gia đình kì vọng và áp đặt cho con em mình phải thi vào những trường “hot’, ngành “hot” mà ít quan tâm con em họ có đủ lục học để vào không hay có nguyện vọng vào trường đó, ngành đó không. Sự tư vấn, trao đổi hướng nghiệp giữa gia đình và nhà trường lâu nay cũng bị bỏ ngỏ, rất ít cuộc gặp gỡ, trao đổi, tư vấn giữa gia đình và các nhà trường được tổ chức... Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh không đủ mà còn phải làm công tác tư tưởng cho cả cha mẹ học sinh”, bà Thủy nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng ngoài những người vi phạm trực tiếp trong vụ gian lận điểm đã bị bắt giữ và xử lý thì những gia đình và học sinh trong vụ gian lận điểm cũng có liên can. “Có thể do hiểu biết, nhận thức kém mà nhiều gia đình đã đẩy con em họ vào những tình cảnh tổn thất tinh thần nghiêm trọng. Đó không phải là thương con em mà đó là gian lận, họ đã trở thành những gương xấu cho chính con em họ. Tôi cho rằng cần phải xử lý cả những người đã đặt vấn đề “mua” điểm chứ họ không thể vô can”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Còn theo một luật sư, với số tiền 550 triệu đồng mà một đối tượng trong vụ án đã nhận thì những người có nhu cầu sửa điểm đã phải đưa cho đối tượng đó ít nhất hơn 2 triệu đồng trên một trường hợp yêu cầu nâng điểm. Hành vi đưa số tiền này đã thoả mãn hành vi “đưa hối lộ” và cần phải điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi theo Điều 264 - Bộ luật Hình sự, người đưa hối lộ (từ 2 triệu đến dưới 100 triệu đồng) có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

  Những người vi phạm hiện đã phải ở trong tù, phải trả lời và trả giá về những việc họ đã làm, nhưng còn những phụ huynh học sinh đã đặt vấn đề sửa điểm với mục đích đưa con em họ vào những trường đại học tốp đầu thì họ không thể vô can.

 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top