Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đi tìm dòng văn học cho tuổi “dễ nổi loạn”

Thứ Hai 18/03/2019 | 10:10 GMT+7

VHO- Thị trường sách dành cho tuổi teen trong những năm qua dường như “ngủ đông” quá lâu, khi mà những tác phẩm văn học được viết dành riêng cho tuổi mới lớn gần như bị quên lãng, ngoài tác giả Nguyễn Nhật Ánh tạo được dấu ấn thì các tác giả còn lại vẫn chưa đủ sức lan tỏa.

Mới đây, sự quay trở lại của dòng văn học này với sự “chủ xị” của NXB Văn hóa - Văn nghệ hứa hẹn sẽ kéo độc giả tuổi mới lớn tìm cho mình một sân chơi ý nghĩa, lấp đầy những khoảng trống trong đời sống tinh thần của lứa tuổi vốn “dễ nổi loạn” đồng thời cũng là lứa tuổi nhiều mộng mơ tươi xanh nhất.

Các bạn trẻ đọc sách trên xe buýt sách tại Đường sách TP.HCM

Bây giờ mấy ai được như vậy

Theo đó, NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa cho tái sinh bộ sách Thiên đường không tuổi gồm những tác phẩm của 6 tác giả tên tuổi. Tủ sách Thiên đường không tuổi tập hợp những tác phẩm viết về tuổi của những tháng năm đẹp nhất đời người, lứa tuổi tinh khôi nhiều mơ mộng. Bắt đầu từ những quyển sách đã nuôi dưỡng tâm hồn, làm nên vẻ đẹp cho bao lớp thế hệ như Anh Chi yêu dấu (của tác giả Đinh Tiến Luyện), Tình yêu có màu gì? (Từ Kế Tường), Cạn chén tình (Mường Mán), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Tuổi ngọc ngày chưa xưa (Nguyễn Thị Minh Ngọc), được tái bản với diện mạo, màu sắc tươi mới nhưng vẫn giữ nguyên nét tinh khôi vốn có của dòng văn học này.

Đây có thể nói là những tên tuổi gắn liền với nhiều tác phẩm dành cho tuổi mới lớn cách đây khoảng 30 - 40 năm. Cùng với những tác giả khác như Nguyễn Thái Hải, Thùy An, Minh Quân…, họ đã tạo nên một dòng văn học cho tuổi mới lớn mang nhiều dấu ấn sâu đậm. Bên cạnh đó là sự chào đón những tác phẩm mới của lực lượng sáng tác trẻ với những nỗ lực sẵn sàng chinh phục những độc giả “tuổi ngọc” thời @. Trước đó, NXB Văn hóa - Văn nghệ cũng tái bản một loạt tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường như Mối tình như sương khói, Áo tím qua đường, Còn những bóng mưa tan…

Trong buổi trò chuyện cùng văn chương nhân dịp ra mắt tủ sách nói trên, các nhà văn thuộc nhiều thế hệ đã cùng nhìn lại vai trò của dòng văn học dành cho độc giả tuổi mới lớn. Theo đó, các tác giả khẳng định, sở dĩ dòng văn học cho tuổi mới lớn trước đây tạo được chỗ đứng không nhỏ một phần vì có nhiều sân chơi dành riêng cho những tác giả của dòng sách này. Đó là sự xuất hiện của những tờ báo như Tuổi Ngọc, Phượng Hồng, Nữ Sinh… cùng với sự xuất hiện của các nhóm bút dành cho tuổi học trò như Vòm Me Xanh (Báo Mực Tím), Hương Đầu Mùa (Báo Hoa Học Trò).

10 năm trước, NXB Kim Đồng từng có tủ sách “Tuổi mới lớn”, đã trở thành nơi phát hiện và nâng đỡ những cây bút văn chương ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tiếc là về sau tủ sách này được đổi tên thành tủ sách “Văn học tuổi teen” cho phù hợp với thời đại nhưng không còn sôi nổi như trước. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có tập san Áo Trắng của NXB Trẻ là vẫn duy trì được sân chơi thuần văn chương cho tuổi mới lớn.

Việc thiếu vắng những sân chơi thuần văn chương cho tuổi mới lớn khiến cho đời sống văn chương dành cho lứa tuổi này nghèo nàn. “Có sự khác biệt rõ rệt giữa thế hệ cầm bút ngày nay và trước đây. Thế hệ ngày xưa các tác giả viết văn mang gửi báo, còn bây giờ các bạn không thích

 gửi báo thì đăng Facebook, trên các mạng xã hội, điều này đã thiếu đi một sự thống nhất để có thể nhận diện rõ ràng về dòng văn học tuổi mới lớn”, nhà văn Đoàn Thạch Biền chia sẻ. Theo nhà văn này, thế hệ của ông và trước đó nữa, xem văn chương như một thứ tôn giáo. Cho nên phải ráng viết và người ta rất dễ dàng hy sinh đời sống khó khăn để theo đuổi văn chương… Bây giờ mấy ai được như vậy, chính vì lẽ đó mà chưa có nhiều tác phẩm hay.

 Các bạn trẻ đọc sách

Làm sống dậy một thời...

Một nhà văn trẻ đánh giá, dòng sách cho tuổi mới lớn hiện nay có sự đa dạng về thể loại, phần lớn là tản văn tự sự, du ký, sách truyền cảm hứng, thậm chí là tự truyện của người trẻ... “Thật ra, đó chính xác không phải là dòng sách văn học tuổi mới lớn. Thời đại này, những người trẻ đã cùng vẽ nên bức tranh văn chương cho chính lứa tuổi họ bằng những tác phẩm thiên về cảm xúc cá nhân, nhưng tác phẩm đỉnh cao mang tính thời đại dường như chưa có”, nhà văn trẻ này thừa nhận.

Trở lại câu chuyện hồi sinh những tác phẩm văn học dành cho tuổi mới lớn trong tủ sách “Thiên đường không tuổi”, nhà văn Từ Kế Tường bày tỏ, “Tôi nghĩ rằng “Thiên đường không tuổi” không chỉ dừng lại ở các cửa hàng sách mà nếu được, cần quảng bá sâu rộng đến các trường học. Cần có những buổi giao lưu, tạo cơ hội cho các em được tiếp cận tác phẩm cũng như các nhà văn viết cho dòng văn học này, nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc cho học sinh, nuôi dưỡng tâm hồn văn chương cho các em”.

Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ Đinh Thị Phương Thảo cho biết, việc ra mắt tủ sách “Thiên đường không tuổi” được NXB kỳ vọng tạo ra một dòng sách văn học dành cho tuổi mới lớn mà người nhỏ, người lớn, người già cũng thích đọc. Đồng thời, qua việc thực hiện tủ sách, làm “sống lại” các cây viết của một thời và ra đời những cây viết mới của hôm nay và tương lai.

Có thể nói, việc ra mắt tủ sách “Thiên đường không tuổi”, dù trước mắt mới dừng ở việc tái bản những tác phẩm cũ, nhưng cũng có thể xem là động thái tích cực để độc giả ngày nay có cơ hội thưởng thức những tác phẩm đã được khẳng định bởi thời gian và tài năng văn chương. Bởi những năm qua, đời sống tinh thần của lứa tuổi mới lớn ngày càng được quan tâm nhưng vẫn là chưa đủ so với nhu cầu. Sự ra đời của tủ sách góp thêm lựa chọn lành mạnh cho độc giả tuổi mới lớn, cũng như khuyến khích lực lượng sáng tác quan tâm khơi dậy một dòng văn học tiềm năng. 

 Có sự khác biệt rõ rệt giữa thế hệ cầm bút ngày nay và trước đây. Thế hệ ngày xưa các tác giả viết văn mang gửi báo, còn bây giờ các bạn không thích gửi báo thì đăng Facebook, trên các mạng xã hội, điều này đã thiếu đi một sự thống nhất để có thể nhận diện rõ ràng về dòng văn học tuổi mới lớn.

(Nhà văn Đoàn Thạch Biền)

 

 TÙNG THƯ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top