Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đã có hơn 100 bé ở Bắc Ninh dương tính với bệnh sán lợn: Bộ Y tế còn “nợ” nguyên nhân lây bệnh?

Thứ Hai 18/03/2019 | 09:56 GMT+7

VHO- Đến sáng qua 17.3 vẫn còn đến hàng trăm bố mẹ không quản ngại trời mưa rét tiếp tục đưa con mình từ Bắc Ninh về Hà Nội để tiến hành xét nghiệm. Như vậy, trong mấy ngày qua đã có hơn 1.600 cháu bé ở Bắc Ninh được xét nghiệm và bước đầu đã có 124 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính. Con số này chắc còn tăng vì nhiều xét nghiệm vẫn chưa có kết quả.

 Mặc dù hôm qua là ngày Chủ nhật và đã “giảm nhiệt” nhiều so với những ngày trước, nhưng gần 300 bố mẹ từ sáng sớm đã đưa con từ Bắc Ninh về Hà Nội để xét nghiệm sán dây (sán lợn gạo, hay sán lợn) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

 Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương “căng mình” khám bệnh cho các bệnh nhi

Bắc Ninh phản ứng chậm?

Bác sĩ Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tới 9h ngày 17.3 đã có hơn 100 trẻ tới làm xét nghiệm nên bệnh viện phải tăng cường bác sĩ làm việc trong ngày nghỉ để tiếp đón, khám bệnh cho các bé. Trong khi đó, tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng có hơn 160 trẻ tới khám, nâng tổng số trẻ tới khám tại đây là gần 800 bé từ ngày 15.3 và đã trả 75 mẫu xét nghiệm với kết quả dương tính.

Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 15.3 Bệnh viện đã trả kết quả cho 173 bé, trong đó có 44 trường hợp có kết quả dương tính. Tuy nhiên, đến ngày 16.3, Bệnh viện nhận thấy có nhiều trường hợp dương tính chéo với các loại ký sinh trùng khác nên đã chạy thêm nhiều xét nghiệm hơn chứ không chỉ đơn thuần là sán lợn. Vì vậy các cán bộ phòng xét nghiệm sẽ chạy kết quả trong đêm và thời gian trả kết quả có thể lâu hơn. Như vậy, toàn bộ xét nghiệm có kết quả, chắc chắn số trẻ có kết quả dương tính sẽ không dừng lại ở con số 124.

Sự việc bắt nguồn từ một số bà mẹ sau khi cho con đi khám bệnh và có kết quả dương tính với bệnh sán lợn đã đăng tải lên mạng xã hội, khiến các bà mẹ xung quanh hoang mang lo lắng và ồ ạt đưa con về Hà Nội khám. Có gia đình đưa tất cả 7 đứa trẻ, họ hàng đi khám.

Trước đó, từ cuối tháng 2.2019, một số phụ huynh trường mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh) phát hiện đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường là Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hương Thành đã mang thịt lợn có vấn đề, thịt gà bở nát để nấu cho các cháu ăn và đã báo cơ quan công an. Tuy nhiên, trong khi chờ kết luận điều tra thì công ty này vẫn tiếp tục cung cấp thức ăn cho trường mầm non Thanh Khương cùng hàng chục trường học khác trên địa bàn huyện. Gần một tháng qua, phụ huynh học sinh đã phải đơn độc trong việc bảo vệ con em mình, cho con nghỉ học, và tự đưa con ra Hà Nội khám bệnh, và dẫn đến sự việc trên.

Ngay trong ngày đầu tiên (15.3) có hiện tượng tăng đột biến gần 400 trẻ từ Bắc Ninh về Hà Nội khám bệnh sán lợn, vì thế GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đưa ra những thông tin trong buổi họp báo của Bệnh viện nhằm trấn an người dân nói chung, đặc biệt là người dân Bắc Ninh. Theo GS Kính, bệnh sán lợn hay sán dây là khá phổ biến, và có ở hơn 50 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là bệnh đã có phác đồ điều trị, uống thuốc trong 1 ngày để tiêu diệt sán trưởng thành và trong vòng 2 tuần để tiêu diệt trứng sán. “Đặc biệt, bệnh sán lợn gạo không có triệu chứng lâm sàng, không phải là bệnh cấp tính gây nguy hiểm đến tính mạng nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, bình tĩnh đưa con em mình đi khám, điều trị bệnh kịp thời”, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tình hình không có dấu hiệu hạ nhiệt khi “làn sóng” gần 1.000 trẻ từ Bắc Ninh tiếp tục ồ ạt lên Hà Nội ở ngày thứ hai (16.3), và không chỉ người dân ở xã Thanh Khương mà đã lan sang xã Mạo Điền, xã Xuân Lâm của huyện Thuận Thành. Điều này cho thấy những phản ứng cũng như động thái của chính quyền huyện Thuận Thành, hay tỉnh Bắc Ninh là khá chậm chạp, ảnh hưởng đến đời sống, công sức, tiền bạc của người dân.

 Nhiều phụ huynh phải lặn lội từ Bắc Ninh lên Hà Nội sáng sớm (17.3) để chờ xét nghiệm cho con Ảnh: Q.HOA

Xét nghiệm bệnh miễn phí cho trẻ ở huyện Thuận Thành

Mãi đến cuối ngày 16.3, UBND tỉnh Bắc Ninh mới phát đi thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc yêu cầu công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học. Ngành Y tế Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xét nghiệm cho các cháu bé trường mầm non Thanh Khương; phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh, các trường thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm…

Bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho hay, đơn vị này sẽ tổ chức xét nghiệm sán lợn miễn phí cho 19 trường trên địa bàn huyện Thuận Thành từ ngày 18.3 bằng cách tổ chức lấy mẫu máu của các bé mầm non và tiểu học rồi gửi đến hai cơ sở là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng để xét nghiệm. “Toàn bộ chi phí xét nghiệm từ 600.000 đồng - 1 triệu đồng sẽ do tỉnh chi trả. Với các cháu nhiễm sán, tỉnh sẽ cấp thuốc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế”, bà Hoa cho hay.

Cuối cùng thì cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã có hành động để trấn an tâm lý và hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, một việc quan trọng khác mà tỉnh Bắc Ninh cần phải làm là tìm ra nguyên nhân gây ra dịch bệnh này. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, có ba nguồn lây bệnh là qua đường thực phẩm nhiễm bệnh mà không được nấu chín kỹ, đường nước và đường đất trồng. “Do đó chưa có căn cứ để kết luận thịt lợn nhiễm sán gạo có phải là nguồn lây bệnh hay không. Bệnh viện sẽ báo cáo với Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng để có điều tra dịch tễ học về môi trường, môi sinh ở Bắc Ninh. Khi đó mới biết được nguồn lây bệnh từ đâu”, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

Theo các chuyên gia, bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo có ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. 

 Có ba nguồn lây bệnh là qua đường thực phẩm nhiễm bệnh mà không được nấu chín kỹ, đường nước và đường đất trồng. Do đó chưa có căn cứ để kết luận thịt lợn nhiễm sán gạo có phải là nguồn lây bệnh hay không. Bệnh viện sẽ báo cáo với Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng để có điều tra dịch tễ học về môi trường, môi sinh ở Bắc Ninh. Khi đó mới biết được nguồn lây bệnh từ đâu.

(GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương)

 

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top