Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Báo chí cần tăng dung lượng tuyên truyền về chuẩn mực văn hóa ứng xử”

Thứ Bảy 16/03/2019 | 15:17 GMT+7

VHO- Sáng 16.3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Bộ VHTTDL, Bộ TTTT tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội thảo.

Đây cũng là hội thảo được tổ chức theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của báo chí trong tuyên truyền, định hướng về chuẩn mực văn hóa ứng xử.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo

Trong phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, xuất phát từ thực tiễn tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới, thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ với những hành vi ứng xử văn hóa phù hợp với tính chất, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.  

“Qua thời gian triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân, gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử trong gia đình và nơi công cộng chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Bạo lực gia đình, học đường, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, tình trạng vô cảm vẫn tồn tại…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo

Nhằm khắc phục những hạn chế này, Bộ VHTTDL  đề xuất nhiều kiến nghị,  trong đó nhấn mạnh cần có giải pháp kịp thời, thường xuyên tuyên truyền; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo… Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng, cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử. Công tác truyền thông trên báo chí luôn có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh mới; từng bước đưa ra vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội thảo

“Nhiều bài báo đã kịp thời phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt, xây dựng một hình ảnh xã hội tích cực, đồng thời phê phán những hạn chế, tiêu cực, phản văn hóa, từ đó tạo ra hiệu ứng lên án cái xấu trong xã hội…”, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy.

Khẳng định chủ đề của hội thảo có ý nghĩa thời sự, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, với sức mạnh công khai, rộng khắp , tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí thiếu quan tâm đến văn hóa ứng xử, chuẩn mực văn hóa ứng xử, thiếu gương mẫu trong cách ứng xử văn hóa, thậm chí vi phạm các quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử, vi phạm pháp luật; làm tổn hại đến thanh danh, uy tín cá nhân, tổ chức, cộng đồng,…

Mặt khác, trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí nhiều khi chưa có những cách tiếp cận, tác động hợp lý, hiệu quả trong việc điều chỉnh nhận thức, hành vi của cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự hội thảo

“Hội Nhà báo Việt Nam luôn xác định hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đây là những quy tắc, quy định thể hiện những chuẩn mực văn hóa ứng xử của người làm báo Việt Nam trong hoạt động nghề nghiệp và cả trong cuộc sống…”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đã phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau và vai trò của báo chí trong lan tỏa những thông điệp để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử. Nhiều bài học, kinh nghiệm đã được chia sẻ trong quá trình tuyên truyền  gương người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội; phổ biến, lan tỏa vẻ đẹp của ứng xử văn hóa…

Bằng kinh nghiệm thực tiễn, nhiều ý kiến đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của truyền thông trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, đặc biệt trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay.

Đánh giá cao nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ VHTTDL và Bộ TTTT trong phối hợp, kịp thời tổ chức cuộc hội thảo mang chủ đề thời sự này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, bản thân ông đã thu nhận được nhiều ý kiến thiết thực từ các chuyên gia và đội ngũ những người làm báo qua hội thảo. Theo Phó Thủ tướng, báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí phổ biến, sáng tạo và lưu truyền văn hóa. Trong văn hóa có báo chí, trong báo chí có văn hóa.

Nói về những chuẩn mực ứng xử văn hóa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những hành vi, việc làm, thái độ, lời nói có văn hóa thể hiện chất văn hóa của mỗi con người, cộng đồng, dân tộc. Sẽ không có gì quý hơn khi một ai đó được đánh giá rằng đó là con người có văn hóa. Một dân tộc cũng vô cùng tự hào  nếu  được ca ngợi là một dân tộc có truyền thống văn hóa…

Nhiều ý kiến thiết thực được trình bày tại Hội thảo

“Quy định như thế nào là chuẩn mực văn hóa ứng xử, một mặt  thông qua những văn kiện, nghị quyết, pháp luật, các bộ  quy tắc văn hóa ứng xử của các bộ, ngành; nhưng mặt khác có thể nhận thấy đó là những tập quán tốt đẹp mà không cần lý giải nhiều…

Chúng ta cũng phải nói thẳng rằng còn có những biểu hiện thiếu văn hóa mà ai cũng thấy. Ví như sự lãng phí, từ tổ chức các hội nghị đến ăn uống lan tràn, nhiều phong tục đang bị lạm dụng, trái với phẩm chất cần kiệm…”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đề cập đến phát huy vai trò báo chí trong tuyên truyền về chuẩn mực văn hóa ứng xử, theo Phó Thủ tướng, nếu truyền thông tập trung đẩy mạnh nhằm tạo chuyển biến, đẩy lùi những thói quen không tốt, tạo sức lan tỏa từ những giá trị đẹp đẽ… thì xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều. “Báo chí phải tạo nên chuyển biến hành vi trong xã hội để xây dựng nếp sống văn hóa, phát huy vai trò định hướng dư luận, nêu gương tốt và phê phán cái xấu. Khi đưa tin, cần phân tích các hành vi xét trên góc độ văn hóa và đưa ra những khuyến nghị, định hướng. Việc này không chỉ cần các nhà báo nghiên cứu về văn hóa mà còn cần các nhà nghiên cứu văn hóa làm cộng tác viên, đồng thời là những người cùng với nhà báo viết nên những tác phẩm báo chí đi vào lòng người…”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Lưu ý công tác tuyên truyền của báo chí cần phải  kiên trì, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần có sự khuyến khích, động viên để các cơ quan báo chí, các nhà báo có nhiều chuyên mục, bài viết… mang tính đóng góp để thay đổi hành vi văn hóa sao cho đúng chuẩn mực.

Cũng theo Phó Thủ tướng, có nhiều hành vi ứng xử không đúng chuẩn mực văn hóa là do quá trình gần đây, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường chúng ta đã không chú ý đúng mức. Bên cạnh đó, do quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đến khi nhận ra hậu quả vì không chú ý đến văn hóa thì phải mất thêm nhiều thế hệ mới khắc phục được. Đây là lúc chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong công cuộc này.

“Tôi kêu gọi báo chí cần tăng dung lượng các bài viết, chương trình tuyên truyền về chuẩn mực văn hóa ứng xử, trong đó nhằm vào những vấn đề, biểu hiện cụ thể. Như vậy mới tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Mặc dù đã có rất nhiều cơ quan báo chí, truyền hình có những chuyên mục tuyên truyền về chuẩn mực văn hóa ứng xử nhưng trong thời gian tới, mong rằng báo chí cần tiếp tục quan tâm hơn, tạo sức lan tỏa nhiều hơn...”, theo Phó Thủ tướng.

PHƯƠNG ANH- ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top