Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chơi là chính… sáng tác gì?

Thứ Sáu 15/03/2019 | 11:15 GMT+7

VHO- Thời gian qua, nhiều trại sáng tác nhiếp ảnh được tổ chức nhưng ít người biết đến kết quả của nó ra sao và để làm gì... Cóý kiến cho rằng, nghệ sĩ đi trại sáng tác cho vui chứ… sáng tác gì.

“Công đoàn nhiếp ảnh”

Với mong muốn hỗ trợ các văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng, nhiều năm qua các Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh như Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh HN, TP.HCM… đã tổ nhiều trại sáng tác nhiếp ảnh dành cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Tuy nhiên, trại sáng tác đạt hiệu quả tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân của thực trạng này thì đã có không ít các ý kiến cho rằng, công việc của những hội viên tham gia trại sáng tác chỉ là tập trung cùng nhau đi chụp ảnh, đi từng đoàn đông người, thậm chí có người đã chụp tại địa điểm đó nhiều lần và giờ lại chụp lại nên khó tránh tâm lý của không ít nghệ sĩ là đi cho vui, gặp gỡ nhau nói chuyện là chính chứ sáng tác chỉ là phụ? Không chỉ vậy, có những nghệ sĩ đi trại sáng tác nếu thấy vui thì ở lại, không thì về trước, còn có nộp tác phẩm hay không nộp cũng chẳng sao. Chính vì ý thức kiểu này cộng với sự dễ dãi của ban điều hành trại sáng đã khiến cho hiệu quả của trại sáng tác không cao; đồng thời chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của một số ít nghệ sĩ mà làm ảnh hưởng đến sự nỗ lực, tìm tòi sáng tạo của nhiều nghệ sĩ tham gia khác.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành cho biết: “Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội thường tổ chức các trại sáng tác cho anh em nghệ sĩ của Hội lần lượt đi sáng tác tại các địa phương. Tôi chưa được đi sáng tác lần nào nhưng cũng đã có lần được đi theo xe của Chủ tịch hội sau đó về luôn trong ngày. Nhưng qua quan sát, tôi thấy cách tổ chức cũng như định hướng của trại sáng tác còn nhiều bất cập, đó là đi chơi chứ đâu phải đi sáng tác. Một điều cần bàn nữa, tôi không rõ việc đi sáng tác này có được quy định từ Hội cấp trên hay không, nhưng tôi thấy Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh HàNội tổ chức cho các hội viên đi sáng tác ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng chưa bao giờ tổ chức trại sáng tác tại Hà Nội. Đi như vậy thì chỉ toàn những tác phẩm ở địa phương còn Hà Nội là niềm tự hào của VN lại chưa bao giờ có. Trong khi đó, các nhạc sĩ viết về HàNội rất nhiều, có những người đã vào Nam sống rồi mà vẫn nhớ HàNội và viết về HàNội. Nhiếp ảnh nào thì đi sáng tác ở Lào Cai, Vân Đồn… nhưng ở Vân Đồn thì toàn ảnh các anh chị mặc quần áo tắm chạy trên biển chứ làm gì có ảnh ghi thực Vân Đồn”.

Đồng tình với quan điểm của NSNA Đinh Quang Thành, NSNA Đức Thịnh cho rằng, hiện nay phong trào của các hội đều đi lên còn nội dung thì chững lại, có không ít tác phẩm đi xuống. Đề tài thì bị mòn. Nhiều người nói đất Hà Nội hẹp, nghệ sĩ cầy nát đi rồi nhưng trên thực tế Hà Nội còn rất nhiều nơi mầu mỡ chỉ có điều người cầy đó là anh nông dân hai lúa thật sự, biết cầy như thế nào để cho nên đất mầu. Đây là vấn đề mấu chốt của các nghệ sĩ nhiếp ảnh hiện nay. Vì thế, để tổ chức tốt sáng tác thì nên chia nhỏ ra, đừng đưa nhiều nghệ sĩ đi cùng một lúc. Hiện nay mỗi lần đi trại sáng tác là vài chục người và cứ đi qua chỗ nào đẹp lại: ôi đẹp quá! Dừng xe lại và tất cả nghệ sĩ ùa hết cả xuống chụp rồi lại lên xe đi. Cứ như vậy thì rồi người nọ đạp lên người kia và 60-70 người cùng một đề đài đưa vào nhiếp ảnh và khi đem ra triển lãm thì làm gì có ai có cái mới, thế là lại từ mình đấu đá mình. Cuối cùng phong trào nhiếp ảnh của Hà Nội có đứng vững được hay không, có phát triển được hay không lại là vấn đề cần phải bàn.

 Tác phẩm “Buổi sáng mùa đông” của tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa và tác phẩm “Vó đánh cá” của Lý Hoàng Long giống nhau như đúc và được cả hai tác giả xác nhận là đi chụp ảnh cùng nhau ở hồ Tuyền Lâm vào năm 2014

Xây dựng chủ đ, lên kế hoạch hoạt động trại sáng tác

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành cho biết, ông đã đi xem nhiều triển lãm nhưng ông ấn tượng nhất với triển lãm của nhà nhiếp ảnh Pháp Nicolas Cornet chụp về chùa VN. Ở đó, tác giả không chỉ chụp mà kể chuyện Việt Nam bằng nhiếp ảnh mà đã là kể chuyện thì không chỉ bàn về đề tài, địa điểm, nhân vật, mà còn thể hiện cái tôi. Lựa chọn một đề tài vì đề tài ấy phản ánh nỗi niềm trong tâm hồn nghệ sĩ, cho phép ảnh chụp mang phong cách cá nhân hơn, đôi khi giải phóng gánh nặng cảm xúc vốn gắn với quá khứ, cuộc sống và câu chuyện riêng của mình.

Trong khi, những triển lãm chuyên đề như vậy của chúng ta lại không có, chỉ chăm chăm đi sáng tác ở các tỉnh. “Tôi cũng đã nhiều lần được mời tham gia vào BGK cuộc thi ảnh và tôi thấy có những cuộc thi hơn 80% ảnh gửi về dự thi là ảnh về Mù Cang Chải, đó là hệ quả của việc tổ chức đi trại sáng tác. Triển lãm của chúng ta hiện nay nghe nội dung rất to tát nhưng lại rất đơn điệu. Tại sao chúng ta lại không chia nhỏ tiền sáng tác cho từng nhóm người, nhóm thì đi chụp kiến trúc cổ HàNội, nhóm thì đi chụp làng nghề truyền thống nào đó …thì ảnh mới có màu sắc được”, NSNA Quang Thành nhấn mạnh.

NSNA Nguyễn Đức Căn, Chi hội trưởng Hội Nhiếp ảnh Xứ Đoài cho rằng, trại sáng tác là tốt và là nơi tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có điều kiện được đi chụp ảnh, được các địa bàn họ tạo điều kiện, nhưng quan trọng hơn cả là việc điều hành trại sáng tác. Nếu người điều hành trại sáng tác mà làm thấu đáo thì phải chia các nhóm nghệ sĩ đi sâu vào cuộc sống ở các địa bàn mình sáng tác để ghi thực và cần thiết phải xây dựng chủ đề, lên kế hoạch hoạt động của trại sáng tác. Có trao đổi nghiệp vụ, giao lưu nghề nghiệp, gợi ý sáng tác thế nào tại mỗi trại sáng tác riêng biệt. Đặc biệt, sau khi kết thúc trại sáng tác phải có nghiệm thu sản phẩm ban đầu, bình chọn nghiêm túc, có triển lãm, có đánh giá, là những mẫu hình cần nhân lên để phát triển. Còn cứ kéo nhau hàng trăm người chụp một cô người mẫu, hay tung vó ở Bình thuận là không hay và cách làm này không ra tác phẩm được.

Theo NSNA Lại Hiển, hiện nay trong quá trình điều hành, ban chấp hành các hội không thống nhất. BCH phải là người soi đèn cho hội viên đi theo con đường nghệ thuật. Cụ thể như Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hà Nội, việc định hướng thời gian qua không đi đến kết quả như mong muốn, bởi chưa có sự chung sức với nhau để làm cho Hội tốt hơn. Tất cả các hội viên đều có nhiệt huyết, nhưng vì không có định hướng mà các nghệ sĩ tự phát triển theo cảm xúc riêng của mình. Đi chụp thì đi tập thể mà việc đi chụp tập thể là điều nên tránh, vì sẽ có nhiều tác phẩm trùng lặp. “Tôi nghĩ mỗi hội viên phải có sở trường, thương hiệu riêng, phong cách riêng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, không ít các nghệ sĩ nhiếp ảnh quên mất điều này. Tôi thấy mỗi lần tổ chức trại sáng tác, các nghệ sĩ rất hào hứng và đi cho vui, giao lưu với nhau là chính mà không có chủ điểm gì cả. Việc mở trại sáng tác là rất cần thiết nhưng ban chấp hành hội phải là người định hướng cho các hội viên và mỗi hội viên trước khi tham gia trại sáng tác phải hoạch định rõ ràng ý tưởng, đề tài, đề cương cho riêng mình. Chất lượng sáng tác như thế nào sẽ do chính hành vi ứng xử của người dự trại và ban tổ chức điều hành trại”, NSNA Lại Hiển nhấn mạnh. 

 Tôi cũng đã nhiều lần được mời tham gia vào BGK cuộc thi ảnh và tôi thấy có những cuộc thi hơn 80% ảnh gửi về dự thi là ảnh về Mù Cang Chải, đó là hệ quả của việc tổ chức đi trại sáng tác. Triển lãm của chúng ta hiện nay nghe nội dung rất to tát nhưng lại rất đơn điệu. Tại sao chúng ta lại không chia nhỏ tiền sáng tác cho từng nhóm người, nhóm thì đi chụp kiến trúc cổ HN, nhóm thì đi chụp làng nghề truyền thống nào đó… thì ảnh mới có mầu sắc được.

(NSNA Quang Thành)

 

  Tôi nghĩ mỗi hội viên phải có sở trường, thương hiệu riêng, phong cách riêng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, không ít các nghệ sĩ nhiếp ảnh quên mất điều này. Tôi thấy mỗi lần tổ chức trại sáng tác, các nghệ sĩ rất hào hứng và đi cho vui, giao lưu với nhau là chính mà không có chủ điểm gì cả.

(NSNA Lại Hiển)

 

 THANH NGỌC

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top