Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Về đề án " Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”: “Sống cùng với đồng bào mới thấy được giá trị của Đề án...”

Thứ Sáu 15/03/2019 | 11:09 GMT+7

VHO-  Với những kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm sống và làm việc cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng miền núi Lào Cai, TS Trần Hữu Sơn (ảnh), Phó Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam đã chia sẻ những suy nghĩ trước thực trạng trang phục truyền thống của nhiều DTTS ở Việt Nam đang bị mai một và biến dạng, trở nên xa lạ với nguyên gốc.

 Ông cho rằng: Trang phục dân tộc không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa, bao hàm những giá trị về thẩm mỹ mang bản sắc tộc người. Nói cách khác, mỗi bộ trang phục dân tộc được xem là “thẻ căn cước” của tộc người đó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trang phục truyền thống của các DTTS đang ngày càng mai một và biến dạng. Trong 53 dân tộc thì có không ít DTTS không còn giữ được trang phục truyền thống của mình, hoặc thay đổi cách ăn mặc. Đáng buồn hơn, nhiều người DTTS còn mang suy nghĩ nếu không mặc theo kiểu “toàn cầu hóa” sẽ bị coi là lạc hậu, vì vậy trang phục đặc trưng của dân tộc rất ít được sử dụng. Đó là thực trạng đáng buồn và đáng suy ngẫm hiện nay.

Vậy ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” vừa được Bộ VHTTDL phê duyệt?

- TS Trần Hữu Sơn: Tôi cho rằng đây là Đề án được ban hành rất kịp thời khi người dân nhiều DTTS không còn giữ gìn được sự trọn vẹn trang phục truyền thống cho mình. Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh hiện nay, Đề án đưa ra mục tiêu tổng quát: “Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các DTTS đáp ứng yêu cầu “văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các DTTS Việt Nam. Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc” là phù hợp và cần thiết. Nếu sống cùng đồng bào các dân tộc, chứng kiến những thay đổi và mai một giá trị bản sắc của trang phục trong cộng đồng mới thấy được giá trị của những mục tiêu hướng đến của Đề án có ý nghĩa thiết thực như thế nào.

Tuy nhiên, khi thực hiện nên phân loại trang phục dân tộc theo các hướng bảo tồn như bảo tồn nguyên vẹn hay bảo tồn theo các giai đoạn tái sáng tạo, chấp nhận sự cách tân, cải biến của trang phục qua nhu cầu của người sử dụng và thước đo thời gian. Sự tái sáng tạo trang phục cũng cần phải được sự chấp nhận của cộng đồng. Không phải do thiếu trang phục truyền thống lại mua luôn một bộ cải tiến không rõ nguồn gốc, hay cách ăn mặc thay đổi tùy tiện, quá xa lạ với trang phục truyền thống... mà cũng có thể chấp nhận được. Do đó, quá trình tái sáng tạo trang phục của đồng bào các DTTS cần phải có sự tham gia của các họa sĩ, nhà nghiên cứu tham gia và được cộng đồng chấp thuận. Đó là hai xu hướng của bảo tồn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để trang phục truyền thống “sống” trong đời sống cộng đồng thì cần phải có môi trường đặc thù để nuôi dưỡng sức sống đó, ông nghĩ sao?

- Bạn hãy đến Sa Pa. Nếu như địa điểm du lịch này mất đi sự hiện diện của những trang phục truyền thống mà mỗi ngày người Mông, Dao, Xa Phó... vẫn mặc thì chắc chắn Sa Pa sẽ không còn sức hút nữa. Một trong những điều để Sa Pa thu hút được khách du lịch là do người dân giữ được các trang phục truyền thống và đó cũng là “viên nam châm” quyến rũ cho mình.

Đồng bào các dân tộc ở trên địa bàn Lào Cai cũng khá linh hoạt trong sử dụng trang phục dân tộc. Có lần chúng tôi đang làm việc ở Tả Phìn, khi có khách đến mua trang phục, chị đại diện hội phụ nữ tại đây xin phép vào để mặc bộ trang phục dân tộc của mình. Thấy tôi tò mò, chị nói chỉ có mặc như vậy khách mới biết mình là người Dao và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm được bán. Ở nhiều địa điểm khác cũng vậy, chính cộng đồng địa phương đã xác định muốn thu hút khách thì phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong trang phục của mình và xây dựng thành sản phẩm đặc thù.

 Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Lô Lô Ảnh: T.L

Những trang phục cổ truyền đó cần được bảo tồn như thế nào để phát huy được giá trị thiết thực, thưa ông?

- Tôi thấy Đề án của Bộ VHTTDL đã đưa ra nhiều nội dung, quy trình phù hợp, từ kiểm kê đến bảo tồn. Có lẽ chúng ta cũng chỉ nên đặt mục tiêu giới hạn ở các môi trường bảo tồn như trong đề án, mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ, tết, hội, ngày khai giảng, tại các điểm du lịch... Nhưng cũng phải chú ý rằng có những thời điểm hoặc có những vùng khi người dân chuyển sang mặc các trang phục khác thì cần đề nghị đồng bào giữ trang phục truyền thống để mặc vào các thời điểm đặc biệt đó.

Vấn đề thứ hai là những bộ trang phục truyền thống đó phải được giữ gìn, phát huy bản sắc ở những địa điểm du lịch, hoặc qua các cuộc giao lưu văn hóa. Quá trình bảo tồn cũng phải có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các họa sĩ... Ở đây cần chú ý không được nhầm lẫn giữa trang phục các dân tộc với các trang phục cách tân, cải tiến của diễn viên khi đưa lên sân khấu. Còn nhớ khi tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ hội 100 năm Sa Pa, chúng tôi xây dựng và đưa chương trình biểu diễn của đoàn Nghệ thuật dân tộc lên sân khấu trình diễn, nhưng tôi nhìn thấy rõ sự thờ ơ không hứng thú của đoàn đại biểu nước ngoài đến giao lưu.

Khi tìm hiểu mới hay họ không thích vì các tiết mục được sân khấu hóa, không đúng truyền thống. Sau đó, khi chúng tôi tổ chức chương trình nghệ thuật của các dân tộc Mông, Dao, khi những diễn viên quần chúng chân đất, múa khèn và hát những làn điệu của người Dao, người Mông... thì lập tức đã thu hút được sự hưởng ứng của những vị khách. Như vậy, mới thấy sự trở lại và giữ gìn truyền thống bản sắc khi hội nhập quý báu như thế nào.

Trước thực tế nhiều DTTS đã không còn hào hứng mặc trang phục truyền thống, theo ông, cần có giải pháp nào để khơi dậy niềm tự hào, yêu thích các giá trị bản sắc truyền thống trong tự thân chứ không phải bằng những tác động từ bên ngoài?

- Phải có những chính sách. Trước đây ở Lào Cai đã có những quy định như trong một số sự kiện quan trọng, mọi người ai cũng có một bộ trang phục truyền thống để mặc. Hoặc tạo ra những môi trường, hoạt động khuyến khích để người dân nhận thấy giữ gìn bản sắc qua trang phục không chỉ là niềm tự hào mà còn đem đến lợi ích, như vùng du lịch Sa Pa.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên quá cầu toàn, yêu cầu tất cả mọi người đều mặc trang phục dân tộc. Bối cảnh thời đại khiến việc mặc trang phục dân tộc bị thu hẹp, nhưng không vì thế mà không bảo tồn, đó là sự cực đoan. Mặt khác, đặt vấn đề bảo tồn toàn bộ các yếu tố như xưa thì lại là ảo tưởng. Ta cần tránh cả hai xu hướng đó, cực đoan và ảo tưởng. Phải có chính sách bảo tồn đến phạm vi nào. Trong bảo tồn trang phục truyền thống thì phân chia bảo tồn nguyên vẹn như thế nào, cách tân ra sao và kể cả xu hướng người dân ăn mặc theo tùy chọn.

Trong nhiều bước đặt ra trong lộ trình đề án, cần thiết phải tập trung vào nội dung nào trước nhất?

- Tôi cho rằng Đề án đã đưa ra lộ trình hợp lý, từ khảo sát, nghiên cứu, tổng kiểm kê... Trong đó cần tập trung một số nội dung ưu tiên như bảo tồn nguyên vẹn và đưa vào các bảo tàng những bộ trang phục truyền thống. Nhiều vấn đề cấp thiết của ngày hôm nay sau độ lùi thời gian, chúng ta sẽ nhận ra giá trị và hiệu quả thực tiễn của việc làm đó.

Việc đưa trang phục vào bảo tàng cũng cần làm đồng bộ. Chúng ta cũng có thể xem kinh nghiệm các nước có chính sách đa dân tộc như thế nào để áp dụng, sao cho không khô cứng, cưỡng ép cũng như không quá thả lỏng.

Còn có nhiều ý kiến khác nhau về kinh phí triển khai đề án. Ông có suy nghĩ gì?

- Tôi cho rằng con số gần 230 tỉ đồng không nhiều, khi triển khai công tác bảo tồn thì số tiền này có thể chỉ mang tính động lực, tạo sự kích thích để làm. Số tiền này có thể ưu tiên nhiều nhất cho việc mua các bộ trang phục truyền thống, tiến hành số hóa để giữ lại tài sản cho các thế hệ sau.

Mặt khác, để đề án thực sự hiệu quả, để các trang phục truyền thống các dân tộc “sống” trong cộng đồng thì cũng không thể chỉ trông vào nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước mà còn phải phát huy nhiều nguồn xã hội hóa khác nữa.

Xin cảm ơn ông!

 Nếu sống cùng đồng bào các dân tộc, chứng kiến những thay đổi và mai một giá trị bản sắc của trang phục trong cộng đồng mới thấy được giá trị của những mục tiêu hướng đến của Đề án có ý nghĩa thiết thực như thế nào.

 

HÀ PHƯƠNG (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top