Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20.3: Hạnh phúc không nhất thiết phải giàu có

Thứ Sáu 15/03/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Theo nghiên cứu và công bố về Chỉ số Hạnh phúc của một số tổ chức quốc tế những năm gần đây, Việt Nam luôn được xếp hạng top đầu trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng liệu Chỉ số Hạnh phúc của người Việt Nam luôn đứng đầu có thực sự chính xác?

Diễu hành nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3

Nhiều ý kiến trái chiều

Theo tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, Việt Nam là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 (2018 World Happiness Report) của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc, Việt Nam lại đứng thứ 95 trong bảng xếp hạng.

Có ý kiến tỏ ra nghi ngờ về chỉ số xếp hạng mà Việt Nam đạt được mặc dù là do các tổ chức quốc tế công bố và cho rằng thứ hạng này có phần được ưu ái. PGS, TS Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu gia đình và giới nhận định: “Hạnh phúc là sự hài lòng với cuộc sống, cộng trừ sự vui sướng với đau khổ mà vui sướng nhiều hơn là hạnh phúc. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, ở những nước nghèo, khi điều kiện vật chất tăng lên thì hạnh phúc tăng lên rất nhanh. Nhưng ở các nước phát triển thì hạnh phúc phụ thuộc vào sự thỏa mãn cá nhân, sự cống hiến cho gia đình. Đánh giá về hạnh phúc của người Việt được xây dựng trên 3 tiêu chí về: Kinh tế, vật chất và môi trường sống tự nhiên; Quan hệ gia đình và gia đình; Đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng. Ba điều này được thỏa mãn thì con người hạnh phúc. Chúng ta có thể tìm kiếm và trải nghiệm về hạnh phúc, do đó hạnh phúc có thể đo lường được. Những kết quả nghiên cứu về hạnh phúc sẽ giúp quốc gia hoạch định chiến lược phát triển kinh tế và an sinh xã hội phù hợp nhất. Quan niệm về hạnh phúc của người Việt thường thiên nhiều hơn về khía cạnh thỏa mãn nhu cầu với đời sống gia đình, cộng đồng, quan hệ xã hội. Có ba yếu tố tạo nên hạnh phúc là điều kiện kinh tế vật chất, quan hệ gia đình xã hội và đời sống tinh thần. Do văn hóa truyền thống để lại, gia đình với mỗi người Việt Nam rất quan trọng. Khi thỏa mãn nhu cầu với cộng đồng, gia đình, xã hội thì họ sẽ thấy hạnh phúc. Tất nhiên nếu thiếu ăn thì không thể có hạnh phúc”.

Nhìn nhận về chỉ số hạnh phúc được quốc tế công bố về người Việt Nam, TS Trịnh Hòa Bình khẳng định: “Tôi cho rằng chỉ số hạnh phúc mà các tổ chức quốc tế công bố họ dựa trên nhiều tiêu chí như: GDP bình quân đầu người tính theo sức mua ngang giá, số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn đời sống... Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mặc dù nền kinh tế của họ không mấy phát triển. Để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển. Quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng. Theo tôi Việt Nam được thế giới đánh giá cao về chỉ số hạnh phúc là nhìn từ những giá trị văn hóa tinh thần, nền tảng đạo đức cũng như truyền thống”.

Cần nỗ lực để Hạnh phúc

Nhìn nhận về băn khoăn trước tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em... có làm giảm đi chỉ số hạnh phúc hiện tại, các chuyên gia cũng cho rằng nên đánh giá chỉ số hạnh phúc ở số đông chứ không đi vào những vụ việc mang tính cá biệt trong đời sống. TS Trịnh Hòa Bình nhận định: “Củng cố niềm tin đối với dân, làm tốt công tác an sinh xã hội là những nỗ lực đáng được ghi nhận đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Việt Nam thời gian gần đây. Điều này thể hiện rất rõ trong công tác phòng chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã được Đảng, Nhà nước chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, tham nhũng đang từng bước bị đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...”. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng một xã hội mà luật pháp nghiêm minh, nghiêm trị những hành vi không minh bạch, đảm bảo cho quyền lợi của người dân, tạo niềm tin trong dân, là cơ sở bền vững cho sự phát triển hạnh phúc của toàn xã hội nói chung, của cá nhân người dân nói riêng. Từ trong gốc rễ, nếu người dân thực sự hạnh phúc thì xã hội sẽ ít tệ nạn hơn.

Nhiều ý kiến thống nhất rằng, Việt Nam hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng như những nỗ lực trong công tác tuyên truyền của các cơ quan có trách nhiệm đã giúp cho người dân ý thức rõ ràng hơn, cụ thể hơn về những tiêu chí để đạt tới hạnh phúc thật sự. Về căn bản, hạnh phúc thực sự dựa trên tiêu chí yêu cầu thiết yếu nhất của người dân là được bảo đảm, được thỏa mãn. Ví dụ, an toàn trong môi trường xã hội, những dịch vụ cơ bản trong cuộc sống như y tế, giáo dục được đáp ứng thiết thực nhất. Một người có hạnh phúc hay không bắt đầu từ những thứ giản dị như vậy.

Hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của con người, là sự thỏa mãn của con người trong các mối quan hệ với môi trường sống xung quanh: Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nội tâm của chính bản thân mỗi người. Hạnh phúc là đầu ra của toàn bộ quá trình phấn đấu của con người với tư cách là một cá nhân, một thành viên của cộng đồng, quốc gia. Hạnh phúc luôn vận động và biến đổi trong không gian và theo thời gian, đó là cả một quá trình, là mục tiêu của cuộc sống con người, mục tiêu của sự phát triển. 

 THÚY HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top