Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi): Cần quy định về đạo đức, ứng xử cho giáo viên

Thứ Tư 13/03/2019 | 15:11 GMT+7

VHO- Phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) vào sáng qua 12.3, một số đại biểu cho rằng trong Luật này cần phải có quy định về chuẩn mực đạo đức, ứng xử cho giáo viên trước thực trạng hành vi thiếu chuẩn mực của một số nhà giáo, tuy không nhiều nhưng đã gây tác hại và có ảnh hưởng sâu rộng.

 

 Ảnh: TUẤN QUỲNH

Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về sách giáo khoa.

Ngành y có y đức, vậy ngành giáo dục thì sao?

Dẫn chứng vụ việc cụ thể về việc thầy giáo có hành vi quấy rối nhiều nữ sinh ở trường tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) sau khi uống rượu trong giờ dạy thêm, hay vụ việc cô giáo nói lời thô tục, phản cảm, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng, hiện tại chúng ta mới chỉ có các quy định đầy đủ trong giờ học chính nhưng lại sơ hở và thiếu các quy định trong giờ học thêm. Nếu chuyện xảy ra thì trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước sẽ thuộc về ai?

Đại biểu này cũng đề nghị, để khắc phục tình trạng lệch chuẩn của giáo viên thì cần quy định rõ về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nhà giáo, không chỉ áp dụng tại trường học, trong giờ học chính khóa mà cả các giờ dạy thêm. “Thời gian qua các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo, tuy không phải nhiều nhưng tác hại và ảnh hưởng lại sâu rộng, nhất là đến trẻ vị thành niên. Vì vậy nếu được, tôi mong Luật nên bổ sung thêm các quy định để tránh xảy ra các trường hợp như thầy giáo có thể dâm ô học sinh ngoài giờ học chính khóa hoặc ngay tại nhà học sinh, khi đi dạy thêm”, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Cũng đề cập đến vấn đề đạo đức của người thầy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu Luật và cho rằng Luật có thể trình ra Quốc hội để xem xét thông qua. “Tuy nhiên có một điểm băn khoăn là bắt đầu 3 năm trở lại đây, Ủy ban Tư pháp quan tâm đến hiện tượng bạo hành trẻ em trong cơ sở giáo dục, rồi tình trạng học sinh trong các cấp bị xâm hại tình dục. Gần đây nổi lên một số vụ, dù nhận thức được rằng đó chỉ là vụ cá biệt nhưng dư luận xã hội rất quan tâm vì lâu nay xã hội vẫn quan niệm dạy học là nghề cao quý. Vì vậy chúng tôi mong muốn dự luật có thêm quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo, như ngành y thì có y đức, để giáo viên thực hiện, tránh trường hợp như thời gian qua”, bà Nga nói và đề nghị bổ sung thêm quy định này vào Điều 67, quy định về Tiêu chuẩn nhà giáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng mong muốn ở Chương 6 của Luật này quy định về trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội nên có thêm quy định phù hợp để xác định được trách nhiệm của giáo viên, nhà trường, gia đình và xã hội đối với người học dưới 18 tuổi.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng vấn đề đạo đức giáo viên đang được xã hội quan tâm, vì vậy ban soạn thảo cần điều chỉnh trong dự thảo luật để tiếp tục hoàn thiện quy tắc ứng xử, đạo đức cho giáo viên.

Băn khoăn nhất là sách giáo khoa

Cũng tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết băn khoăn lớn nhất là sách giáo khoa. Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi soạn thảo luật, Chính phủ cũng đã bám sát tinh thần của Quốc hội, trong đó Nghị quyết của Quốc hội đã quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, mỗi môn học có thể có một hoặc một số bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT biên soạn cũng bình đẳng như các bộ sách khác của các tổ chức, chuyên gia biên soạn đã được thẩm định.

“Nhưng từ quy định nhà trường sẽ tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh để lựa chọn bộ sách giáo khoa sử dụng trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT sẽ phát sinh ra chuyện chạy cho bằng được để bộ sách giáo khoa này được dạy ở tỉnh này, tỉnh nọ”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng như thế cũng là lãng phí bởi Nhà nước đã bỏ tiền ra cho Bộ GD&ĐT biên soạn sách.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến thì hiện nay xã hội đang có phản ứng không tốt về vấn đề sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, nhiều loại sách tham khảo buộc học sinh phải mua. Bên cạnh đó, việc quy định mỗi một môn học đều có một hoặc một số sách giáo khoa và cơ sở giáo dục lựa chọn dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh cũng gây nhiều băn khoăn trong dư luận. “Quy định như vậy có thể phù hợp với bậc học cấp 3 nhưng lại chưa cần thiết đối với bậc học mầm non và bậc tiểu học, có thể sẽ gây lãng phí. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại quy định này”, ông Hà Ngọc Chiến đề nghị.

Theo giải thích của chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thì cho đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Nhưng các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới theo hướng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, nhưng về chất lượng thì Bộ GD&ĐT vẫn phải chịu trách nhiệm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết thêm, dù là ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn do Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung. Như vậy thì sau khi được thẩm định, các sách giáo khoa đưa vào lưu hành đều là sách giáo khoa chuẩn quốc gia. 

 Quy định phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam vào Luật Kiến trúc

Tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc cũng diễn ra vào sáng 12.3, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với việc dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định để các công trình kiến trúc phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế kiến trúc ngoại lai, gây phản cảm.

Về vấn đề này, theo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội thì việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc cũng như bản sắc văn hóa trong kiến trúc của từng dân tộc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú. Do đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã bổ sung vào dự thảo Luật quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc...

 THU SÂM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top