Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Luật Kiến trúc, cần có qui định phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thứ Ba 12/03/2019 | 10:56 GMT+7

VHO-Tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc, diễn ra vào sáng 12.3, tại Nhà Quốc hội, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với việc dự thảo Luật cần bổ sung thêm qui định để các công trình kiến trúc phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế kiến trúc ngoại lai, gây phản cảm.

Theo đó trong dự thảo Luật Kiến trúc, tại Điều 5 có qui định về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc. Qui định này nêu rõ, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng.

Toàn cảnh phiên họp của  Ủyban thường vụ Quốc hội

Điều này cũng qui định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc như quy định nêu trên trong Quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với vùng, miền, địa phương của mình quản lý; tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

Đồng tình với việc phải đưa vào qui định này nhưng theo đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc đưa ra qui định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa trong kiến trúc" là rất khó để thực hiện. Vì thế qui định này nên được bổ sung cụ thể vào các điều. Chẳng hạn như ở Điều 12 qui định về "Quản lý thiết kế kiến trúc" nên bổ sung qui định về trách nhiệm của chủ đầu tư công trình kiến trúc, có trách nhiệm lập thiết kế kiến trúc đảm bảo được yếu tố bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc - TTK, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, lại cho rằng thực tế ở nước ta, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không dễ để thực hiện vì thế không nên cứng nhắc mà phải đưa ra những qui định phù hợp để thực hiện.

Trong khi đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nêu lên một thực tế rằng, trong khi các nước tiên tiến như Pháp, Nga... đều có bản sắc riêng trong khiến trúc thì ở Hà Nội đã có một thời gian, ai học ở Nga về thì thiết kế nhà, công trình theo xu hướng kiến trúc nước Nga, ai học ở Tiệp về thì thiết kế theo phong cách của Tiệp nên mỗi công trình một kiểu, chưa thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc.

Về vấn đề này, theo báo cáo của Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội thì nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam.Vì thế theo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thì việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc cũng như bản sắc văn hóa trong kiến trúc của từng dân tộc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã bổ sung vào dự thảo Luật quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng, bổ sung một điều riêng về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng. Đồng thời, quy định các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với từng vùng, miền, địa phương do mình quản lý.

Bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc vào các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật như nguyên tắc hoạt động kiến trúc, yêu cầu quản lý kiến trúc…

Cũng theo báo cáo Ủy ban này thì có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.

Về vấn đề này, thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết bổ sung quy định về vấn đề này vì thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì thế không ít công trình này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về yêu cầu quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị tại Điều 13, bảo đảm không chồng chéo với quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về cơ bản, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất với các ý kiến tiếp thu, giải trình, nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Luật về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc. Tuy nhiên ban soạn thảo Luật cũng cần rà soát các qui định sao cho phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy được tính xã hóa.

Đặc biệt, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với qui định giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, hạn chế kiến trúc ngoại lai, gây phản cảm, phá vỡ cảnh quan lịch sử, không gian văn hóa, môi trường sinh thái...

THU SÂM

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top