Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Bế tắc” quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM: “Lời ăn lỗ chịu” thì ai dám làm?

Thứ Hai 11/03/2019 | 09:47 GMT+7

VHO-  Là đô thị năng động bậc nhất cả nước thế nhưng TP.HCM lại đi sau nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong việc cho phép thực hiện quảng cáo trên xe buýt. Những tưởng đi sau sẽ có cách làm hiệu quả hơn, nhưng sau bốn lần triển khai đấu giá quảng cáo trên xe buýt thì không một doanh nghiệp nào tham gia.

 Giá thuê quảng cáo quá cao và gói tuyến không hợp lý khiến doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia đấu giá quảng cáo trên xe buýt

 Theo tính toán, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo trên xe buýt sẽ mang về cho ngân sách TP.HCM hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 20% trong tổng số tiền trợ giá xe buýt hằng năm của thành phố, hiện mỗi năm thành phố phải bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để trợ giá cho xe buýt.

Đã có nhiều thay đổi, doanh nghiệp vẫn lắc đầu

Nhằm giảm gánh nặng trợ cấp của ngân sách, năm 2016 TP.HCM chấp thuận chủ trương thí điểm quảng cáo trên hơn 170 xe buýt và đến khi nhân rộng đại trà trên 2.000 xe buýt từ năm 2017 đến nay thì lại “bế tắc”.

Sau nhiều lần đấu giá bất thành, cuối tuần qua, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (Sở GTVT) tiếp tục tổ chức phiên đấu giá quảng cáo lần thứ 4 trên hơn 1.500 xe buýt có trợ giá hằng năm của thành phố. Vậy mà vẫn không có hồ sơ nào của doanh nghiệp tham gia, giống như tình trạng của ba lần đấu giá trước đây. Mặc dù nội dung đấu giá kỳ này có nhiều thay đổi và được cho là nhằm tạo thuận lợi và linh động hơn cho doanh nghiệp lựa chọn đầu tư.

Cụ thể, các gói thầu được đơn vị đấu giá chia nhỏ thành 11 gói, nhiều hơn hai gói thầu so với lần đấu giá trước, trong đó gói thấp nhất gồm có 5 tuyến và gói nhiều nhất là 8 tuyến xe buýt. Thời gian cho thuê quảng cáo cũng linh hoạt hơn, từ 1-2 hoặc 3 năm, thay vì áp dụng cố định 3 năm như trước đây. Bên cạnh đó, đơn vị trúng thầu được quyền quảng cáo trên 50% diện tích mỗi bề mặt của thân xe buýt, bao gồm cả phần cửa, kính xe của các gói thầu.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn TP.HCM cho rằng, cách làm của đơn vị đấu giá hiện chưa tương thích với thực tế, chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nên doanh nghiệp không mấy mặn mà, cũng không dám mạnh dạn tham gia. Cụ thể như quy định doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu phải đặt cọc trước tiền mặt tương ứng với thời gian thuê, ít nhất 5% so với giá trị khởi điểm của từng gói thầu gây khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, giá thuê quảng cáo trên xe buýt do đơn vị đấu giá đưa ra quá cao, gấp hai đến ba lần so với các địa phương khác trong cả nước. Mặt khác, lượng hành khách tham gia phương tiện xe buýt tại TP.HCM chưa nhiều cũng là một trong những hạn chế khiến doanh nghiệp ít để ý đến khai thác quảng cáo trên thân xe buýt.

Theo người đại diện của doanh nghiệp này, bên cạnh việc giảm giá thành, phân chia số lượng xe buýt thành nhiều gói, cần phải phân bổ lại số tuyến. Vì hiện nay, gói quảng cáo được xem là “ngon ăn” nhất của TP.HCM với gần 500 xe đã được một doanh nghiệp Nhật Bản thầu trọn từ năm 2017 đến nay. Các gói còn lại, hiện đưa ra đấu thầu phần lớn là những tuyến ít tiềm năng, khó khai thác quảng cáo nên doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư, dù nhận thấy nhu cầu quảng cáo trên xe buýt hiện đang còn rất lớn.

Giá còn cao ngất ngưởng

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM nhìn nhận, tuy có lợi thế là diện tích quảng cáo lớn, thời gian kéo dài nên được các nhãn hàng lựa chọn để quảng bá thương hiệu của mình. Tuy nhiên giá quảng cáo áp dụng trên thân xe buýt tại TP.HCM từ 90-100 triệu đồng/năm là quá cao, trong khi đó, mức giá này tại TP Hà Nội khoảng 30 triệu đồng/ năm.

Còn đối với các loại hình xe taxi hay ôtô công nghệ cũng chỉ dao động trong khoảng 25 triệu đồng/năm. Ông Cáp cho biết thêm, sau khi trúng thầu, các doanh nghiệp phải tự thân tìm kiếm nguồn khách hàng và đối tác để khai thác quảng cáo trên xe buýt mới có được lợi nhuận. Trong khi đó, các nhãn hàng hay doanh nghiệp tham gia quảng cáo sản phẩm thường chỉ “chạy” gói thuê từ 2-3 tháng, thời gian còn lại thường đơn vị trúng thầu phải ôm cả năm, rồi gồng mình chịu lỗ.

Ngoài những đề xuất trên, một số đơn vị, hợp tác xã kinh doanh xe buýt cũng đề xuất được giao quyền tự khai thác quảng cáo trên số xe buýt của mình. Vì hiện nay, toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động quảng cáo trên xe buýt đều nộp về ngân sách nên các đơn vị kinh doanh xe buýt không mấy mặn mà. Trong khi đó, ông Trần Chánh Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho rằng, cần phải lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị nói trên để đưa ra mức giá hợp lý chứ không thể khoán theo kiểu “lời ăn lỗ chịu” thì không đơn vị nào dám nhận. Khi đó, tiền trả giá xe buýt hằng năm ngân sách vẫn phải thêm gánh nặng.

“Dự kiến, phiên đấu giá tiếp theo sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 3 này, nếu tiếp tục thất bại thì Trung tâm sẽ đề xuất lại phương thức đấu giá phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp”, ông Trung cho biết. 

Sau khi trúng thầu, các doanh nghiệp phải tự thân tìm kiếm nguồn khách hàng và đối tác để khai thác quảng cáo trên xe buýt mới có được lợi nhuận. Trong khi đó, các nhãn hàng hay doanh nghiệp tham gia quảng cáo sản phẩm thường chỉ “chạy” gói thuê từ 2-3 tháng, thời gian còn lại thường đơn vị trúng thầu phải ôm cả năm, rồi gồng mình chịu lỗ.

(Ông NGUYỄN QUÝ CÁP, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM)

 

HOÀNG QUÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top