Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp: Còn mờ mờ, nhạt nhạt

Thứ Sáu 08/03/2019 | 09:45 GMT+7

VHO- Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn thẳng thắn, phát triển văn hóa doanh nghiệp hiện nay thuận lợi thì ít, khó khăn lại nhiều. Nhiều doanh nghiệp vì sức ép cơm áo gạo tiền, vì cái lợi trước mắt mà ít chú trọng đến xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp như một sức mạnh nội sinh, mang yếu tố nền tảng.

Quang cảnh Hội nghị

Đó cũng là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động giai đoạn 2016-2018, được Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 7.3 tại Hà Nội.

Nhận thức chưa đúng tầm

Theo ông Hồ Anh Tuấn, trong giai đoạn 2016-2018, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng kiện toàn bộ máy, không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động, hoàn thiện quy chế tổ chức... Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của Hiệp hội, góp phần tạo sự phát triển bền vững cho giai đoạn tiếp theo.

Nhiều công việc quan trọng đã được thực hiện nhằm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng phát động. Cụ thể, Hiệp hội đã xây dựng Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu”, xây dựng Bộ tiêu chí Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về Quy chế tôn vinh và Bộ tiêu chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và phối hợp triển khai, tổ chức Diễn đàn quốc tế với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng để phát triển bền vững”, Festival Văn hóa doanh nghiệp “Bản sắc và hội nhập”, thành lập và hoạt động của Ban tổ chức triển khai cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Ban Tổ chức 248 do Chủ tịch Hồ Anh Tuấn làm Trưởng ban)...

Nhiều ý kiến tại Hội nghị nhận định, khó khăn cơ bản nhất trong phát triển văn hóa doanh nghiệp hiện nay là vấn đề nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp chưa đầy đủ, chưa đúng tầm. Theo Chủ tịch Hồ Anh Tuấn, trong hệ thống doanh nghiệp, trừ một số doanh nghiệp lớn, thương hiệu uy tín đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp đúng tầm thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến việc này. Ở góc độ này, chuyên gia Lê Quốc Vinh với nhiều kinh nghiệm tư vấn xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho rằng, nhiều doanh nghiệp tự nhận là đã có văn hóa doanh nghiệp, văn hóa đó do lãnh đạo của doanh nghiệp hình thành, tuy nhiên thực chất họ chưa hiểu rõ bản chất văn hóa doanh nghiệp là gì.

“Có doanh nghiệp còn khẳng định văn hóa của họ là văn hóa tuân thủ. Nhưng trong phát triển thương hiệu của doanh nghiệp thì yếu tố then chốt luôn là sự sáng tạo. Nhiều trường hợp, tuân thủ cấp trên lại triệt tiêu khả năng sáng tạo và vô hình trung, văn hóa của doanh nghiệp đó không đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh doanh, thậm chí chính là rào cản lớn cho sự sáng tạo, yếu tố cần thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững…”, theo ông Lê Quốc Vinh.

 Ông Hồ Anh Tuấn trao quyết đnh phân công nhiệm vụ cho 3 Phó chủ tch Hiệp hội

Hết mờ nhạt bằng cách nào?

Đứng trước những thách thức này, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho xã hội, doanh nghiệp về xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ông Hồ Anh Tuấn cũng cho biết, Hiệp hội đã ký kết triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp” do Thủ tướng phát động tại 33 tỉnh, thành phố. Nhưng trên thực tế, việc triển khai chương trình phối hợp với địa phương để đến với doanh nghiệp còn lúng túng, bất cập, chưa có lộ trình, bước đi bài bản, hiệu quả. Thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục triển khai cuộc vận động ở 30 tỉnh, thành phố còn lại ở 3 khu vực: Đồng bằng Bắc Bộ (9 tỉnh, thành phố); Đông Nam Bộ (8 tỉnh, thành phố), Tây Nam Bộ (13 tỉnh, thành phố). Hiệp hội cũng dự kiến sẽ đề xuất tổ chức Diễn đàn “Chính phủ với văn hóa doanh nghiệp”; tổ chức Festival Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 11.2019.

Trong vai “người thực hành”, ông Lê Quốc Vinh nhận định, hiện nay việc đưa các doanh nghiệp tương tác một cách thực sự trong hoạt động của Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng ở hình thức. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội cần phải tư vấn được cho các doanh nghiệp lựa chọn xây dựng văn hóa như thế nào cho mình là tốt nhất. “Văn hóa phải là nền tảng, tạo điều kiện hỗ trợ để tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Đó là yếu tố then chốt để tạo sự phát triển bền vững cho mỗi doanh nghiệp”, ông Lê Quốc Vinh nói.

Nhiều ý kiến đề xuất, để phát triển văn hóa doanh nghiệp có thể tính đến việc xếp hạng bằng các tiêu chí đánh giá cụ thể. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp cũng cần phát huy vai trò của mình bằng việc tổ chức các khóa học, hội thảo hay các dự án tư vấn để doanh nghiệp xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc, có chiều sâu. Việc tạo nguồn thu cho các doanh nghiệp cũng được lưu ý là yếu tố quan trọng, tránh tư tưởng xin - cho dẫn đến hoạt động hình thức, thiếu bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Thức, nguyên Vụ trưởng Vụ VHVN, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, hoạt động của Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã đi qua giai đoạn khởi động, thời gian tới cần thúc đẩy đi vào chiều sâu. Theo ông Thức, cần làm cho mỗi doanh nghiệp nhận thức sâu sắc rằng văn hóa doanh nghiệp sẽ làm cho mỗi con người trong doanh nghiệp tốt đẹp hơn. Cần làm cho họ hiểu rằng chỉ cần bỏ ra một đồng cho phát triển văn hóa thì sẽ bớt đi được gấp nhiều lần số tiền để xử lý những khủng hoảng trong hoạt động của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh đến những giải pháp thiết thực, ý kiến tại hội nghị cũng đề xuất định hướng Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp phải kiện toàn bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào muốn đạt được thương hiệu quốc gia thì nhất định phải đạt được danh hiệu Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu.

“Cũng đừng nghĩ rằng xây dựng văn hóa doanh nghiệp là tốn kém kinh phí, nhiều lúc không tốn một đồng nào mà vẫn hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể được tư vấn để xây dựng văn hóa lắng nghe, văn hóa đối thoại, truyền thông nội bộ..., tạo động lực phấn đấu cho mỗi thành viên”, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ. 

 Có doanh nghiệp còn khẳng định văn hóa của họ là văn hóa tuân thủ. Nhưng trong phát triển thương hiệu của doanh nghiệp thì yếu tố then chốt luôn là sự sáng tạo. Nhiều trường hợp, tuân thủ cấp trên lại triệt tiêu khả năng sáng tạo và vô hình trung, văn hóa của doanh nghiệp đó không đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh doanh, thậm chí chính là rào cn lớn cho sự sáng tạo, yếu tố cần thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững…

(Chuyên gia Lê Quốc Vinh)

 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top