Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc: Loại bỏ ngay những tác phẩm sao chép, phục chế

Thứ Tư 06/03/2019 | 11:15 GMT+7

VHO- Khuyến khích yếu tố sáng tạo, tìm tòi những mẫu mã mới mẻ, Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014-2019) sẽ không chấp nhận những tác phẩm, sản phẩm mang tính lặp lại, sao chép và phục chế.

 Sản phẩm làng nghề nhiều nhưng chưa đa dạng mẫu mã Cần có nhiều sản phẩm mang dấu ấn bản sắc Việt Nam

 Đây là yếu tố được các tác giả mỹ thuật ứng dụng quan tâm, cũng để kỳ vọng kỳ triển lãm năm nay sẽ là cú hích cho ra đời nhiều mẫu mã mới mẻ, mang đậm yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc, tác động và thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm du lịch Việt Nam.

Không thể kéo dài... sự na ná

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNATL, Trưởng BTC Triển lãm cho biết, Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc được tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Lần đầu tiên vào năm 2004 và đến 2019 là lần thứ 4 được tổ chức. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, tôn vinh những sáng tạo của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng.

Trong bối cảnh mỹ thuật ứng dụng đang ngày càng trở thành bộ phận thiết yếu trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước, triển lãm mỹ thuật ứng dụng được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu những tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có chất lượng tốt được sáng tác trong thời gian 5 năm gần đây. “Triển lãm không chỉ là dịp để tôn vinh các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng mà còn là cơ hội để xã hội thấy được tiềm năng, vai trò của mỹ thuật ứng dụng trong đời sống và phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa. Đồng thời để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hàng hóa được tiếp cận với các sản phẩm và thiết kế tốt, góp phần xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa...”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.

Dự kiến khai mạc vào tháng 9.2019 tại Bảo tàng Hà Nội, triển lãm sẽ diễn ra trong vòng một tháng với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, giao lưu, trình diễn hấp dẫn của các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân... Đối tượng tham gia triển lãm là các tác giả, nhóm tác giả là công dân Việt Nam. Tác phẩm, sản phẩm tham gia được sáng tác, sản xuất trong thời gian từ 2014-2019; có giá trị thẩm mỹ cao, có tính sáng tạo, tính ứng dụng trong đời sống, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các tác phẩm, sản phẩm được yêu cầu không lặp lại, không sao chép, không phục chế.

BTC cho biết, mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm, sản phẩm (đơn chiếc hoặc bộ sản phẩm gồm nhiều chiếc). Tác phẩm, sản phẩm đăng kí tham dự vào một trong ba nhóm: Thiết kế sáng tạo, Sản phẩm trang trí và Sản phẩm ứng dụng. Liên quan đến vấn đề bản quyền, BTC triển lãm cho biết, sẽ thu hồi giải thưởng, hoặc hủy bỏ kết quả chấm chọn với những trường hợp bị phát hiện vi phạm bản quyền. Những tác phẩm đang có tranh chấp về bản quyền cũng sẽ không được chấp nhận tham gia.

Ảnh minh họa

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật ứng dụng hiện nay đang ngày càng phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, được các làng nghề, nhà máy, công xưởng sản xuất với chất lượng, mẫu mã ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, trong sự đa dạng đó, những sản phẩm thực sự nổi bật, có yếu tố sáng tạo không nhiều. “Rất khó để lựa chọn những sản phẩm, tác phẩm độc đáo bởi thị trường tràn ngập những mẫu mã na ná, lặp lại lẫn nhau. Từ các cửa hàng lưu niệm đến các chợ đêm, đâu đâu cũng bị phủ kín bởi những mặt hàng giống nhau i xì đúc. Hàng loạt mẫu mã cũ kỹ, đơn điệu đang đặt ra một vấn đề là làm thế nào để có được nhiều sản phẩm độc đáo, có thể đáp ứng nhu cầu thị trường nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng...”, họa sĩ Trần Khánh Chương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm cần có sự đột phá trong sáng tạo mỹ thuật ứng dụng, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết, yêu cầu các tác phẩm không lặp lại, không sao chép, không phục chế cũng nhằm hướng đến mục tiêu này. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản. Nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng phát triển mẫu mã các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang dễ dãi chấp nhận xu hướng “Tây hóa”, với hàng loạt sản phẩm nước ngoài được đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam.

 Liên quan đến vấn đề bản quyền, BTC triển lãm cho biết, sẽ thu hồi giải thưởng, hoặc hủy bỏ kết quả chấm chọn với những trường hợp bị phát hiện vi phạm bản quyền. Những tác phẩm đang có tranh chấp về bản quyền cũng sẽ không được chấp nhận tham gia.

Thiếu dấu ấn bản sắc Việt

Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành, trong mô hình đào tạo của thế giới, 10 người được đào tạo mỹ thuật chỉ có 2 người được đào tạo về mỹ thuật tạo hình , còn lại 8 người được đào tạo mỹ thuật ứng dụng. Tỉ lệ đó cho thấy nhu cầu cao của xã hội về mỹ thuật ứng dụng. Tuy nhiên tại Việt Nam, trong một thời gian dài mỹ thuật ứng dụng chưa được chú trọng đúng mức. Gần đây, do những chuyển động trong thực tế cuộc sống, mỹ thuật ứng dụng bắt đầu và ngày càng khẳng định rõ rệt hơn vai trò của mình. “Không chỉ ngành văn hóa mà nhiều Bộ, ngành khác cũng tổ chức các triển lãm mỹ thuật ứng dụng theo tiêu chí riêng của mình. Tuy nhiên ở khía cạnh văn hóa, triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc nhắm đến tiêu chí là các thiết kế mang yếu tố sáng tạo, mới mẻ và đặc biệt là khuyến khích những sản phẩm mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Thiếu vắng những thiết kế, mẫu mã mang dấu ấn bản sắc đang là vấn đề thực tế đặt ra đối với mỹ thuật ứng dụng Việt Nam. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam thừa nhận, làng nghề Việt Nam đang bế tắc về mẫu mã. Vấn đề này không thể tiếp tục bỏ ngỏ trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, du lịch Việt cũng đang rất cần có những mẫu mã có tính sáng tạo để đáp ứng nhu cầu du khách.

Họa sĩ Vi Kiến Thành cũng lưu ý một thực tế các làng nghề hiện nay đang chạy theo lợi nhuận thuần túy, với các đơn hàng sản xuất số lượng lớn theo mẫu mã nước ngoài: “Các nghệ nhân, nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng Việt Nam đang ở đâu? Hơn ai hết, đây là đội ngũ cần quan tâm nhiều hơn đến những sáng tạo mới mẻ, những sản phẩm mang hơi thở cuộc sống, bản sắc văn hóa Việt thay vì chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận, mẫu mã có sẵn và na ná nhau...”, họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

 Từ các cửa hàng lưu niệm đến các chợ đêm, đâu đâu cũng bị phủ kín bởi những mặt hàng giống nhau i xì đúc. Hàng loạt mẫu mã cũ kỹ, đơn điệu đang đặt ra một vấn đề là làm thế nào để có được nhiều sản phẩm độc đáo, có thể đáp ứng nhu cầu thị trường nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng...

(Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG)

 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top