Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nghị định 23/2019/NĐ-CP về hoạt động triển lãm: Tháo gỡ nhiều... “ca khó”

Thứ Tư 06/03/2019 | 11:09 GMT+7

VHO- “Nghị định 23/2019/ NĐ-CP về hoạt động triển lãm vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã thiết lập một hành lang pháp lý quan trọng, giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm và có phạm vi rộng là triển lãm. 

Đặc biệt, nhiều triển lãm đặc thù trước đây chưa có luật điều chỉnh khiến công tác quản lý gặp nhiều thách thức thì nay, Nghị định ra đời đã góp phần tháo gỡ nhiều nút rối...”, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNATL, Bộ VHTTDL cho biết. 
Thông thoáng và cởi mở 
Nghị định 23/2019/NĐ-CP về hoạt động triển lãm quy định về hoạt động tổ chức, phối hợp tổ chức triển lãm không vì mục đích thương mại thực hiện tại Việt Nam và đưa ra nước ngoài. Đáng chú ý, những triển lãm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định mà do các văn bản pháp lý khác quy định gồm: triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; các triển lãm xuất bản phẩm, bảo vật, cổ vật; triển lãm thuộc hệ thống bảo tàng; triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội quốc gia thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; triển lãm thành tựu KT-XH của địa phương thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh, thành phố; hoạt động trưng bày tác phẩm, hiện vật, tài liệu thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại trụ sở của tổ chức hoặc tại nhà riêng của cá nhân trong các hoạt động mang tính chất nội bộ. 
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức quốc tế; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động triển lãm. 
“Phạm vi điều chỉnh của Nghị định rất rộng, với nhiều loại hình triển lãm khác nhau. Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu chặt chẽ trong công tác quản lý. Theo đó, Nghị định xây dựng hai cách thức quản lý gồm: cấp phép, được áp dụng đối với các triển lãm có yếu tố nước ngoài, do tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đưa ra nước ngoài và tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức tại Việt Nam. 
Hình thức thông báo được áp dụng với các triển lãm do tổ chức ở Trung ương tổ chức tại Việt Nam; triển lãm do các tổ chức thuộc 2 tỉnh, thành phố trở lên liên kết tổ chức tại Việt Nam và triển lãm do tổ chức ở địa phương hoặc cá nhân tổ chức tại địa phương...”, họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh. 
Với hai hình thức cấp phép và thông báo tổ chức triển lãm, theo các chuyên gia chấp bút soạn thảo Nghị định, hành lang pháp lý này được thiết lập vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa có sự thông thoáng và cởi mở. Thẩm quyền cấp giấy phép hoặc tiếp nhận thông báo tổ chức triển lãm cấp Trung ương sẽ do Bộ VHTTDL, tại địa phương do các Sở VHTTDL, Sở VHTT cấp. Cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi giấy phép trong trường hợp các triển lãm không đáp ứng các điều kiện nội dung tổ chức, hoặc có hành vi vi phạm một số nội dung quy định cụ thể tại Nghị định. Hoặc tạm dừng hoạt động triển lãm khi phát hiện tổ chức, cá nhân kê khai hồ sơ, thông báo không trung thực, vi phạm những nội dung quy định cụ thể tại Nghị định. 
Cục trưởng Cục MTNATL Vi Kiến Thành cũng cho biết, Nghị định đưa ra quy định chặt chẽ về những điều kiện đối với tác phẩm, hiện vật, tài liệu, địa điểm triển lãm. Theo đó, tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm không có các nội dung: Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tiết lộ bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; kích động chiến tranh, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; gây chia rẽ tôn giáo, mất đoàn kết dân tộc; truyền bá tư tưởng phản động; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, an ninh trật tự, tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái. 
Nghị định cũng nêu rõ, tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp. Địa điểm triển lãm phải phù hợp với quy mô triển lãm, bảo đảm các điều kiện về trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ. 
Gỡ khó 
Khẳng định sự cần thiết của Nghị định, theo họa sĩ Vi Kiến Thành, thời gian qua do thiếu cơ sở pháp lý nên một số triển lãm chưa được điều chỉnh và quản lý chặt chẽ. Nhiều nội dung triển lãm mang tính chất quảng bá nhưng lại trưng bày các nội dung, tư liệu và hình ảnh không phù hợp. Một số triển lãm có nội dung nhạy cảm, không phù hợp với truyền thống và thuần phong mỹ tục của dân tộc, khiến dư luận phản ứng, bức xúc. 
“Cuộc triển lãm khiến báo chí tốn nhiều giấy mực hồi đầu năm: “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” là một ví dụ cho sự khó khăn trong công tác quản lý, khi hành lang pháp lý cùng những quy định pháp quy chưa được thiết lập đầy đủ. Những triển lãm như vậy vốn rất khó để xác định nội dung thuộc về loại hình nào, văn hóa, sinh học hay y tế..., do vậy đưa ra những hình thức xử lý cũng không đơn giản. Nghị định này ra đời sẽ có biện pháp để điều chỉnh”, ông Thành nhận định. 
Nghị định quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm. Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ VHTTDL trong thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm; thẩm định nội dung, có ý kiến trả lời bằng văn bản đối với các triển lãm theo đề nghị của Bộ VHTTDL. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm tại địa phương. Sở VHTTDL, Sở VHTT là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động triển lãm tại địa phương. 

Bên cạnh đó, vì có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều nội dung không thuộc lĩnh vực quản lý của ngành VHTTDL nên Bộ không thể có đủ đội ngũ chuyên gia thẩm định có thể “phủ sóng” các chuyên ngành. “Do đó, sau khi Nghị định ban hành, Cục MTNATL đã bắt tay xây dựng Thông tư hướng dẫn quy chế hoạt động của Hội đồng giám định. Hội đồng này gồm có các chuyên gia thẩm định nội dung triển lãm trước khi cơ quan quản lý cấp phép. Dự kiến tháng 7.2019, Thông tư sẽ được ban hành”, ông Thành cho hay. 
Về vấn đề này, điều 9 Nghị định nêu rõ, Hội đồng thẩm định nội dung triển lãm sẽ được thành lập khi triển lãm có nội dung không thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; hoặc triển lãm có quy mô quốc gia, quốc tế, có nội dung phức tạp. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn về chuyên môn để cơ quan có thẩm quyền quyết định. 
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15.4.2019. Bộ trưởng Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra và thực hiện Nghị định. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định.

  “Cuộc triển lãm khiến báo chí tốn nhiều giấy mực hồi đầu năm: “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” là một ví dụ cho sự khó khăn trong công tác quản lý, khi hành lang pháp lý cùng những quy định pháp quy chưa được thiết lập đầy đủ. Những triển lãm như vậy vốn rất khó để xác định nội dung thuộc về loại hình nào, văn hóa, sinh học hay y tế..., do vậy đưa ra những hình thức xử lý cũng không đơn giản. Nghị định này ra đời sẽ có biện pháp để điều chỉnh” 

 

BẢO ANH 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top