Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS: Đừng để “nét riêng” các dân tộc mất đi theo người già

Thứ Tư 06/03/2019 | 10:47 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta đã và đang biến dạng, mất gốc, thậm chí được thay đổi bằng các trang phục mới. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, “nét riêng” của nhiều DTTS sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc khó tìm lại được. 

  Trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Dao trong đám cưới Ảnh: TRẦN HUẤN

 Mất dần trang phục truyền thống 
Thực tế tại nhiều địa phương hiện nay, cách mặc của đồng bào các dân tộc đã có sự thay đổi, không chỉ ở giới trẻ mà ở cả những người cao tuổi. Nhiều người DTTS tự ti mặc cảm, sợ ăn mặc theo kiểu truyền thống sẽ bị coi là lạc hậu, không hiện đại, nên trang phục đặc trưng của dân tộc rất ít được sử dụng. Báo cáo khảo sát của các tỉnh cho thấy, tỷ lệ sử dụng trang phục truyền thống các DTTS hiện nay rất thấp. Cụ thể, tại tỉnh Thái Nguyên, người Tày, Mông, Sán Chay, Sán Dìu 10%, người Nùng 5%; tại tỉnh Nghệ An, người Thái 30%, người Thổ và Khơ Mú là 15%, người Mông 10% và người Ơ Đu đã mất trang phục truyền thống; tại tỉnh Gia Lai, người Jrai 10%, người Ba Na 15%; tại tỉnh Vĩnh Long, người Khmer và người Hoa tỷ lệ còn trang phục truyền thống là 25%... 
Nếu như trước đây, hầu hết các DTTS đều trồng bông, lanh, nuôi tằm lấy tơ để dệt vải và may trang phục, thì nay tỷ lệ các hộ gia đình còn duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông, trồng lanh để dệt vải chiếm từ 05 -10 % và chủ yếu ở một số dân tộc sinh sống tại vùng núi, vùng cao, vùng sâu. Các dân tộc sống ở những vùng kinh tế phát triển, ven các thành phố, thị trấn, thị xã có đời sống kinh tế phát triển đã bỏ hẳn việc trồng các loại nguyên liệu dệt truyền thống. Không chỉ vậy, việc sử dụng nguyên liệu nhuộm màu truyền thống cũng có nhiều thay đổi. Đa số sử dụng các loại phẩm màu công nghiệp để tạo màu cho sản phẩm. Chính việc tạo ra trang phục truyền thống đã có nhiều biến đổi làm cho y phục không còn nguyên gốc, đặc biệt là các họa tiết, hoa văn trang trí không còn được độ tinh xảo. 
Theo đại diện Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, trang phục truyền thống dần vắng bóng trong ngày thường, chỉ chủ yếu được sử dụng trong dịp lễ, tết, cưới xin… Hoa văn trang trí trên trang phục cũng có sự biến đổi theo xu hướng đơn giản hóa các mô típ hoa văn trang trí. Trước đây các DTTS biết trồng bông, trồng lanh dệt vải, nhuộm chàm, tự túc vải mặc, nhưng ngày nay do xu thế hội nhập, vải nước ngoài và vải trong nước ngày càng nhiều trên thị trường, nên hầu hết các dân tộc mua vải đen về may, trang phục hằng ngày của họ đơn giản và ít hoa văn trang trí hơn so với trang phục truyền thống. 
Đáng báo động hơn, tại Hà Tĩnh, đồng bào dân tộc Chứt tại  bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê không có trang phục truyền thống. Khi được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện, đồng bào dân tộc Chứt vẫn còn sống trong tình trạng bầy đàn, nguyên thủy. Trang phục chủ yếu của họ làm từ vỏ cây rừng. Sau khi được Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đưa về định cư, trang phục thường ngày của họ theo dân tộc Kinh; trong các ngày lễ tết, đồng bào mặc trang phục truyền thống do Nhà nước trang bị trên cơ sở trang phục đồng bào Chứt ở Quảng Bình. 

 Trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Dao, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang Ảnh: MINH TIẾN 

  “Phải giáo dục cho thế hệ trẻ giá trị của trang phục truyền thống” 
Sau ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin thứ 2 để phân biệt tộc người này và tộc người khác. Đó là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa - xã hội của tộc người. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, nhiều hiện tượng văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống đang có nguy cơ mất đi nhanh chóng. Thậm chí, tại một hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, có dân tộc không còn trang phục truyền thống tại bản làng, phải đi mượn ở bảo tàng để phục chế, mang đi trình diễn. Cho nên, công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để bảo tồn bền vững, cần có đề án đặc thù, triển khai theo lộ trình, khôi phục dần dần từ nguyên liệu, cách thức chế tác trang phục, và quan trọng hơn cả là giáo dục cho thế hệ trẻ các dân tộc hiểu được giá trị của trang phục truyền thống để nâng cao trách nhiệm gìn giữ và phát huy “vốn quý” của cha ông. 
(PGS. TS Lê Ngọc Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc và thời đại) 

Việc bảo tồn bền vững là cấp thiết 
Trước nguy cơ biến mất của trang phục truyền thống một số dân tộc ít người, mới đây, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Đây là lần đầu tiên có một đề án đưa ra các giải pháp toàn diện, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về công tác bảo tồn bền vững trang phục truyền thống các DTTS trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong 12 năm triển khai (2019-2030), đề án hướng tới việc đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL cho rằng: “Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS luôn là vấn đề khiến những người làm công tác văn hóa cùng các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, bởi trang phục không chỉ đơn thuần là chuyện “mặc” mà còn là sự biểu trưng cho nét đẹp văn hóa trong đời sống, tâm linh tín ngưỡng, biểu đạt chức năng xã hội của người mặc, cũng như tiến trình giao thoa, tiếp biến văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác. Bảo tồn “tĩnh” trong bảo tàng, thư viện đã khó, bảo tồn “động” trong cuộc sống hằng ngày trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước càng khó hơn. Hơn nữa, trong quá trình phát triển, sẽ có hiện tượng vận động và biến đổi, theo đó trang phục truyền thống các DTTS cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nếu sự quan tâm vào cuộc không kịp thời, không quyết liệt có thể sẽ dẫn đến nguy cơ trang phục truyền thống một số dân tộc thiểu số bị mai một và mất đi trong một tương lai không xa”. 
Theo định hướng bảo tồn trang phục truyền thống hiện nay, thì việc bảo tồn trong đời sống kết hợp bảo tồn trong tư liệu, bảo tàng (tĩnh); lấy bảo tồn, phát huy trong đời sống của đồng bào các dân tộc làm mục tiêu chính. Đồng thời, việc bảo tồn trong đời sống phải có tính phát huy, phát triển để phù hợp với thị hiếu và điều kiện của từng vùng, miền, dân tộc, chấp nhận những thay đổi, cách tân cần thiết về trang phục truyền thống trên quan điểm giữ được những nét cơ bản làm nên đặc trưng, bản sắc của từng dân tộc thông qua trang phục, không làm biến dạng, quá xa truyền thống như các kiểu trang phục ngoại lai, trang phục biểu diễn nghệ thuật, sân khấu hóa...Ngoài ra, công tác bảo tồn cũng coi trọng việc bảo tồn trong thư viện (tư liệu sách chữ, sách ảnh, đĩa hình...) và trưng bày, giới thiệu hiện vật trong các bảo tàng, giữ nguyên bản trang phục truyền thống để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, tham quan và làm cơ sở để cải tiến mẫu mã trang phục sau này. Bên cạnh đó, quan tâm bảo tồn các làng nghề truyền thống liên quan đến may mặc, thêu dệt trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn thông qua giới thiệu nhiều hơn nét đẹp của trang phục dân tộc bằng việc kết hợp với các hoạt động liên hoan, lễ hội văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế, thông qua các kênh báo chí, điện ảnh, truyền hình trong và ngoài nước giới thiệu về trang phục các DTTS Việt Nam. 

  “Cần bảo tồn theo lộ trình” 
Việc bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS đã được chú trọng từ lâu, nhưng hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một vẫn luôn hiện hữu. Trong công tác bảo tồn thì có bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện, và bảo tồn động trong đời sống hằng ngày, thì để bảo tồn bền vững, lâu dài là phải chú trọng bảo tồn động. Chính đồng bào phải có niềm tự hào dân tộc, và đưa nhu cầu bảo tồn trở thành nhu cầu tự thân của đồng bào các dân tộc. Đồng thời, có sự phối hợp, hỗ trợ từ hệ thống chính quyền, đoàn thể để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn. Công tác bảo tồn phải theo một lộ trình cẩn thận, không hình thức bên ngoài mà phải chú trọng vào những nội hàm bên trong của văn hóa tộc người. 
(PGS. TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học)


QUÁCH NGA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top