Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Quá nguy hiểm khi để con chơi Ipad,  điện thoại thông minh...

Thứ Hai 04/03/2019 | 10:14 GMT+7

VHO- Thử thách cùng Momo (Momo Challenge) là một trò chơi thử thách, trực tuyến với hình ảnh ma mị, đáng sợ nhằm vào giới trẻ, nhất là trẻ em, khuyến khích người chơi tự làm tổn thương bản thân hoặc tự sát.

Hình ảnh ma mị đáng sợ của nhân vật Momo

 Để dụ dỗ trẻ em và “qua mặt” các bậc cha mẹ, trong các video độc hại đầy rẫy trên YouTube, đoạn đầu sẽ là clip bài hát nhân vật hoạt hình như bình thường, rồi sau đó là các hình động bạo lực mà nền nhạc vẫn là nhạc hoạt hình, nên nếu không ngồi xem cùng con mà chỉ nghe tiếng thì cha mẹ sẽ không biết được. Những video này bắt chước theo phim Peppa Pig với tựa đề y hệt những tựa đề phim này trên YouTube. Trong các video này có hình ảnh dùng dao cắt trên cơ thể như là cắt cổ tay, tự nhổ răng đầy máu me, thậm chí là cắt đầu.

Điều đáng lo, hiện nay trên YouTube xuất hiện một game gây phẫn nộ cho nhiều người, đó là Thử thách Momo. Khi trẻ em tham gia thử thách trong game, chúng sẽ liên lạc với một người lạ ẩn danh có tên là Momo với hình ảnh mặt dài và mắt to rất đáng sợ. Người chơi sẽ giao tiếp chủ yếu thông qua ứng dụng nhắn tin whatsApp, Momo khuyến khích người tham gia hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau nếu họ muốn tránh bị nguyền rủa. Những nhiệm vụ này là việc tự gây hại cho bản thân và Momo yêu cầu người tham gia cung cấp bằng chứng bằng cách chụp ảnh để được tiếp tục trò chơi. Cuối cùng, trò chơi được kết thúc bằng việc Momo nói người tham gia lấy mạng sống của chính họ và ghi lại trên phương tiện truyền thông xã hội. Game này còn hướng dẫn trẻ em uống thuốc tự tử hoặc đợi bố mẹ ngủ rồi bật lò nướng rồi để đấy. Momo cũng hướng dẫn trẻ cách đâm người, cách cắt tay tự tử và nhiều trò bạo lực khác. Đặc biệt, để tránh bị người lớn phát hiện và ngăn chặn, Momo yêu cầu trẻ cũng không được nói cho ai biết, nếu không gia đình sẽ bị xui xẻo hoặc bị Momo bắt.

 Trả lời báo chí, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT (Bộ TT&TT) cho biết, Cục mong muốn người dùng Việt Nam được bảo vệ tuyệt đối trên mạng Internet, đặc biệt là trẻ em. “Khi phát hiện những trường hợp tương tự, người dùng có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng”, ông Tự Do nói thêm. Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát này xuất hiện trên YouTube thay vì chờ gỡ.

 

 YouTube là một bãi mìn đối với trẻ em

Theo The Guardian - một tờ báo nổi tiếng của Anh, khi bạn tải ứng dụng YouTube Kids, bạn sẽ thấy đoạn nội dung sau ở màn hình giới thiệu: “Chúng tôi làm việc hăng say để mang lại một trải nghiệm YouTube an toàn hơn, nhưng không hệ thống tự động nào là hoàn hảo”. Đó là ngụy biện! Sự thật là YouTube chưa bao giờ có ý định trở thành một nền tảng cho trẻ em, và họ hoàn toàn không có khả năng thực hiện một vai trò như vậy.

Ngay cả với các nội dung không độc hại, YouTube vẫn là một bãi mìn đầy hiểm nguy cho công cuộc nuôi dạy con của các bậc phụ huynh. Phần lớn nội dung YouTube Kids không phản cảm hay đau khổ - nhưng chúng lại là những nội dung nhảm nhí đến kinh người. Một lượng lớn video cho trẻ em được upload rõ ràng chẳng khác gì rác rưởi: những bài hát rẻ tiền, được tạo ra bởi thuật toán, hay những câu chuyện chẳng có tí ý nghĩa được minh hoạ bằng các mô hình hay đồ chơi 3D mô phỏng những nhân vật nổi tiếng như Elsa, Spider-Man và Peppa Pig. Chúng được thiết kế thuần tuý nhằm thu hút sự chú ý và qua đó kiếm tiền và lượt xem từ các từ khoá tìm kiếm thông dụng - chứ không nhằm giáo dục hay giúp trẻ em giải trí.


Những video độc hại này hiện đang lan truyền trên toàn thế giới và có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em. Tháng 8.2018, cơ quan điều tra pháp luật của Argentina đã mở cuộc điều tra về ảnh hưởng của Thử thách Momo đối với cái chết của một trẻ 12 tuổi ở nước này. Mới đây, ngày 27.2, đài CNS News Columbia Mỹ có bản tin cảnh báo về trò chơi này. Bản tin cho biết cảnh sát và các trường học đang đưa ra các cảnh báo cho các phụ huynh trên phương tiện truyền thông xã hội về sự xuất hiện của game này. Các bậc cha mẹ trên toàn cầu đang lo lắng về nguy cơ thực sự này.

Cha mẹ chia sẻ cách bảo vệ con mình trước trò chơi độc hại này

Ở Việt Nam hiện nay có nhiều bố mẹ cho con xem hoạt hình Peppa Pig trên YouTube bằng tiếng Anh để các con có thể tự học tiếng Anh. Trong khi đó cơ chế liên kết video cùng tựa đề dễ khiến cho trẻ em lạc vào các clip này. Những thông tin độc hại, bạo lực ẩn mình trong các video này có thể khiến các bé bị dẫn dụ và có những hành vi dại dột.

Nhằm cảnh báo về trò chơi nguy hiểm này, cộng đồng mạng Việt Nam đã có nhiều bài viết chia sẻ về những mối nguy hại ảnh hưởng đến con trẻ qua đó cảnh báo với các bậc phụ huynh.

 Cha mẹ có tội khi để con xem YouTube tràn lan

Bé Callie (7 tuổi, Anh) khiến mẹ và giáo viên hoảng sợ khi tự đập đầu vào tường vì sợ Momo Ảnh: KENNEDY NEWS AND MEDIA

Nhiều trường ở Mỹ, Australia và các nước châu Âu cảnh báo phụ huynh về nhân vật Momo xuất hiện trong các video dành cho trẻ em. Một bà mẹ khẳng định cha mẹ có tội nếu để con xem YouTube.

Sau khi phát hiện hình ảnh Momo xuất hiện trong các video con mình xem, bà mẹ Free Hess, một bác sĩ nhi khoa ở Florida, Mỹ, cảm thấy sốc.

Chia sẻ trên Washington Post, Hess cho biết cô rất lo lắng vì nhiều phụ huynh quá bận rộn, không xem kỹ các video hoạt hình khiến con gặp nguy hiểm từ Internet. Vì thế, cô ngay lập tức viết bài trên blog, cảnh báo phụ huynh, kêu gọi họ gỡ YouTube Kids để bảo vệ con.

Các trường học ở Anh cũng thông báo trên website của trường hoặc trực tiếp gửi thư đến cha mẹ học sinh để cảnh báo về nguy cơ trẻ tự làm hại bản thân và tự tử do bị Momo đe dọa.

Đánh giá mức độ nghiêm trọng của nhân vật online này đối với an toàn của trẻ, Cảnh sát Bắc Ireland đã liên hệ với lực lượng cảnh sát Vương quốc Anh về trò chơi buộc trẻ tự tổn thương bản thân nếu không muốn gia đình bị nguyền rủa hoặc sát hại. Điều quan trọng nhất, dù bận đến đâu, cha mẹ cũng cần giao tiếp với con, nắm bắt được chúng xem gì trên YouTube và luôn để trẻ cảm nhận chúng được yêu thương, tin tưởng và bảo vệ. Cha mẹ có tội khi để con xem YouTube tràn lan.

 

Trong những ngày qua trên nhiều diễn đàn mạng cũng đã đưa ra cảnh báo về trò chơi nguy hiểm này. Theo cảnh báo của diễn đàn BabyBook: Mọi người có con nhỏ hay xem YouTube nên để ý các kênh con xem. Vì cùng là kênh YouTube Kid (dành cho trẻ em), tuy nhiên vẫn có những video trá hình, ví dụ như Peppa Pig, đoạn đầu video sẽ phát các bài hát, nhân vật hoạt hình bình thường, nhưng sau đó sẽ là những hành động bạo lực, gớm ghiếc diễn ra song vẫn dựa trên phông nền và nhạc hoạt hình. Do đó nếu người lớn không ngồi xem cùng các bé mà chỉ nghe tiếng nhạc thì sẽ không biết được.

Bình luận về điều này, facebook có tên Cu Tun cho rằng: Các bậc phụ huynh nên lưu ý khi cho con trẻ xem các video hoạt hình trên YouTube. Bởi các video ở đây ngoài các hãng phim hoạt hình thì nhiều người biết máy tính và phần mềm sẽ làm được. Hơn nữa họ làm những clip này chủ yếu là “câu view”, mang tính giật gân, rùng rợn nhằm thu hút nhiều người truy cập để kiếm tiền quảng cáo, nên nội dung rất khó kiểm soát và không phù hợp với trẻ.

Chia sẻ về tác động của các video không phù hợp dành cho trẻ em, facebook có tên Bui Thu Uyên cho biết: Em trai mình đã 7 tuổi rồi, toàn xem các phim hoạt hình ma kinh dị nên ban ngày đi một bước là theo một bước, không dám ngồi nhà một mình cũng không dám ngủ một mình.

 Phải hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh

Theo Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Việt Nam có 17 cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin trên các kênh thông tin, truyền thông an toàn, lành mạnh. Đối với vấn đề cụ thể này, Bộ Thông tin và Truyền thông phải hướng dẫn các phụ huynh có con em bị trò chơi đăng tải trên YouTube này gây thiệt hại ( như có hành vi tự sát, tự xâm phạm hành hạ thân thể gây thương tích cho chính bản thân mình khi xem video) thì có thể cung cấp cho cơ quan chức năng và cơ quan bảo vệ trẻ em để tập hợp thành hồ sơ có thể khởi kiện sau này.

(Luật sư PHAN THỊ LAN ANH - Văn phòng Luật sư Gia Bảo)

Dùng biện pháp kỹ thuật và công nghệ để “lọc”: Không khả thi!

Hiện không có loại phần mềm để lọc những clip độc hại như vậy trên YouTube và nhiều nội dung độc hại khác trên mạng internet. Trên thực tế, có thể chặn một kênh hoặc một trang nội dung bất kì nhưng phải chặn toàn bộ, khi đó người dùng không thể xem bất cứ nội dung nào trên kênh/trang web đó nữa. Còn phía nhà cung cấp dịch vụ, họ sẽ không cho đăng những video clip mà họ cho rằng không phù hợp. Tuy nhiên, khi những clip độc hại được “ngụy trang” kĩ dưới những cái tên vô hại, hay phần đầu clip không có vấn đề gì thì nhà kiểm duyệt rất khó phát hiện và video độc hại sẽ được phát rộng rãi trong ứng dụng.

Trước đây YouTube không có lựa chọn cho phép chặn kênh (channel) để chúng thôi hiển thị khi ta tìm kiếm hoặc xuất hiện trong các video gợi ý nhưng bây giờ YouTube đã tích hợp các tính năng này. Nhưng các tính năng này chỉ có thể chặn được những video clip được cung cấp từ những cá nhân cụ thể. Đồng thời cũng có tính năng cho phép người dùng tùy chỉnh thủ công bằng cách thêm các từ khóa để chặn các video hoặc kênh YouTube có chứa từ khóa đó, trong khi những video clip độc hại được xuất hiện từ nhiều nguồn và dưới những tiêu đề tương đối “hiền lành” rất khó phát hiện.

Rất khó có các biện pháp kỹ thuật và công nghệ thực sự hiệu quả để ngăn chặn những video clip độc hại như vậy đối với trẻ em trên kênh YouTube hay các kênh nội dung khác. Biện pháp hữu hiệu chủ yếu là trang bị, định hướng cho con em những kiến thức tự bảo vệ mình, có thể nhận biết các video độc hại để tránh. Cùng với đó, tăng cường giám sát, quản lý giờ giấc và những nội dung trên mạng Internet, trên TV mà trẻ em thường sử dụng.

(Ông NGÔ TUẤN ANH, Phó Chủ tịch tập đoàn Công nghệ Bkav)

Bảo vệ con mình như thế nào?

Trước trò chơi nguy hiểm như Momo, tôi đã áp dụng một số biện pháp bảo vệ con mình và tôi cũng muốn chia sẻ với các phụ huynh khác.

Thứ nhất, phụ huynh nên kiểm tra xem con mình có đang xem kênh YouTube nào, nếu con xem YouTube, hãy đảm bảo con xem kênh YouTube Kids – bởi kênh này có nhiều biện pháp kiểm soát an toàn hơn so với kênh YouTube dành cho người lớn. Bạn có thể cùng con đặt 1 Playlist các chương trình mà con thích xem và có thể bật chức năng kiểm soát của phụ huynh để có thể biết con đang xem gì và tìm kiếm gì, cũng có thể tắt chức năng tìm kiếm đối với trẻ nhỏ hơn. Hãy nói với trẻ bạn đang cố gắng bảo vệ con an toàn chứ không phải kiểm soát con, nếu có những chương trình nào con muốn xem và đưa thêm vào Playlist, con hãy chia sẻ cùng bố mẹ. Nếu là trẻ nhỏ dưới 7 tuổi, hãy đảm bảo rằng con chỉ xem các chương trình cùng với bạn hoặc bạn đã xem qua trước đấy.

Thứ hai, đối mặt với Thử thách cùng Momo: Tôi khuyên phụ huynh dù lo lắng, tức giận cũng không nên phản xạ theo kiểu bản năng như tịch thu các thiết bị công nghệ của trẻ hay là cấm trẻ sử dụng Internet. Phản xạ bản năng là có thể hiểu được nhưng thực sự sự cấm đoán không giúp ích cho trẻ mấy, không phải là giải pháp lâu dài và đôi khi còn mang lại các phản ứng trái ngược không mong muốn. Phản ứng tốt nhất là này theo tôi “đối mặt với thách thức” - bố mẹ cần tỉnh táo tìm hiểu về Thử thách cùng Momo, chính bố mẹ có thể là người cung cấp thông tin đáng tin cậy cho các con chứ không phải là ai khác.

Tuy nhiên, hai giải pháp này chỉ thực sự có hiệu quả và không chỉ là giải pháp tình thế nếu các phụ huynh có thể càng sớm càng tốt bắt đầu dành thời gian và nỗ lực trong việc nói chuyện với con hằng ngày, nuôi dưỡng tình bạn và sự chia sẻ, đồng cảm với con. Cũng giống như bạn quan tâm và hỏi con khi con đi học về “Hôm nay con học ở trường thế nào? Có gì vui không?”. Hãy quan tâm đến những trải nghiệm của con trên mạng Internet “Hôm nay trên mạng có gì hay không? Có gì làm con cảm thấy không ổn/không thoải mái không?” và đổi lại, bố mẹ cũng chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm của mình trong ngày. Đối với các cơ quan chức năng, tôi thấy các cơ quan chức năng đã vào cuộc trong việc làm việc với YouTube để đảm bảo xoá các chương trình này trên YouTube cũng như các kênh mạng xã hội khác. Chúng ta cần phải tích cực hơn nữa trong việc ngăn chặn này. Các cơ quan nhà nước cũng cần làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và tham gia bảo vệ quyền trẻ em.

Doanh nghiệp công nghệ, bao gồm các các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi game cần vào cuộc để cùng có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

(Bà NGUYỄN PHƯƠNG LINH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững - MSD)

 

 N.HIẾU - Q.HÙNG - H. HƯƠNG - Q.HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top