Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hai Phượng:  Vẫn có điểm trừ

Thứ Sáu 01/03/2019 | 10:25 GMT+7

VHO-  Bộ phim hành động dài 100 phút Hai Phượng của đạo diễn Lê Văn Kiệt và nữ diễn viên Ngô Thanh Vân đang được khởi chiếu toàn quốc và lập tức tạo được hiệu ứng tích cực với các màn hành động lôi cuốn, pha đấu võ đẹp mắt, nghẹt thở, diễn xuất chuyên nghiệp…

 Một cảnh trong phim "Hai Phượng"

Hai Phượng kể về hành trình giải cứu con gái khỏi tay băng nhóm buôn người đa quốc gia của Hai Phượng (diễn viên Ngô Thanh Vân), một nữ giang hồ đã về vườn và làm nghề đòi nợ thuê ở miền Tây để kiếm tiền nuôi cô con gái nhỏ ăn học. Hai Phượng có tính khí cộc cằn, nhưng mang trong mình trái tim quả cảm và tràn ngập tình mẫu tử. Trong hành trình giải cứu con gái và những trẻ em bị bắt cóc, Hai Phượng liên tục phải đương đầu với bọn giang hồ, từ miền Tây lên tới Sài Gòn rồi qua các tỉnh giáp biên giới…

Xuyên suốt bộ phim là các cảnh hành động nghẹt thở của Ngô Thanh Vân và các thế lực giang hồ, bắt cóc. Bộ phim có kịch bản khá đơn giản, ít nhân vật nhưng cao trào được đẩy tới đỉnh khi hành trình giải cứu con gái càng ngày càng khốc liệt, khó khăn hơn. Trong cuộc đua nước rút để cứu con gái, thân thế và cuộc đời của Hai Phượng cũng dần được lật mở để khán giả hiểu thêm về nhân vật này. Theo đó, Hai Phượng là con út trong gia đình có truyền thống võ thuật, nhưng lại “hư hỏng”, bỏ nhà đi giang hồ nên bị gia đình từ, cô làm bảo kê cho các vũ trường, quán bar, đến khi biết mình có mang thì quyết định về quê ở ẩn, sinh con, làm nghề đòi nợ mướn.

Ngay từ đầu phim, biên kịch và đạo diễn đã xây dựng được một bối cảnh độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam với cảnh làng quê, sông nước. Hình ảnh của Hai Phượng mặc áo bà ba, đội nón lá, tóc tai bù xù, mặt không trang điểm, hay ngồi trầm ngâm hút thuốc lá và thường xuyên cầm cục gạch để đi đòi nợ, cộng với bối cảnh sông nước miền Tây tạo ấn tượng về hình ảnh của một nhân vật phim hành động thuần Việt khá độc đáo. Các cảnh hành động liều cao xuyên suốt trong cả bộ phim như cuộc rượt đuổi nghẹt thở bằng một chiếc xe máy cà tàng đuổi theo chiếc xuồng máy bắt cóc đứa con của mình, cảnh nhảy xe tải lên Sài Gòn, đối đầu tay đôi với Trực (Phạm Anh Khoa) trong tiệm sửa xe máy, một tay buôn người đã giải nghệ làm nghề sửa xe và đặc biệt là cảnh cận chiến căng thẳng, tàn bạo giữa Hai Phượng và Thanh Sói (võ sư Trần Thanh Hoa) trong toa tàu ở phần cuối phim đều chứng tỏ Hai Phượng là một bộ phim hành động không trộn lẫn, thông qua các thế võ rất Việt Nam. Cả phim có 7 trận giao đấu lớn cộng với nhiều pha hành động nhỏ, hầu hết các cảnh hành động đều tạo được hiệu quả đẹp mắt nhờ góc máy linh hoạt và phản xạ nhạy bén của diễn viên. Thoại của phim ngắn gọn, trực diện và thoát được vẻ giả tạo thường thấy trong phim Việt. Trong đó phần thoại gây ấn tượng nhất là lời Hai Phượng đáp lại Thanh Sói khi tay trùm giang hồ này nói: “Mày lết được tới đây là giỏi lắm, nhưng mày vào nhầm chỗ rồi”; Hai Phượng trả miếng: “Tao có thể tới nhầm chỗ, nhưng mày đã bắt nhầm con tao rồi”…

Kịch bản xây dựng còn hời hợt

Tuy nhiên, Hai Phượng vẫn có những điểm hạn chế. Do tập trung khai thác hành động là chủ yếu và xây dựng hình tượng quả cảm của nhân vật chính mà các tuyến nhân vật khác không có sự đầu tư, còn hời hợt. Trong tất cả các cảnh ở làng quê, kịch bản xây dựng các nhân vật phụ chỉ có một chiều, từ trẻ con đến người lớn, đều ác cảm với hai mẹ con Hai Phượng vì cô hành nghề đòi nợ thuê, nhưng kịch bản lại không cho thấy cảnh Hai Phượng ác ôn với ai mà chỉ thấy những người trong khu chợ này ác cảm với cô, thậm chí chỉ biết nói xấu và vu oan, điều này khác với bản chất nhân hậu của người Việt Nam và xét trên góc độ bộ phim thì chưa thuyết phục. Ngoài ra, trong cảnh bé Mai (Cát Vy) - con gái Hai Phượng bị bắt cóc, kịch bản để cho cô bé bị bắt cóc công khai trong chợ, bị các tên giang hồ chở đi lồ lộ trên sông giữa ban ngày ban mặt mà không có một ai hỗ trợ hai mẹ con Hai Phượng, mặc cho cô gái giãy giụa khóc la và người mẹ thì đơn độc giải cứu con… Cách xây dựng này hoàn toàn không đúng thực tế, vì các con sông ở miền Tây Việt Nam chỉ có một đường thẳng, chỉ cần chặng ở đầu sông thì bọn bắt cóc không thể thoát được. Và trong khi nhiều người dân trông thấy cảnh bị bắt cóc mà không hề quan tâm? Người Việt vốn không bất nhân, vô tình đến như vậy? Nên chăng cần xây dựng có cảnh người dân tham gia tri hô giải cứu nhưng bất thành hoặc cách bắt cóc của những tay giang hồ tinh vi, không để ai phát hiện thì sẽ thuyết phục hơn… Các nhân vật phản diện một chiều và khuôn mẫu, hình ảnh nhân vật công an điều tra phá án vẫn thụ động, cũ kỹ cộng một vài phân đoạn hài thiếu duyên… Nếu phần hành động của phim hiệu quả thì chất hình sự qua cuộc điều tra phá án một băng nhóm chuyên bắt cóc trẻ em để buôn bán nội tạng vẫn quá đơn giản, thiếu thuyết phục. 

THUỲ TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top