Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Vì sao người dân chưa mặn mà với điện mặt trời áp mái?

Thứ Tư 27/02/2019 | 09:00 GMT+7

VHO-Dù đã có định hướng, cơ chế hỗ trợ, tuy nhiên 2 năm qua mới có 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW. Nguyên nhân được chỉ ra là do vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế, khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình...

Tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” tổ chức vào ngày 27.2 tại Hà Nội, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước. Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.Theo EVN, tiềm năng điện mặt trời rất lớn,trong đó, có thể áp dụng điện mặt trời áp mái vì có nhiều lợi ích thiết thực. Điện mặt trời áp mái có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế và trung thế, không gây quá tải. Đối với các hộ dân, khi lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể làm cho nhiệt độ trong nhà mát hơn, tiết kiệm chi phí, có thể bán lại điện cho EVN…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiên phong triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tính đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt được 54 công trình với tổng công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng là các công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…, các Tổng Công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97. triệu kWh. Tuy nhiên, dù đã có định hướng, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương song 2 năm qua mới có 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW, quá nhỏ so với tiềm năng. Nguyên nhân được chỉ ra là vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế, khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình...

Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1GWp vào năm 2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25.11.2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11.4.2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12.9.2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Để gỡ vướng cho điện mặt trời áp mái về các vấn đề liên quan thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán…, ngày 8.1, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 11. Hiện tại, Bộ Công thương cũng đã gửi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 xin ý kiến các bộ, ngành. Các chính sách này đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo EVN, những khó khăn mà điện mặt trời áp mái vướng phải khá nhiều bao gồm: EVN các đơn vị điện lực chưa thể ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng. Chi phí thiết bị và chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn còn cao nên chưa khuyến khích khách hàng đầu tư, lắp đặt; chưa có các giải pháp, mô hình đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời áp mái. Chính những điều này đang khiến cho khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị.

Tại Hội thảo, EVN cũng đề xuất kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư. Kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng sau ngày 30.6.2019… Bên cạnh đó, EVN cũng cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, việc ký hợp đồng mua bán, đấu nối, thanh toán nhanh chóng dễ dàng. Chuẩn bị tất cả thiết bị nguồn lực (công tơ 2 chiều), truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về điện mặt trời áp mái.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, hiện Bộ đang phối hợp với các đối tác cũng như EVN để xây dựng một chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tổng thể và toàn diện.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá cao lợi ích của việc phát triển điện mặt trời áp mái, tuy nhiên, đầu tư một hệ thống điện mặt trời áp mái đòi hỏi chủ đầu tư phải có sẵn nguồn vốn ban đầu, thường thì tương đối cao. Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển rộng rãi của hệ thống điện mặt trời áp mái. Do đó, cần phải có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ, ví dụ như các công ty điện lực có thể tài trợ thuê, hoặc cho thuê mái nhà; thuê hoặc cho thuê hệ thống điện mặt trời...

H.ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top