Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: An Giang phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam

Thứ Bảy 15/12/2018 | 15:08 GMT+7

VHO-Ngày 15.12, tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề “Kết nối cơ hội – Hợp tác thành công”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị-nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhà đầu tư và doanh nghiệp…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị

Hội nghị đã kết nối thành công 26 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là trên 27 nghìn 600 tỉ đồng; đồng thời kết nối cơ hội cho 5 đề xuất cam kết ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn trên 35 nghìn 500 tỉ đồng và 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với số vốn gần 69 nghìn 500 tỉ đồng. Ngoài ra, An Giang cũng tiếp tục mời gọi đầu tư cho 60 dự án trong một số lĩnh vực ưu tiên về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa...
Dịp này, lãnh đạo của các ngân hàng thương mại cũng trao cam kết tín dụng cho một số dự án đầu tư nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng với các nhà đầu tư. Tạo sự tin tưởng về mặt tài chính khi nhà đầu tư lựa chọn và quyết định đầu tư vào An Giang. Tại hội nghị, Quỹ an sinh xã hội của tỉnh cũng tiếp nhận số tiền trên 34 tỉ đồng từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân nhằm chăm lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nhà. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đây là những dự án đầu tư tác động và đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của An Giang. Góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký kết đầu tư vào An Giang

Trao quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL công nhận Khu Du lịch quốc gia núi Sam cho tỉnh An Giang và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng nhấn mạnh, khẳng định vị trí nền kinh tế mũi nhọn của đất nước, du lịch Việt Nam dự kiến đến năm 2020 đóng góp 8% GDP. Đặc biệt, hình ảnh du lịch Việt Nam đổi mới, hấp dẫn và chất lượng đã được bạn bè quốc tế biết đến, xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới và trở thành điểm đến hấp dẫn ở châu Á. Dự kiến năm nay 2018, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 22% và lượng du khách quốc tế tăng gấp đôi so với năm 2015. Du lịch trở thành một trong những ngành tạo thu nhập ngoại tệ lớn của đất nước, đóng góp ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân với hơn 20 tỉ USD/năm. 
Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng du lịch đồng điệu cùng tốc độ đóng góp của ngành du lịch cả nước, du lịch được chọn là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đã thể hiện quyết sách đúng của tỉnh An Giang nhằm khai thác và phát huy tương xứng tiềm năng du lịch hiện có, mà giá trị cốt lõi chính là sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng, thiên nhiên… Riêng đối với Khu Du lịch quốc gia Núi Sam sẽ tạo động lực và là cơ hội để địa phương thu hút đầu tư vào du lịch, vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng trao quyết định công nhận Khu Du lịch quốc gia núi Sam cho tỉnh An Giang

Theo đó, An Giang cần lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm năng để phát triển du lịch bài bản, hiệu quả và bền vững. Phát huy sức lan tỏa của du lịch, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng cư dân làm du lịch… để khai thác và phát huy lợi thế tiềm năng của tỉnh, tạo ra sự khác biệt sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn du khách. Đặc biệt, chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và gìn giữ môi trường du lịch hấp dẫn. Tập trung phát triển hạ tầng du lịch và phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá, phát  triển sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực. Khai thác các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng và con người trong trong phát triển du lịch. Tăng cường ứng dụng những tiến bộ của cách mạng 4.0 để phát triển du lịch thông minh. Phát triển du lịch có chọn lọc, đảm bảo chất lượng, gia tăng trải nghiệm cho du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn… Bởi lượng khách đến với An Giang hiện nay tương đối đông, với hơn 6 triệu lượt khách/năm, nhưng thời gian lưu trú ngắn, tỉ lệ chi tiêu ít, hiệu quả lan tỏa thấp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết với các địạ phương trong vùng, giải quyết những điểm  nghẽn về nguồn nhân lưc, giao thông… từng bước vươn lên khẳng định vị thế trung tâm về thu hút đầu tư và phát triển du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo các Bộ, ngành và đông đảo các đại biểu dự Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không chỉ là vựa lúa, vựa cá, An Giang còn là vùng đất linh thiêng chứa đứng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh, với hệ sinh thái đa dạng hàng đầu của đồng bằng sông Cửu Long. Tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, du lịch của An Giang là điều không cần bàn cãi nữa. Thủ tướng yêu cầu An Giang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để con số trên 132 nghìn tỉ đồng đầu tư vào An Giang phải được xúc tiến, hành động quyết tâm làm ăn bền vững. An Giang là vùng đất giàu bản sắc, đa dạng về văn hóa, con người, tôn giáo và tín ngưỡng. Người dân An Giang là những bậc thầy trong các nghề thủ công truyền thống… Tất cả những điều này cần được hết sức bảo tồn, gìn giữ và trở thành lợi thế thu hút du lịch của địa phương. Để du khách khắp nơi trên thế giới biết đến. Sứ mệnh của An Giang phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam, bởi nơi đây như một bảo tàng sinh thải – tự nhiên và văn hóa độc đáo của đồng bằng sông Cửu Long. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong cuộc làm việc gần đây với Tập đoàn tư vấn BCG (Mỹ) về mục tiêu đưa Mekong Việt Nam trở thành điểm đến sông nước số 1 châu Á, khi nghe đơn vị tư vấn trình bày ý tưởng, Thủ tướng đã liên tưởng đến An Giang rất nhiều. Thủ tướng nhấn mạnh, trong toàn bộ tiến trình lịch sử và phát triển, An Giang tất yếu là một phần di sản cần được bảo tồn, cần được biết đến trên mọi phương diện văn hóa, tôn giáo và lịch sử của châu Á. Đây cũng chính là vẻ đẹp còn tiềm ẩn, cần được nhận diện và trở thành quốc kế dân sinh mới cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Thủ tướng lưu ý rằng, những kiến tạo địa chất đặc biệt hàng triệu năm trước ở An Giang đã hình thành nên 37 ngọn núi mọc lên giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long thẳng cánh cò bay, là sự hàm chứa những giá trị tâm linh đậm chất phương Đông trong một vùng đất có nhiều sự giao thoa về tôn giáo và tín ngưỡng. Điều này rất hấp dẫn du khách. Đối với các nhà đầu tư thì đây lại là yếu tố phong thủy rất tốt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, với những huyền thoại và linh thiêng, Thất Sơn và Núi Sam sẽ trở thành biểu tượng về du lịch tâm linh, cần được bảo tồn và lan tỏa cả trong lòng ASEAN và du khách quốc tế.
Hòa trong không chí chiến thắng của bóng đá nước nhà, với tinh thần thể thao và dân tộc hòa quyện vào nhau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có niềm tin và chúc các nhà đầu tư vào An Giang sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng như một Park Hang Seo trong kinh doanh.

HOÀNG HẢI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top