Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Quản lý, tổ chức lễ hội 2019: Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng

Thứ Sáu 18/01/2019 | 20:04 GMT+7

VHO- Phân cấp trách nhiệm tới Chủ tịch UBND các cấp- điểm nhấn tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP  của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội là một nội dung được Bộ VHTTDL nhấn mạnh tại Hội nghị về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Nhiều địa phương “sở hữu” các lễ hội trọng điểm cho rằng, đây là một quy định pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực quản lý.

Hội nghị diễn ra chiều 18.1 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy. Đại diện các Sở VHTT, Sở VHTTDL, BQL di tích, BTC các lễ hội lớn… tham dự.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị

Giảm nhiệt “điểm nóng”

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, năm 2018, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn các lễ hội đã diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng  nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp.

Nhiều văn bản quản lý đã được ngành VHTTDL ban hành, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi thực tiễn  của công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt đã điều chỉnh nhiều bất cập nảy sinh trong lễ hội. “Đối với một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc. Từ đó, nhiều lễ hội đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như lễ hội đền Sóc (Hà Nội), lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh), hội Phết Bàn Giản (Vĩnh Phúc)…”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội; việc đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ; hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch tại một số di tích, lễ hội…

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số lễ hội chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung, giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó là việc chậm đổi mới hình thức tổ chức, một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với xu thế của thời đại.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương trình bày báo cáo tại Hội nghị

"Hiện công tác tuyên truyền, định hướng cho nhân dân về giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội còn rất hạn chế.  Ví dụ, nếu như người dân hiểu được ý nghĩa thực sự của tục cướp chiếu ở lễ hội Đúc Bụt, hay ý nghĩa thực sự của lá ấn Đền Trần thì họ sẽ có những hành xử khác…” bà Hương nhấn mạnh. 

Nhiều giải pháp nhằm “giảm nhiệt” tại các điểm nóng đã được đại diện các địa phương, BQL các di tích đưa ra tại Hội nghị. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Việt Trung cho biết, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các lễ hội cầu trâu ở Xuân Quang, Hương Nha, lễ hội chọi trâu Phù Ninh và hội phết Hiền Quan. Đặc biệt, tăng cường  giải pháp đảm bảo an ninh, đẩy lùi bạo lực tại hội Phết Hiền Quan là chỉ đạo đã được UBND, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ quán triệt. Đề án tổ chức lễ hội đã được hoàn thiện và đang xin ý kiến của Bộ VHTTDL. Theo đó, lễ hội năm nay sẽ bố trí nhiều lớp hàng rào, cùng với lực lượng công an được tăng cường để nhân dân và du khách không tràn vào sân đánh phết. Lực lượng tham gia đánh phết cũng giảm xuống chỉ còn 100 người, là người dân có hộ khẩu ở xã Hiền Quan và được chia làm 2 đội, được BTC bố trí trang phục khi tham gia đánh phết.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Việt Trung

Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc

 Với “điểm nóng” tại Vĩnh Phúc, theo ông Quản Đức Hạnh (Trưởng phòng nếp sống, văn hóa và gia đình, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc), lễ hội chọi trâu Hải Lựu  năm nay vẫn duy trì 32 trâu chọi (16 cặp) và từ năm 2020 trở đi sẽ giảm số lượng xuống 20 trâu (10 cặp). Bên cạnh đó, lễ hội không tổ chức bán vé mà chỉ huy động nguồn vốn xã hội hóa. Tại lễ hội Đả cầu cướp phết (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch), giải pháp diễn phết thay vì cướp phết được xem là “đáp án” tối ưu nhằm xóa bỏ hiện tượng chen lấn, xô đẩy. Tại lễ hội Đúc Bụt (Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương), nhằm giảm thiểu các hình ảnh bạo lực, BTC đã có phương án mới là may chiếu đơn giản, không thắt nút để dễ  rút chiếu, tán lộc mà không phải giằng co.

 Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp

 Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng, Nghị định 110 của Chính phủ có điểm mới là  tăng cường phân cấp trách nhiệm. Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Đây là quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, tăng quyền và trách nhiệm để các địa phương nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về lễ hội.

Ông Nguyễn Vũ Phan (Q. Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang) khẳng định, Nghị định 110 ra đời đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho các địa phương trong công tác quản lý lễ hội. “Đơn cử, trước đây rất “nóng” chuyện các doanh nghiệp xin tổ chức  các hội chọi trâu mà không phải là lễ hội truyền thống. Giờ Nghị định có quy định chặt chẽ như không bán vé, không giao cho doanh nghiệp tổ chức… nên họ cũng tự rút. Địa phương nhẹ nhõm hẳn”, ông Phan nói.

Toàn cảnh Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018 đã có nhiều bước tiến quan trọng. Đó là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực của BQL các di tích, BTC các lễ hội. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của các địa phương nhằm thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo từ Bộ VHTTDL, góp phần hạn chế bất cập và kịp thời xử lý những vấn đề tồn đọng.

Đại diện Sở VHTT TP. Hải Phòng khẳng định, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực

Khẳng định ý thức tham gia lễ hội của người dân đã có nhiều chuyển biến, Thứ trưởng yêu cầu, trong năm 2019, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đây là việc hết sức quan trọng, để người dân nâng cao nhận thức, có ứng xử văn hóa, văn minh trong lễ hội. Bên cạnh đó, cần chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân tham gia lễ hội.

 Mùa lễ hội 2019 là năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về trách nhiệm của UBND các cấp. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chỉ đạo, các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh; đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành và phân công trách nhiệm rõ ràng.

 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội cũng được nhấn mạnh là giải pháp quan trọng cho một mùa lễ hội văn minh, an toàn.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top