Xây dựng, chấn hưng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ thường trực

VHO- Tại phiên khai mạc Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành VHTTDL sáng 3.1, lãnh đạo, nhiều địa phương và Sở, ngành đã chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm, giải pháp nhằm “truyền lửa”, phát huy, kiến tạo những động lực mới cho sự phát triển của ngành VHTTDL, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước.

Lắng nghe các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Cần nhận thức rằng, nhiệm vụ xây dựng, chấn hưng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, với tư cách là chủ thể, đặt dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền thì chắc chắn phát triển VHTTDL sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới…”.

Việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia đã góp phần nâng cao vị thế địa phương

Từ kinh nghiệm thu hút khách nhân dịp Năm Du lịch quốc gia 2023, có thể rút ra một số bài học cho phát triển du lịch trong thời gian tới như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch và đề ra các chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế du lịch phù hợp với từng thời kỳ; giải quyết tốt giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới; xây dựng chính sách để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương, tạo sự đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Đặc biệt, phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.

(Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận BÙI THẾ NHÂN)

Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa

Những giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hà Giang. Trong thời gian tới, Hà Giang xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa; gắn cộng đồng địa phương - chủ nhân thực sự của các di sản có được quyền làm chủ các di sản của mình, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương. Chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; đầu tư nghiên cứu phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu của địa phương, xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút khách du lịch…

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang TRẦN ĐỨC QUÝ)

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá về phát triển VHTTDL trong năm 2024, Ninh Bình tập trung vào 3 vấn đề: Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo; đặc biệt là những đột phá về cơ chế thúc đẩy tài sản hóa các di sản, phát triển kinh tế thương hiệu, bảo vệ giá trị tài sản vô hình, hoàn thiện cơ chế tín dụng phù hợp gắn với định giá tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai. Kiến tạo, thúc đẩy những cơ chế đặc thù cho phục dựng, bảo tồn và phát huy đô thị di sản, làm cho đô thị di sản giữ được bản sắc riêng có, dung nạp giá trị di sản vào định hình bản sắc đô thị hiện đại mà không bị cuốn theo đô thị nén, “bê tông hóa” gây xung đột với giá trị di sản. Liên kết nội vùng và liên vùng về quản trị và khai thác, phát huy các di sản phát triển du lịch, tổ chức không gian văn hóa…

(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình PHẠM QUANG NGỌC)

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo VĐV

Thể thao thành tích cao Bình Dương thời gian qua đánh dấu bước phát triển mới, trong đó xác định rõ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo VĐV chính là nền tảng quan trọng đầu tiên cho thời kỳ phát triển mới.

Về định hướng trong thời gian tới, ngành chủ động bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chương trình, chiến lược, đề án và cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh trong lĩnh vực TDTT. Nâng cao trình độ đội ngũ HLV; công tác đào tạo VĐV; tạo điều kiện để các HLV, VĐV tham gia tập huấn, thi đấu tại các quốc gia, quốc tế hằng năm. Rà soát, bổ sung quy hoạch lực lượng các môn thể thao trọng điểm đã và đang có những VĐV có thành tích, đẳng cấp quốc tế để tiếp tục đầu tư chuyên biệt, hướng đến mục tiêu đạt thành tích cao. Khẩn trương bắt tay vào quá trình chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, các giải quốc tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

(Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương BÙI HỮU TOÀN)

Không để mất “cơ hội vàng” về công nghiệp giải trí, sáng tạo

Sở VHTT TP.HCM đang tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa, đây là nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngỏ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.

Trong thời gian qua, các dịch vụ văn hóa ngày càng được định hình, tạo thành những sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc làm này là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng không quá thận trọng để mất đi những “cơ hội vàng” trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo.

(Giám đốc Sở VHTT TP.HCM TRẦN THẾ THUẬN)

Mong muốn được Bộ VHTTDL tạo điều kiện để đăng cai các sự kiện VHTTDL lớn

Các hoạt động VHTTDL trong thời gian qua đã góp phần quảng bá, thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt trong năm 2023 có sự kiện LHP Việt Nam lần thứ XXIII đã góp phần phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thông qua điện ảnh.

Tỉnh Lâm Đồng mong muốn được Bộ VHTTDL tiếp tục tạo điều kiện cho địa phương đăng cai, tổ chức các sự kiện VHTTDL lớn trong năm 2024; hỗ trợ quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng trong các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại thị trường quốc tế; được sớm triển khai Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Khu Văn hóa - Thể thao tỉnh Lâm Đồng tại TP Đà Lạt; đảm bảo cơ sở vật chất đăng cai tổ chức các sự kiện VHTTDL cấp quốc gia và quốc tế, qua đó quảng bá hình ảnh và thu hút du khách đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng PHẠM S)

Chuyển mình, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống con người thì cũng có những tác động tiêu cực, đặc biệt đối với văn hóa. Nhà hát Kịch Việt Nam luôn ý thức rõ vai trò, vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa và việc bảo vệ “biên cương văn hóa tư tưởng” nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa con người.

Trong thời gian qua, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác quảng cáo, truyền thông; công tác số hóa. Đặc biệt, là việc xây dựng và công diễn các vở diễn đa dạng, hấp dẫn và dễ tiếp cận người xem. Với vai trò là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, Nhà hát cũng luôn chủ động chuyển mình để đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới từ năng lực chuyên môn, nhận thức xã hội, bản lĩnh chính trị, truyền thông phương pháp tiếp cận, không ngừng nắm bắt những thông tin và xu hướng nhằm góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.

(Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam NGUYỄN XUÂN BẮC)

 

PHƯƠNG ANH - HOÀNG HƯƠNG - QUỲNH HOA (lược ghi)

Ý kiến bạn đọc