“Ngoại giao ta đã thắng lợi to”

ThS PHẠM SÔNG LA

VHO - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một trong những mốc son sáng ngời của nền ngoại giao Việt Nam, là trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, với thiện chí của phái đoàn Việt Nam, ngày 20.7.1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương đã được ký kết tại TP Genève (Thụy Sỹ).

 “Ngoại giao ta đã thắng lợi to” - ảnh 1

 Quang cảnh ký kết Hiệp định Genève (Thụy Sỹ) năm 1954 Ảnh tư liệu của TTXVN

 Ngày 26.4.1954, khi quân đội ta đã kết thúc chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Genève chuẩn bị được khai mạc. Trước khi đi dự Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng sang chào Bác Hồ và được Bác nói sắp đón tin mừng. Người nói sẽ có món quà để mừng cho phái đoàn Việt Nam trên bàn Hội nghị ở Genève (Thụy Sỹ). Ý Bác nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới.

Khởi đầu đi tới Hội nghị quốc tế ở Genève

Hội nghị Genève khai mạc ngày 8.5.1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Tham dự hội nghị có đại diện của Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào. Ban đầu, Hội nghị không bàn ngay về vấn đề Đông Dương, mà về vấn đề chiến tranh Triều Tiên, về sau các vấn đề về Đông Dương được Hội nghị đưa ra bàn nghị sự.

Ngày 10.5.1954, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã trình bày lập trường của ta về chấm dứt chiến tranh trên cơ sở Pháp công nhận chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương và Pháp phải rút quân về nước.

Phái đoàn của Pháp do Bộ trưởng Ngoại giao Georges Bidault cầm đầu vẫn mưu đồ tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương, chỉ mong muốn tìm kiếm một cuộc ngừng bắn nhằm cứu vãn đạo quân viễn chinh Pháp, hoãn việc thỏa hiệp về chính trị vào thời gian sau. Đúng 17h30 ngày 7.5.1954, tin thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ được gửi tới Hội nghị từ Đông Dương.

Do đó, sáng ngày 8.5.1954, vấn đề Đông Dương sớm được đưa lên bàn nghị sự, mà Đoàn Việt Nam đến dự Hội nghị với tư thế của một dân tộc đã chiến thắng. Cho đến ngày 10.7.1954, Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn kiên trì lập trường để giải quyết cuộc chiến phải dựa trên cơ sở một giải pháp toàn diện cho cả vấn đề quân sự và chính trị, các thỏa hiệp cụ thể phải thể hiện đầy đủ so sánh lực lượng thực tế của các bên trên chiến trường; đòi phải có đại biểu của hai Chính phủ kháng chiến Lào, Campuchia trên bàn đàm phán; đòi giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13; tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam, Lào, Campuchia phải được tiến hành trong thời hạn 6 tháng sau ngày ký Hiệp định; lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia có hai vùng tập kết riêng.

Bản đề nghị 8 điểm của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được đưa ra làm cơ sở thảo luận tại Hội nghị, bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân các nước thuộc địa và các nước thực dân, đặc biệt là đối với nhân dân và Chính phủ Pháp.

Lập trường cơ bản của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam, Lào, Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài... Những đề nghị hợp tình, hợp lý của Đoàn đại biểu Việt Nam đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và thế giới đồng tình ủng hộ.

Ở giai đoạn một, Đoàn Pháp vẫn giữ lập trường cứng rắn, nội các Thủ tướng Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức ngày 12.6.1954. Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ, Mendès France thuộc phái chủ hòa lập chính phủ mới. Ngày 18.6.1954, khi nhậm chức, Mendès France tuyên bố sẽ từ chức nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Thời điểm này, tại Sài Gòn, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng thay Bửu Lộc dưới quyền của Bảo Đại.

Bước quyết định đi tới ký kết Hiệp định Genève

Cuối giai đoạn một của Hội nghị, các bên tham gia đàm phán vẫn tỏ ra thăm dò nhau về giải pháp và đưa ra lập trường của mình mà không đi đến một thỏa thuận thực chất nào.

Từ ngày 10 đến 20.7.1954 là giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán. Các đoàn làm việc rất khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt. Cuối cùng, với xu thế chung của những nước lớn trong tình hình quốc tế vào lúc này, sau 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp riêng đầy căng thẳng, các bên đã đồng ý về những nội dung cơ bản như sau: Các nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuachia; không can thiệp vào nội bộ của các nước này; ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường Đông Dương; Pháp rút quân; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân đội; sau 2 năm sẽ có tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước Việt Nam.

Tuy nhiên, về vấn đề đình chiến ở Lào và Campuchia, Đoàn Việt Nam đấu tranh quyết liệt nhưng chỉ giành được khu tập kết cho Phathet Lào ở hai tỉnh, mà không đạt được việc điều chỉnh vùng đóng quân cho Khmer Itsarak.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam) và Thiếu tướng Delteil (thay mặt Tổng Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương) vào lúc 3h30 sáng ngày 21.7.1954. Hội nghị thông qua Bản Tuyên bố cuối cùng ngày 21.7.1954, với sự tham gia của đại biểu 8 nước (trừ Mỹ). Phái đoàn Mỹ không tham gia vào bản tuyên bố của Hội nghị và ra một bản Tuyên bố riêng.

Nhìn vào thực tế chiến trường, giải pháp Genève chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân ta trên chiến trường, chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị của giải pháp do đoàn Việt Nam đề ra, chưa phản ánh đúng thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Tuy vậy, Hiệp định này đã chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, đẩy được quân Pháp ra khỏi Việt Nam, phá được âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ, nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giải phóng được miền Bắc, giúp miền Bắc có điều kiện hòa bình để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

Với Hiệp định Genève, tuy thắng lợi chưa thật trọn vẹn nhưng phản ánh tương quan lực lượng của hai phe và là thắng lợi to lớn mà nhân dân ta giành được sau 9 năm kháng chiến gian khổ và anh hùng. Đảng ta đã trước sau đánh giá đúng mức thắng lợi của Hiệp định Genève năm 1954: “Việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam, và đặt cơ sở cho việc thống nhất nước Việt Nam là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta... Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lời kêu gọi sau Hiệp định Genève đã nói: “Hội nghị Genève đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to... Tôi thay mặt Chính phủ ngỏ lời thân ái khen ngợi toàn thể đồng bào, quân đội và cán bộ từ Nam đến Bắc. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời an ủi anh em thương binh, bệnh binh. Chúng ta giành được thắng lợi to lớn cũng là do nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta”.

Thắng lợi của Hiệp định Genève là bước đi mới trong cuộc đấu tranh ngoại giao về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, mở ra một thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương, tiếp tục đi lên những bước đường mới, nhằm đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đi tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Ý kiến bạn đọc