Nga kỳ vọng vaccine Covid -19 là “thần dược” cho nền kinh tế

VHO- Vaccine Sputnik V được kỳ vọng sẽ giúp Nga có được một nguồn thu khổng lồ từ thị trường vaccine toàn cầu, qua đó giúp vực dậy kinh tế Nga.

Đánh giá về hồ sơ đăng ký vaccine phòng Covid -19 đầu tiên trên thế giới của Nga, giới truyền thông phương Tây dù còn đưa ra nhiều hoài nghi song cũng nhấn mạnh rằng, việc trở thành "người đầu tiên" về đích trong cuộc đua phát triển vaccine là vô cùng quan trọng đối với nước Nga và cá nhân Tổng thống Vladimir Putin.

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga ước tính nhu cầu về vaccine trên thế giới đến cuối năm 2021 mức 3-5 tỷ liều. Theo Giám đốc quỹ là ông Kirill Dmitriev giá trung bình của vaccine trên thị trường là vào khoảng 25 USD. Như vậy, quy mô thị trường sẽ đạt khoảng 75 tỷ USD. Nhiều quốc gia muốn cạnh tranh miếng bánh ngọt này.

Nga kỳ vọng vaccine Covid -19 là “thần dược” cho nền kinh tế - Anh 1

Một nhà khoa học làm việc trong phòng nghiên cứu vaccine COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: Reuters.

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga đã dành khoảng 4 tỷ Rub (khoảng 55 triệu USD), cho việc nghiên cứu và mở rộng quy mô sản xuất vaccine do Trung tâm Gamaley điều chế. Mặc dù Nga mới chỉ bắt đầu tiến hành cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 sau ngày 12/8, nhưng Chính phủ đã lên kế hoạch sản xuất đại trà, từ 5 triệu và sau đó lên 10 triệu liều vaccine mỗi tháng trong giai đoạn cuối năm 2020 - đầu năm 2021.

Hơn 20 quốc gia đã đăng ký mua 1 tỷ liều vaccine Nga với giá được dự báo không quá 20 USD/liều. Như vậy, thị phần tiềm năng của vaccine Nga trên thị trường toàn cầu ước tính vào khoảng 20 tỷ USD, tương đương 1/4 nhu cầu thế giới.

Tại một cuộc họp báo mới đây, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga ông Dmitriev cho biết, con đường để thâm nhập thị trường thế giới đến châu Á, châu Phi và Mỹ Latin sẽ là thông qua việc mở rộng sản xuất tại chỗ.

Nga kỳ vọng vaccine Covid -19 là “thần dược” cho nền kinh tế - Anh 2

Vaccine Sputnik V của Nga. (Ảnh: AP)

Nga đã đạt thỏa thuận với 5 quốc gia để sản xuất 500 triệu liều vaccine mỗi năm. Đặc biệt, các nhà máy ở Brazil và Ấn Độ có thể được đưa vào hoạt động trong tháng 11 năm nay. Nga đặt nhiều hy vọng vào các thị trường lớn này.

Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và Tập đoàn dược phẩm R-Pharm của Nga cũng đã ký thỏa thuận sản xuất vaccine do Đại học Oxford phát triển tại Nga, với khoản đầu tư là hơn 10 tỷ rub, là gần 140 triệu USD. Điều này có nghĩa, nhà sản xuất vaccine Nga còn có thêm một phương án khác cho người tiêu dùng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo GDP 2020 của Nga giảm 6,6%. Nga cần vaccine cho nền kinh tế.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc