Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hơn 30 năm đạp xe chữa bệnh cứu người

Thứ Hai 09/03/2020 | 11:30 GMT+7

VHO- Học ở Bác quan niệm “thương người như thể thương thân”, hơn 30 năm qua, bác sĩ Đặng Cát (phường Nhật Tân, Hà Nội) đã dốc sức cho công việc chữa bệnh miễn phí cứu người.

 Bác sĩ Đặng Cát

Chỉ với một chiếc túi đựng dụng cụ y tế cùng chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, bất kể gần xa, thời tiết nắng mưa, ông vẫn đều đặn rời khỏi nhà lúc 7h sáng để đi khám bệnh cho người nghèo và chỉ trở về khi đã xế chiều. Về đến nhà, bệnh nhân đã xếp hàng tại nhà ông Cát để chờ được thăm khám. Trung bình mỗi ngày ông khám cho khoảng 5 đến 15 lượt bệnh nhân. Với con số này trong hơn 30 năm qua, chính ông Cát cũng chẳng thể nào nhớ hết bao nhiêu người đã được ông khám bệnh. Ông chỉ nhớ làm nhiều nhưng chưa khi nào ông lấy một đồng khám chữa bệnh.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nam Định có truyền thống làm nghề y, nhiều lần chứng kiến gương mặt khắc khổ của bệnh nhân nghèo đến nhà khám bệnh, lại sẵn có cái nghề trong tay nên ngay khi còn trẻ, ông Cát đã mong muốn được điều trị miễn phí cho người dân. Phục vụ trong quân y ở cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dấu chân của ông đã in khắp các chiến trường Tây Bắc và cả nước bạn Lào để chữa thương cho đồng đội và người dân. “Suốt thời gian ở chiến trường, tôi luôn trăn trở làm sao sau này có thể giúp được thật nhiều người. Có sức khỏe là có tất cả, với những người nghèo không may mắc bệnh nếu không có ai giúp đỡ họ, chẳng khác nào họ mất tất cả. Tôi mong những hành động nhỏ của mình sẽ góp phần thực hiện ý nguyện của Bác, mong muốn người dân Việt Nam có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Cát chia sẻ.

Dù căn nhà hiện tại của ông chỉ rộng khoảng 15m2 nhưng bệnh nhân có đến đông thế nào, ông cũng không bao giờ từ chối. Nói là khám miễn phí cho người nghèo nhưng cả những người có điều kiện tìm đến, ông vẫn niềm nở tiếp đón vì ông cho rằng họ nghèo hèn hay giàu sang, điều đó cũng không quan trọng.

Những năm trở lại đây, giá thuốc men tăng cao, ông Cát cũng chẳng nghĩ đến chuyện thu tiền chữa bệnh để làm giàu. Hay như có người nhiệt tình biếu ông hộp bánh socola, ông lại đem đi cho trẻ em nghèo. Để duy trì được việc không thu tiền của bệnh nhân, ông Cát đã nghiên cứu nhiều phác đồ điều trị dùng thuốc nam kết hợp với thuốc tây nhằm đem lại hiệu quả cao nhất nhưng vẫn tiết kiệm được chi phí. Ông nói thuốc nam dễ dùng, dễ trồng, dùng lâu dài sẽ có lợi cho bệnh nhân. Nhiều ca bệnh phải theo dõi dài ngày như u bướu, viêm gan, trầm cảm... sau thời gian được ông điều trị kết hợp đã có nhiều dấu hiệu khả quan…

Tuổi đã cao, ông cũng hạn chế đi lại nhiều nhưng khi có trường hợp khẩn cấp cần chữa trị, ông vẫn sẵn sàng đạp xe đến tận nhà cứu giúp. Niềm vui với ông không phải là tiền bạc, mà là sự khỏe mạnh và nụ cười của những người đã được ông giúp đỡ.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top