Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Quy hoạch bảo tồn; xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu để phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng (Hải Phòng): Chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân

Chủ Nhật 23/02/2020 | 21:44 GMT+7

VHO- Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa thông qua chủ trương khoanh vùng, lập quy hoạch bảo tồn; xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu để phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, nhằm lưu giữ những chiến tích hào hùng của cha ông, khơi gợi lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay, tạo thành sức mạnh tinh thần vô giá trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, đất nước. 

  

   

Khoanh vùng, lập quy hoạch để quản lý

 Cuối năm 2019, trong quá trình lao động sản xuất, người dân phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Đây là phát hiện rất quan trọng của ngành khảo cổ học Việt Nam. Từ phát hiện này, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sử học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ học… làm sáng rõ nhiều vấn đề và khẳng định bãi cọc Cao Quỳ có niên đại từ cuối thế kỷ 13, là chứng tích quan trọng của quân dân nhà Trần trong chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3 năm 1288 đánh đuổi đế quốc Nguyên Mông trên đất Hải Phòng.

 Cũng là sự kiện kỳ diệu tiếp theo khi tháng 2- 2020, người dân xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên tiếp tục phát hiện được 13 cọc gỗ dưới đáy ao của một gia đình. Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khẩn cấp và bước đầu nhận định bãi cọc gỗ này có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Sự kiện này lần nữa cho thấy, khu vực dọc sông Bạch Đằng, từ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá tới Phà Rừng nhiều khả năng còn nhiều di tích, di chỉ chưa được phát hiện.

  Những nghiên cứu lịch sử từ xưa tới nay đều khẳng định, địa phận thành phố Hải Phòng ngày nay là địa bàn trung tâm, trọng yếu của cả 3 trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Trải dài phía hữu ngạn sông Bạch Đằng, chính là những trận địa cọc, nơi đóng đại bản doanh, tích trữ lương thảo, bài binh bố trận, là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh của Đức vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, các chiến thắng của dân tộc ta trên dòng sông Bạch Đằng gắn liền với trận địa độc đáo, có 1 không 2 trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đó là trận địa cọc gỗ, vận dụng linh hoạt quy luật lên xuống của con nước thủy triều vùng cửa biển, đều dùng nước triều lập trận, đều vót cây rừng làm cọc chống quân thù. Liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có ít nhất 142 đình, đền, miếu thờ ghi lại công lao của các danh tướng, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Không những thế, khu vực này còn được ví như “Hạ Long trên cạn” với những dãy núi đá vôi nối tiếp nhau, kết hợp một số sông ngòi đan xen cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn…, tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, độc đáo, hùng vĩ và trách nhiệm của thành phố là phải giữ gìn, bảo vệ.

    Ngày 11-2-2020, UBND huyện thủy Nguyên có văn bản gửi Thường trực Thành ủy, UBND thành phố nêu rõ: việc phát hiện các bãi cọc trên địa bàn huyện cho thấy thế trận trong các cuộc chiến chống hoặc ngoại xâm không chỉ giới hạn trên sông Bạch Đằng, mà còn kéo dài trên các tuyến sông khác, trong đó trục giao tranh chính là sông Bạch Đằng và sông Đá Bạc. Dọc tuyến sông này hiện còn lưu giữ nhiều địa danh gắn với các trận chiến thắng oanh liệt của cha ông ta như: Tràng Kênh, núi U Bò, Hoàng Tông, Phượng Hoàng, Áng Hồ, Áng Lác (nơi đóng quân ), Hang Lương (nơi cất giấu lương thực), cửa Bạch Đằng… và còn nhiều nhiều di chỉ, hiện vật chưa được phát hiện. Do đó, huyện Thủy Nguyên đề nghị, trong giai đoạn hiện nay, khi chưa có điều kiện tiến hành khảo sát quy mô lớn nhằm phát lộ các di chỉ, hiện vật gắn với chiến thắng Bạch Đằng, cần thiết phải khoanh vùng bảo vệ, hạn chế xâm phạm. UBND huyện Thủy Nguyên chủ động phối hợp các ngành, đơn vị liên quan, đồng thời chỉ đạo các xã Lại Xuân, Liên Khê, Lưu Kỳ, Gia Minh, Gia Đức và thị trấn Minh Đức khoanh vùng bảo vệ trên cơ sở kết nối các địa danh, dấu tích cổ dọc theo sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng, với diện tích khoảng 3000 ha. Đồng thời đề nghị thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã Liên Khê, Lưu Kỳ, Gia Minh, Gia Đức, trong đó bổ sung vùng bảo vệ, hạn chế xam phạm nêu trên.

     Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng Phùng Văn Thanh cho biết: thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, trên cơ sở kết quả khảo sát của Viện Khảo cổ học, đối chiếu các quy hoạch và thu thập các tài liệu lịch sử, tổng hợp ý kiến tham gia của Sở Văn hóa- Thể thao, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên- Môi trường, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, huyện Thủy Nguyên, các cơ quan, đơn vị liên quan…, Sở Xây dựng nhận thấy cần thiết sớm khoanh vùng, lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng.

    Với những căn cứ đầy sức thuyết phục đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nhất trí thông qua chủ trương khoanh vùng bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, từ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá đến Bến Rừng, với chiều dài khoảng 15 km, chiều rộng từ mép sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng khoảng từ 2-3 km tùy từng đoạn trên địa bàn thị trấn Minh Đức, các xã Gia Đức, Gia Minh, Lưu Kỳ, Lưu Kiếm, Liên Khê, Lại Xuân… Trong phạm vi khoanh vùng bảo tồn, hạn chế phát triển công nghiệp, phát triển đô thị quy mô lớn, không cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án mới; rà soát thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép; ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn, tiếp tục thực hiện khảo cổ học để xác định các di tích liên quan. Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đồng ý lập quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bãi cọc Cao Quỳ để quản lý, xây dựng. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh, khoanh vùng, quy hoạch khu vực này có ý nghĩa quan trọng, để hậu thế tiếp nối quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng tỏ những điều còn ẩn giấu trong lòng đất; nhằm khẳng định hơn nữa vai trò của dòng sông Bạch Đằng, của vùng đất Hải Phòng, của con người Hải Phòng trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Đây cũng là những bước đi đầu tiên tiến tới lập đề án tổng thể, nghiên cứu toàn diện trận chiến Bạch Đằng và đề xuất xếp hạng di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới.

Đầu tư xứng tầm, phát huy giá trị di tích

 Song song với việc khoanh vùng, lập quy hoạch, thành phố cũng đang xúc tiến khẩn trương việc xây dựng các công trình hạ tầng để phát huy giá trị các di tích, đưa nơi này thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, thổi bùng tinh thần tự hào dân tộc, biến thành sức mạnh vật chất để xây dựng và phát triển thành phố, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

 Theo đó, trước mắt, thành phố quyết định đầu tư xây dựng đường vào khu di tích bãi cọc Bạch Đằng tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân vào tham quan, tìm hiểu. Không những thế, tuyến đường được xây dựng góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan, tăng khả năng khai thác cho hoạt động phục dựng di tích lịch sử Bạch Đằng, phát triển du lịch, dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương. Theo lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên, đây còn là trục đường quan trọng kết nối các khu vực phòng thủ dọc phía bắc huyện, đáp ứng khả năng độc lập tác chiến cao, góp phần củng cố, tăng cường về QPAN…  

    Theo đề xuất của huyện Thủy Nguyên, tuyến đường có chiều dài hơn 3 km, nối quốc lộ 10 với bãi cọc xã Cao Quỳ, mặt cắt ngang đường rộng 12- 18- 22m tùy theo từng vị trí với tổng mức đầu tư khoảng hơn 200 tỷ đồng. Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được trình HĐND thành phố thông qua vào kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) sắp tới và khởi công dịp 13-5, khánh thành trong tháng 8- 2020. Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành yêu cầu triển khai thực hiện dự án với chi phí tiết kiệm nhất, chất lượng tốt nhất, đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, lập quy hoạch toàn tuyến tới các điểm có di tích, cả về giao thông thủy và giao thông đường bộ, bảo đảm sự tổng thể, thuận tiện, phục vụ yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị của các khu di tích.

    Được biết, không chỉ quan tâm về hạ tầng giao thông, thành phố cũng đang có những chỉ đạo cụ thể xây dựng các khu trưng bày hiện vật nhằm bảo tồn, gìn giữ và phục vụ người dân, du khách tham quan với tinh thần giữ nguyên hiện trạng, bảo đảm cảnh quan,  không hiện đại hóa làm mai một các giá trị truyền thống…, bảo đảm các nguồn vốn đầu tư được sử dụng tiết kiệm, thiết thực, ý nghĩa nhất.

    Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhiều lần khẳng định: việc phát hiện, khai quật các bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên vô cùng có ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Đây chính là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau. Đồng chí giao UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác, phát huy giá trị của các bãi cọc cùng các các di tích trong khu vực. Trong đó yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại. Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: cần xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần, mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài; làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng, không chỉ vững mạnh về kinh tế xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc./.

 

HỒNG THANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top