Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lê Thanh Tùng: Khát vọng vươn đến đỉnh cao

Thứ Sáu 24/01/2020 | 07:57 GMT+7

VHO- Lê Thanh Tùng đã làm vẻ vang cho Thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam khi giành suất dự Olympic Tokyo 2020. Trước đó, Tùng cũng đã khẳng định mình với vô số huy chương ở các giải trong nước và quốc tế. Chàng trai sinh năm 1995 này đang chứng minh mình là VĐV số 1 của TDDC Việt Nam hiện tại và hoàn toàn đủ sức thay thế tượng đài Phạm Phước Hưng.

Để có được thành công như ngày hôm nay, “hot boy TDDC” đã trải qua quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài, chấp nhận hi sinh tuổi thanh xuân để nuôi dưỡng đam mê với khát khao vươn đến đỉnh cao mang lại vinh quang cho đất nước.

Nuôi đam mê từ hàng bánh của mẹ, cuốc xe ôm của ba

Lê Thanh Tùng sinh ra vào lớn lên trong một gia đình nghèo trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), mẹ Tùng bán bánh mì, ba chở xe ôm. Năm lên 4 tuổi, Tùng thường theo anh họ, vốn là VĐV TDDC đến CLB thể thao Trần Hưng Đạo gần nhà để xem thi đấu. Khi đó, cậu bé ốm yếu và gầy gò rất thích thú trước sự dẻo dai các VĐV cùng các dụng cụ tập luyện. Một thời gian sau, các thầy ở CLB thấy Tùng nhanh nhẹn, khéo léo nên đã nhận cậu vào tập khi mới 5 tuổi. Nhờ đam mê và năng khiếu bẩm sinh, Tùng trưởng thành nhanh chóng và 3 năm sau đã lọt trong danh sách đào tạo trọng điểm thế hệ vàng TP.HCM, được sang Trung Quốc tập huấn dài hạn.

Tùng đã dành tuổi thơ, tuổi thanh xuân cho TDDC

Tùng vốn dĩ không phải là “con nhà nòi”. TDDC đến với Tùng như một định mệnh, và định mệnh đó đã cho Tùng một niềm đam mê mãnh liệt để rồi nó đã trở thành lẽ sống của chàng trai 9X. Với Tùng, niềm đam mê TDDC gắn liền với tuổi thơ bên chiếc xe bánh mì của mẹ và những cuốc xe ôm của ba. “ Nhà tôi nghèo lắm, vì không có tiền nên gia đình cứ liên tục thay đổi nơi ở nhưng chỗ mưu sinh chính của ba mẹ vẫn một gốc nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão, đối diện công viên 23.9. Hồi đó mỗi lần đi học về, tôi hay ra phụ mẹ bán bánh mì, giúp ba bắt khách. Nhưng ba mẹ không cho tôi ra ngoài đó vì muốn tập trung vào học và tập luyện. Nhiều lần bị đuổi về nhưng dần dần cũng trở thành thói quen. Có những hôm trời mưa, nhìn ba mẹ vất quả tôi thương lắm. Khi đó lòng tôi tự nhủ phải cố gắng tập luyện để sau này trở thành một VĐV giỏi, kiếm thật nhiều tiền để phụ ba mẹ”, Tùng trải lòng.

TDDC là đam mê lớn nhất của Tùng

Tùng nhớ ba mẹ vẫn muốn anh học văn hóa nhiều nhưng vì niềm đam mê của con mình cộng thêm điều kiện kinh tế khó khăn, ông bà chỉ biết động viên và nhìn con trai xa nhà khi mới 8 tuổi. Tùng chia sẻ: “ Ngày tôi chuẩn bị lên đường sang Trung Quốc tập huấn, cả nhà ai cùng buồn. Tôi qua đó được mấy ngày mà hôm nào cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ, em gái và ông ngoại. Mỗi lần đi tập về cơ thể đau nhức, ê ẩm chỉ biết khóc, nghĩ đến gia đình lại khóc nhiều hơn. Nhưng rồi những lần như vậy, tôi lại nghĩ về hàng bánh mì của mẹ, chiếc xe ôm ba lại tự dặn lòng phải cố gắng hơn nữa để không phụ niềm tin của mọi người”.

Nỗ lực không ngừng

Sau 8 năm “rèn nghề” nơi đất khách, Tùng về nước mang lại sự kỳ vọng lớn của bộ môn TDDC. Thế nhưng, khởi đầu của Tùng không hề bằng phẳng, nó đầy chông gai, vấp ngã. Từ buồn đến chán nản, Tùng đã có lúc muốn bỏ cuộc. Tùng cho biết: “2016 có thể là năm đáng buồn nhất trong sự nghiệp khi tôi thất bại hầu hết ở các giải đấu. Tôi thi đấu rất nhiều, luôn kỳ vọng đạt thành tích cao, nhưng mỗi khi bước lên sàn đấu là toàn thất bại. Khi đó tôi muốn bỏ hết tất cả vì nghĩ mình đã phụ sự kỳ vọng của lãnh đạo, HLV và gia đình. Nhưng rồi trong lúc bế tắc nhất tôi được sự động viên kịp thời của thầy Trương Minh Sang. Thầy Sang nói “thất bại là mẹ của thành công” và tự nhận thất bại của tôi vào phần phần trách nhiệm của mình. Thầy bảo sai lần này thì mình làm lại, không được từ bỏ. Nghe thầy khuyên và nhớ đến sự vất vả của ba mẹ, tôi tự dặn lòng không được bỏ cuộc”.

Tùng và người thầy của mình - HLV Trương Minh Sang

Với Tùng, khái niệm “tự mãn” chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí anh. Dù đang sở hữu bảng vàng thành tích mà bất cứ VĐV nào cũng mong muốn nhưng theo anh, đó chỉ mới bắt đầu. “ Thầy Sang hay nói với tôi rằng đời VĐV ngắn lắm, phải luôn không ngừng phấn đấu, không được tự mãn với những gì bản thân đang có”, Tùng nhớ lại lời thầy dặn.

Tùng đã trải qua những thất bại, nhiều đêm nằm một mình gặm nhấm nỗi đau của người thua cuộc, Tùng hiểu rằng ranh giới giữa thành công và thất bại trong thể thao đỉnh cao là rất mong manh. Ít ai biết được rằng, từng là nhà vô địch Cúp thế giới, vô địch châu Á và SEA Games tại nội dung nhảy chống nhưng Tùng lại thất bại ở nội dung sở trường này tại giải VĐQG năm 2017.  “Đó là sự chủ quan. Thất bại đó là bài học rất lớn cho bản thân. Sau giải đấu, tôi đã tự hứa sẽ không có lần thứ hai như vậy”, Tùng trải lòng.

Tùng đã đạt được mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp là dự Olympic, giấc mơ của Tùng đã trở thành sự thật và giờ đây anh sẽ làm những gì có thể để biến giấc mơ đó thật sự trọn vẹn. Tùng bộc bạch: “Được đại diện cho Tổ quốc thi đấu tại Olympic là niềm tự hào to lớn với tôi. Giấc mơ ấp ủ bao lâu đã trở thành sự thật và tôi sẽ cố gắng hết sức để làm tốt nhất có thể”.

Mong cái tết đơn giản bên người thân

Tùng kể rằng 4 trước có dành dụm một ít tiền phụ ba mẹ mua một căn nhà nhỏ ở quận 4. Năm 2017, Tùng đạt nhiều thành tích cao nên có nhiều tiền thưởng, góp cùng anh họ sửa sang lại ngôi nhà của ông ngoại - nơi mà anh lớn lên từ nhỏ và là nơi ở mỗi khi về thăm nhà, đó cũng là dự định từ lâu của anh. Với Tùng, hạnh phúc đơn giản là được ở gần người thân sau những chuyến thi đấu và tập huấn dài.

Với Tùng, khoảng thời gian hạnh phúc và yên bình nhất là lúc bên cạnh người thân trong dịp tết đến xuân về

“Từ nhỏ tôi đã sống xa nhà, dù là người Sài Gòn nhưng chủ yếu sống ở Hà Nội, mỗi năm chỉ có ngày tết mới về nhà. Vì thế mà thời gian được ở bên cạnh người thân dịp đầu xuân là khoảng thời gian tôi thấy yên bình và hạnh phúc nhất. Mỗi lần về nhà là chỉ muốn ở nhà, tôi muốn tận dụng khoảng thời gian ít ỏi để bên cạnh những người thân. Với tôi đó là niềm vui rồi”, Tùng bộc bạch.

Tùng tâm sự rằng, 8 năm tập huấn tại Trung Quốc, khoảng thời gian được về nhà ăn tết và những dịp cuối năm luôn mang lại cho anh những kỷ niệm đẹp. Đó là những lần Tùng cùng gia đình về quê ngoại ở Cần Giuộc, những lần được người lớn lì xì, cùng em gái đi chúc tết hay đơn giản là tự ngồi thưởng thức món khoái khẩu trứng kho hột vịt mẹ nấu đêm giao thừa. Tùng tâm sự: “Tết này không được nghỉ nhiều như mọi năm vì phải trở lại tập trung cho Olympic và các giải khác. Nhưng không sao, được về bên gia đình và người thân, được ăn trứng kho hột vịt mẹ nấu là vui lắm rồi”.

VĨNH HY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top