Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đừng  vì lợi ích trước mắt để phải hối hận khi xóa bỏ di sản

Thứ Tư 11/09/2019 | 10:35 GMT+7

VHO- Bảo tồn di sản không chỉ nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc mà nó còn là chìa khóa mở ra cơ hội cho phát triển kinh tế của các địa phương và cộng đồng cư dân sinh sống trong vùng có di sản.

 Bảo tồn di sản là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế bền vững

Thông điệp trên một lần nữa được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khẳng định tại hội thảo “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế” do Lãnh sự quán Italia tại TP.HCM, Phòng Thương mại Italia (ICHAM) phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 10.9 tại TP.HCM.

Chia sẻ việc Italia trước đây đã từng phải đánh đổi, thậm chí trả giá vì đã “hy sinh” một số công trình di sản văn hóa do tác động của phát triển kinh tế, ông Dante Brandi, Tổng Lãnh sự Italia tại TP.HCM, cho rằng đó là những quan điểm sai lầm trong ứng xử với di sản văn hóa. Vì bảo tồn di sản bao giờ cũng tạo động lực cho phát triển kinh tế, là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của các địa phương đang sở hữu di sản. Theo đó, các quốc gia đang “mắc kẹt” trong việc tìm lời giải cho bài toán giữa bảo tồn và phát triển thì cần phải xem sự “hy sinh” ở Italia là bài học kinh nghiệm trong chiến lược bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Ông Dante Brandi cũng cho biết,Việt Nam không còn là nước đang phát triển nữa mà đã trở thành nước có thu nhập trung bình với tốc độ phát triển kinh tế rất mạnh. Điều này đã, đang mở ra nhiều cơ hội để thu hút khối kinh tế tư nhân tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa, nhất là bảo tồn những công trình kiến trúc cổ tại các khu đô thị lớn trên cả nước. Để tận dụng được các nguồn lực trong xã hội, Việt Nam cần ban hành bộ quy tắc ứng xử với di sản văn hóa, chính sách đủ hấp dẫn và quy định pháp luật chặt chẽ để đảm bảo giá trị của di sản không bị phá vỡ, hay đánh đổi một khi có sự tham gia của khối tư nhân.

Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft nhìn nhận, cách tiếp cận của Việt Nam trong bảo tồn di sản hiện vẫn còn rời rạc, không ít các công trình kiến trúc cổ tại các đô thị lớn bị tháo dỡ, nhường chỗ cho việc xây dựng các tòa nhà cao tầng mới. Riêng đối với một đô thị năng động và đặc biệt như TP.HCM, việc bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc cổ càng khó khăn hơn do phải đối mặt với nhiều thách thức trước áp lực giá trị của các công trình bất động sản lân cận. Do đó, cần có một chiến lược quốc gia và chính sách hiệu quả giữa bảo tồn và phát triển kinh tế để bảo vệ những công trình kiến trúc di sản hiện hữu.

Đại diện Cơ quan Hợp tác và Phát triển Ý khuyến nghị, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, việc thu hút sự tham gia của khối tư nhân là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể từng công trình kiến trúc cổ thuộc sở hữu tư nhân hay Nhà nước quản lý. Quan trọng hơn hết là đánh giá đúng giá trị của công trình, phải hiểu được bản chất di sản của các công trình kiến trúc cổ thì mới có giải pháp bảo tồn phù hợp, khi đó mới phát huy được giá trị kinh tế của di sản, mang đến lợi ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần gắn liền bảo tồn di sản văn hóa với phát triển đô thị thông minh và kinh tế sáng tạo, trong đó không thể thiếu vai trò của kinh tế du lịch.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, việc quy hoạch và bảo tồn không gian di sản đô thị trên địa bàn thành phố đang đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, việc đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình kiến trúc cổ, di sản đô thị nhiều khi chưa đầy đủ dẫn đến giá trị văn hóa dần phai nhạt, mất đi vai trò, chức năng vốn có của công trình trước áp lực chuyển đổi đô thị, phát triển kinh tế… Vì thế, trước tiên cần xác định, phân nhóm những công trình di sản quan trọng phải giữ cho bằng được, đồng thời có chính sách chuyển đổi ưu tiên về quyền sử dụng đất đối với những công trình thuộc sở hữu tư nhân để góp phần bảo tồn di sản đô thị và phát triển kinh tế bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm của Italia trong việc bảo tồn những công trình kiến trúc cổ hiện hữu gắn với phát triển văn hóa địa phương, gìn giữ bản sắc đô thị; kinh nghiệm mời gọi đầu tư vào các dự án bảo tồn di sản kiến trúc, các lợi ích hữu hình và vô hình mang đến từ việc đầu tư vào các dự án bảo tồn di sản… 

  Các quốc gia đang “mắc kẹt” trong việc tìm lời giải cho bài toán giữa bảo tồn và phát triển thì cần phải xem sự “hy sinh” ở Italia là bài học kinh nghiệm trong chiến lược bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

(Ông Dante Brandi, Tổng Lãnh sự Italia tại TP.HCM)

 HOÀNG HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top