Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chung tay để người nghèo “an cư, lập nghiệp” - Bài 1: Thoát nghèo bền vững từ "cần câu cơm"

Thứ Bảy 31/08/2019 | 14:33 GMT+7

VHO- Sau một khoảng thời gian vượt qua quãng đoờng quanh co èo đầy sỏi đá trên cung đường vào huyện Bá Thước, chúng tôi có mặt tại xã Kỳ Tân (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Dù còn là một trong những xã nghèo nhất của huyện nhưng chúng tôi đã nhận rõ những đổi thay  của nơi  này khi thấy những cánh đồng lúa xanh rì, những ngôi nhà tường gạch dần thay thế cho nhà tranh..

"Thiếu ăn cũng không bán bò đâu"

Đến thăm chị Lường Thị Thái (dân tộc Thái, thôn Pạt, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước), phải đợi chị một lúc vì chị còn bận cho bò ăn. Có lẽ con bò là tài sản có giá trị duy nhất trong nhà nên được chị chăm chút cẩn thận. Chị khoe: "Bò đang có thai 6 tháng rồi nên ăn khỏe lắm. Thiếu ăn cũng không bán bò đâu".

Chị Lường Thị Thái chăm sóc con bò đang mang thai với niềm tin gia đình chị sẽ thoát nghèo 

Xong công việc, chị Thái (sinh năm 1979) dẫn chúng tôi lên nhà của chị, căn nhà tường 10 chưa được trát vữa, trống huơ trống hoác, gió lùa tứ phía, cô con gái 4 tuổi  quanh quẩn bên mẹ. Chị cho biết, chị thuộc diện hộ nghèo từ năm 2003, đến năm 2009 Nhà nước hỗ trợ gia đình chị 8 triệu để xây; năm 2017, được Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) tặng cho một con bò. Nhờ vậy gia đình chị được thoát nghèo.

Anh chị có hai con, chồng chị, anh Hà Văn Nga (sinh năm 1981, dân tộc Thái) đi làm phụ hồ ở Hải Phòng, mỗi tháng gửi về gia đình 4 – 5 triệu/tháng; con trai lớn  đang đi học Trường Cao đẳng nghề tại Nghệ An. Ở nhà chỉ còn hai mẹ con chị và con bò giống được tặng. Hằng ngày chị vừa đi chăn bò, vừa làm 2 sào ruộng, một lúa, một ngô để ăn quanh năm. Theo lời chị Thái, một năm có hai vụ không đủ ăn nhưng chị nhất định không bán con bò. “Tôi không bán bò đâu, để nó đẻ, đẻ rồi lại đẻ nữa, cho đàn bò đông con”, chị Thái vui vẻ.

Chị kể, lúc nhìn người ta được tặng bò, chị muốn lắm mà chưa được, rồi đến lượt được tặng bò, chị mừng không tả xiết, chăm sóc cẩn thận như chăm trẻ con. Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn chị chăm bò như thế nào, chị thực hiện đúng như vậy, luôn để chuồng sạch sẽ để không lây lan dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ, quây bạt, đốt củi để sưởi cho bò… Cùng với việc chăm sóc con cái, chăm chỉ làm việc, mở rộng đàn bò, từ đó có tiền để xây căn nhà khang trang hơn thì được thoát nghèo bền vững sẽ không còn là ước mơ xa vời của gia đình chị Thái.

Dự án Ngân hàng bò đã mang lại sinh kế cho hàng chục nghìn hộ nghèo cả nước

Năm 2008 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a, trong đó có chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững đã tạo nên sự hưởng ứng tích cực của từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tham gia. Bắt đầu từ năm 2010, Dự án Ngân hàng bò do Hội Chữ thập đỏ chủ trì triển khai cũng đã vận động được nhiều nguồn lực để Ngân hàng bò được phát triển, như chương trình Lục lạc vàng, Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” với 6 Bộ, ngành cụ thể: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Viettel, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam… Chỉ trong vòng 5 năm đầu thực hiện, Hội đã cấp 19.772 con bò cho 19.772 hộ nghèo tại 61 tỉnh, thành (trong đó có 62 huyện nghèo, 452 xã biên giới) với tổng kính phí trên 180,8 tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng bò vẫn đang phát triển số lượng, tăng số người nghèo được hưởng lợi, mang lại sinh kế, phát triển sản xuất, bám đất, giữ vững biên cương của Tổ quốc; góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới có hiệu quả cho người dân.

Có mơ tôi cũng không dám nghĩ mình có một căn nhà kiên cố

Rời nhà chị Thái, chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị Chớng (76 tuổi, dân tộc Mường, xã Lâm xa). Nhà có khách, bà Chớng niềm nở ra đón chúng tôi, nụ cười móm mém luôn thường trực trên khuôn mặt phúc hậu.

Bà kể, trước đây nhà bà nghèo lắm, nuôi 6 người con, chỉ có củ mài, củ sắn để ăn, bao nhiêu năm cả nhà bà phải sống trong căn nhà dột nát ngoài bờ sông. Lo đủ ăn đã khó thì làm sao bà dám mơ sẽ được ở trong ngôi nhà tường gạch như thế này.  "Thấy tôi nghèo khổ quá, Nhà nước thương nên đã cho tôi 50 triệu để xây nhà, các con mỗi người góp vào một ít để tôi giờ có nhà như thế này. Cám ơn Nhà nước đã chăm sóc, cho nhà cho bà con ở", bà Chớng chia sẻ.

Cũng được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà kiên cố, chị Phạm Thị Hoa (54 tuổi, xã Kỳ Tân) chia sẻ, cách đây ba năm, gia đình chị Hoa là một hộ nghèo với hai người con, sống bằng nghề phát nương làm rẫy, nay đây mai đó chẳng bao giờ đủ ăn. Rồi con trai lớn lên đi làm công nhân cao su ở  Gia Lai, thỉnh thoảng gửi về cho mẹ được 2 triệu, 3 triệu; con gái lấy chồng nhưng hạnh phúc gia đình trục trặc lại gửi hai con gái cho bà ngoại nuôi. Trong khi đó, chồng chị Hoa lại bị bệnh tiểu đường nặng, đau ốm liên miên, tháng nào cũng đi viện, một tay chị gánh vác cả. Nhưng sau đó, chị được hỗ trợ 50 triệu để xây ngôi nhà mới, anh chị vay thêm ít tiền xây dựng lại cơ ngơi, “an cư” rồi, từ đó gia đình chị yên tâm lập nghiệp, trồng thêm 2ha keo, phát triển nuôi đàn gà... Đến nay, cuộc sống gia đình đã khấm khá và dần đi vào ổn định.

 

Bà Bùi Thị Chớng lúc nào cũng vui vẻ vì cuối đời được ở trong ngôi nhà tường gạch mà bà từ không dám mơ ước

Đàn bò của chị Thái, nhà của bà Chớng, chị Hoa được các tổ chức chính trị xã hội, các nhà tài trợ hỗ trợ cho huyện Bá Thước trong thời gian qua sẽ không giúp các hộ nghèo giàu lên nhanh chóng, nhưng chắc chắn sẽ là những điều kiện, phương tiện để người nghèo được lao động sản xuất, áp dụng khoa học để phát triển. Ông  Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đánh giá cao những hỗ trợ từ các chính sách giảm nghèo cho địa phương thông qua chương trình 30a, giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh từ 50% năm 2009 nay chỉ còn 13,3%.  Riêng xã Kỳ Tân, đầu năm 2018 trên địa bàn xã có 219 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 22,93%, 233 hộ cận nghèo chiếm 24, 40%; thì tới cuối năm số hộ nghèo chỉ còn 160 hộ, chiếm tỷ lệ 16,84%. 238 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 25,05%.

Đại tá Lê Ngọc Vinh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Viettel cho biết, với quan điểm “hỗ trợ người dân cần câu, không hỗ trợ con cá”, “an cư, lập nghiệp”, Tập đoàn cùng với chính quyền địa phương tìm hiểu nhu cầu thực sự của người dân để hỗ trợ một cách thiết thực, đảm bảo thoát nghèo nhanh và bền vững tập trung vào hạ tầng và an sinh xã hội, giáo dục, y tế, tặng bò, nhà ở, Internet trường học, Trái tim cho em, Vì em hiếu học, bò giống giúp người nghèo biên giới...

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top