Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Vụ cháy Rạng Đông: Không khí tạm an toàn, lo ô nhiễm nguồn nước

Thứ Bảy 31/08/2019 | 13:32 GMT+7

VHO- Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau cơn mưa, ô nhiễm không khí tại khu vực vụ cháy Rạng Đông đã tạm được “xử lý tự nhiên,” tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại là ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

Người dân sinh sống tại đây phải đeo khẩu trang mỗi khi đi qua khu vực cháy nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Sau hơn 2 ngày xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại khu vực nhà kho chứa bóng đèn huỳnh quang, phích nước của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cơ quan chức năng Hà Nội đã có thông tin chính thức. Theo đó, các thông số, chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng xung quanh khu vực cháy ở mức an toàn với người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, cơn mưa lớn trong đêm 29/8 và ngày 30/9 đã khiến ô nhiễm không khí được “xử lý tự nhiên.” Tuy nhiên, sau cơn mưa, vấn đề đáng lo ngại là ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. Đây cũng là nỗi lo của giới chuyên gia, bởi ô nhiễm hóa chất có thể đã trôi theo nước, ngấm vào đất.

Amalgam độc hại chẳng khác gì thủy ngân

Liên quan đến thông tin quan ngại về tình trạng ô nhiễm thủy ngân xung quanh khu vực nhà kho Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), chiều tối 30.8, phía công ty đã có thông báo gửi tới Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân và các cơ quan quản lý cấp trên cùng cổ đông, khách hàng về vụ cháy xảy ra vào tối 28.8.

Theo thông báo này, ước tính thiệt hại ban đầu trong vụ cháy khoảng 150 tỷ đồng, trong đó số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến môi trường ước tính 480.000 sản phẩm bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu sản phẩm đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ compact.

Phía Rạng Đông cũng khẳng định, bầu đèn CFL làm bằng nhựa PC - đạt chứng chỉ UL, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người kể cả khi cháy. Ngoài ra, công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất năm 2016. Đây có lẽ là tin đáng mong đợi nhất với tất cả mọi người, nhất là các hộ dân đang sinh sống xung quanh khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn.

Tuy nhiên, ngay sau khi đọc được thông tin trên, giới chuyên gia môi trường đã bày tỏ sự hoài nghi về chất amalgam trong bóng đèn khi xảy ra cháy nổ. Bởi lẽ, amalgam vẫn có hàm lượng thủy ngân khá lớn (chiếm khoảng 50%). Việc sử dụng amalgam là để phòng người dân có làm vỡ bóng đèn thì thủy ngân không bay hơi. Vậy, sự thật, kết quả quan trắc không khí có phản ánh đúng thực trạng ô nhiễm, và người dân đã có thể thở phào?

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam khẳng định, một khi đã xảy ra sự cố cháy nổ thì viên amalgam với thủy ngân lỏng cũng không có gì khác nhau. Thủy ngân độc hại khi cháy vẫn bị phát tán ra môi trường.

“Vấn đề đặt ra là, thủy ngân nằm trong bối cảnh bị cháy và nổ. Mà khi cháy thì hơn 1 triệu bóng đèn sẽ nổ theo, đẩy toàn bộ các chất trong bóng đèn ra ngoài môi trường không khí, đất và nước. Tuy nhiên, hàm lượng thủy ngân bao nhiêu thì đã bị mưa dội xuống, cho nên bây giờ lấy mẫu không khí thì không có được,” ông Bái nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, trả lời báo chí chiều 30.8, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, bán kính ảnh hưởng của vụ cháy có thể lên tới 1,5km, tính theo hướng gió Đông Bắc - Tây Nam về hướng Linh Đàm.

Về khả năng ô nhiễm hóa chất sau vụ cháy, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng khẳng định, trong đèn huỳnh quang, hay đèn compact đều có chứa hàm lượng thủy ngân theo quy định của EU, cũng như quy chuẩn Việt Nam. Mặc dù, phía Công ty Rạng Đông đã có sử dụng amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây, nhưng bản chất là hỗn hợp giữa kẽm và thủy ngân.

Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, khi chưa có kết luận chính thức, người dân cần thận trọng trong việc sử dụng nguồn nước, nhất là đối với các bể nước hở ở gần tâm bán kính xảy ra vụ cháy.

Cảnh báo ô nhiễm nguồn nước

Trong khi đó, theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơn mưa lớn trong đêm 29/8 và ngày 30/9 đã khiến ô nhiễm không khí sau sự cố cháy ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được “xử lý tự nhiên.” Tuy nhiên, sau cơn mưa, vấn đề đáng lo ngại là ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân thận trọng khi sử dụng nguồn nước mặt trong khu vực này để sinh hoạt và ăn uống.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm hóa chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nếu có các chất gây ô nhiễm sẽ nhanh chóng kiểm tra y tế đối với người dân trên địa bàn.

Theo đó, khi có kết quả chính xác, cơ quan chức năng sẽ đưa ra các cảnh báo, có đề xuất giải pháp, xem xét giám sát khu vực ảnh hưởng, tiến hành theo dõi giám sát nước mặt, nước ngầm để công bố rộng rãi.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sự cố xảy ra tại khu vực nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông là sự cố vô cùng đáng tiếc, có thể phát sinh ô nhiễm hóa chất. Bộ đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan để đưa ra những thông tin và cảnh báo, đề xuất xử lý chính xác, nhanh chóng, kịp thời nhất.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc phối hợp với cơ quan môi trường của Hà Nội rà soát, đánh giá hiện trạng môi trường để có khuyến cáo người dân sau vụ cháy.

Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi người dân trên địa bàn cần hết sức bình tĩnh, làm theo hướng dẫn của lực lượng chức năng một cách khoa học, bài bản để tránh những rủi ro không đáng có.

Cần thêm đơn vị quan trắc độc lập

Cũng trong chiều 30.8, Ủy ban Nhân dân quân Thanh Xuân đã có thông tin chính  thức về các vấn đề liên quan đến môi trường sau vụ cháy kho Rạng Đông. Theo báo cáo này, sáng 30/8, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội) đã thực hiện lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực cháy.

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Hà Nội cũng đã lấy các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí xung quanh, bụi, đất để về phân tích. Kết quả phân tích nhanh vào 15 giờ 20 phút cùng ngày cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... ở mức độ bình thường.

Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên gia môi trường, đây chỉ là một trong những thông tin tham khảo và chưa phải là kết luận cuối cùng. Vì thế, để xác định chính xác kết quả và khuyến cáo người dân, giới chuyên gia môi trường cho rằng “số liệu tin cậy nhất là để đơn vị thứ 3 tổ chức quan trắc độc lập.”

Hiện tại, nhiều cơ quan cũng đang lấy mẫu đất, nước, không khí... khu vực này để xét nghiệm. Theo đó, cuối giờ chiều 30/8, Viện Sức khỏe - Môi trường (Bộ Y tế) đã lấy 15 mẫu đất, nước, không khí ở khu dân cư gần đám cháy. Viện này sẽ làm việc cả ngày nghỉ để xác định có hay không thủy ngân tồn dư hoặc phát tán ra môi trường, kết quả sẽ có sau khoảng 4 - 5 ngày tới.

TTXVN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top