Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Quất Tứ Liên hối hả vào vụ

Thứ Tư 12/06/2019 | 09:39 GMT+7

VHO- Lấy lao động làm niềm vui cho bản thân, cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, những người nông dân tại phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) lại lập tức bắt tay vào một vụ mùa mới. Để có được một cây quất cảnh bán ra vào mỗi dịp xuân về là sự dày công chăm sóc của mỗi người nông dân trong suốt cả năm trời.

 Dưới cái nắng 40 độ, người nông dân vẫn tích cực chăm sóc cho cây quất

 Quần quật cả năm, chỉ mong có mấy ngày Tết

Mặc dù đã là thời điểm sau Tết nhưng không khí lao động tại những vườn quất vẫn hết sức nhộn nhịp. Tiếng xe ba bánh, tiếng hô hào, cùng với đó là hình ảnh những người nông dân hạ quất giống khỏi xe. Với mỗi cây quất giống, phải có từ hai đến ba người khiêng mới xuể. Dưới cái nắng gắt đầu mùa hè, đâu đó trên gương mặt của những người nông dân đã lấm tấm những giọt mồ hôi.

Ngồi nghỉ sau quãng thời gian dài lao động ngoài trời, chị Nguyễn Thị Khanh (chủ vườn quất Khanh Tích) cho chúng tôi biết: “Ngay sau nghỉ Tết, chúng tôi phải làm rễ, bón phân, vun luống để cải tạo đất ngay. Nhiều hộ gia đình còn tranh thủ thời gian này để trồng thêm những cây ngắn ngày như đậu tương và một số cây rau màu khác. Vừa để tăng thêm thu nhập, đất cũng có thêm chất dinh dưỡng mà lại không phải “nghỉ” quá lâu.

Cũng theo chị Khanh, với những ngày nắng nóng trên 40 độ, người nông dân phải liên tục đội nắng, tưới nước để cây không bị héo. Cũng có khi mất điện do quá tải, lại phải ngồi trực cho đến khi có điện để tiếp tục tưới. Phải chờ đến khi nắng tắt, người nông dân mới tiếp tục làm những khâu tiếp theo của chăm quất.

Quất Tứ Liên có tiếng bởi quả to, lá xanh, thế đẹp nhưng để có được điều này, người nông dân sẽ phải rất khắt khe trong khâu chọn quất giống cũng như phải chuẩn bị giống ngay từ khi vụ mùa cũ còn chưa kết thúc.

Đối với quất cảnh truyền thống, quất giống được người dân chiết từ các cành, sau đó đem đi giâm trong khoảng 7 tháng. Những cây giống có rễ khỏe sẽ tiếp tục được đem đi xén cho tròn cây, vào dáng. Sau khi cây đã phát triển ổn định, những người nông dân sẽ tiến hành sang ngôi, mục đích là để làm rễ lại giúp rễ phát triển khỏe hơn. Cứ như vậy, người nông dân sẽ chăm cây cho đến tận dịp cận Tết.

Đặc biệt trong những năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những người nông dân đã có xu hướng dịch chuyển sang làm quất bonsai. Với dòng quất cảnh này, người nông dân phải kỳ công chăm sóc hơn bởi thay vì tưới phân vi sinh mỗi tháng hai lần như quất cảnh truyền thống, quất bon sai phải được tưới đều đặn mỗi tuần một lần. Việc uốn cành cho quất bonsai cũng rất khó bởi đòi hỏi sự tư duy chính xác của người thợ mới có thể cho cây phát triển theo ý muốn. Kỹ thuật vít, uốn cành cũng phải được hết sức chú ý. Với mỗi cành quất, người nông dân phải sử dụng sự khéo léo của đôi bàn tay, dùng lực không quá mạnh để không bị gãy. Sau đó, phải tiếp tục buộc dây thép để cố định dáng cho cây.

Khó khăn là vậy nhưng những người nông dân chỉ có thể trông chờ vào mấy ngày Tết. Theo ông Nguyễn Bá Chương (vườn quất Chương Điệp) cho hay: “Tết là thời điểm nhạy cảm bởi nếu thời tiết không chiều lòng người, công sức của người nông dân suốt một năm trời coi như đổ sông, đổ bể. Không chỉ vậy, trộm cũng đã lợi dụng ban đêm không có người trông coi bê trộm không ít lọ quất bonsai, ít cũng mất cả chục triệu đồng, thậm chí đã từng có hộ gia đình còn bị kẻ xấu phá hoại, chặt hạ hàng trăm gốc quất gây thiệt hại đến cả trăm triệu. Những lúc như vậy, chúng tôi coi như mất Tết”.

 Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh tặng quất thế cho Đại sứ Australia Craig Chittick

Mong chờ vào vụ mới

Mặc dù có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp trồng rất nhiều loại cây nhưng bà con tại phường Tứ Liên vẫn lựa chọn cây quất làm nguồn thu nhập chính. Theo nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, Chủ tịch Hội Quất cảnh phường Tứ Liên chia sẻ: “Hiện trên địa bàn phường Tứ Liên có 400 hộ trồng quất cảnh với tổng diện tích lên tới 20 ha. Trong đó, chỉ tính riêng trồng quất bonsai, hiện cả phường đã có 80.000 gốc. Với quất cảnh truyền thống, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi hộ gia đình có thể thu về khoảng 60 triệu/ năm. Với dòng quất cảnh bonsai, con số này có thể gấp đôi bởi đây là dòng quất đang được rất nhiều hộ gia đình ưa chuộng bởi sự bắt mắt cũng như tiện lợi cho quá trình vận chuyển. Với mức thu nhập này, đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã được cải thiện đáng kể”.

Cũng theo ông Mạnh, vào mỗi dịp cận Tết, chính quyền địa phương cùng các nghệ nhân, nhà vườn Tứ Liên đều tổ chức hội chợ quất cảnh. Mục đích là để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, mặt khác, đây cũng là cách để quảng bá những nét đẹp văn hóa của cây quất đến với công chúng. Đặc biệt trong năm 2018, phường Tứ Liên đã chính thức được công nhận là “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.

Mặc dù chi phí đầu tư đang ngày một tăng nhưng để “thuận mua, vừa bán” cũng như quảng bá thương hiệu quất Tứ Liên đến với đông đảo với công chúng, các hộ gia đình vẫn nỗ lực giữ giá quất chỉ tương đương với những năm trước.

Để tạo điều kiện phát triển, hiện địa phương cũng đang làm việc với các ngân hàng để có cơ chế vay vốn thích hợp nhất cho người nông dân tham gia nuôi trồng. Bên cạnh đó, để hạn chế nạn kẻ xấu trộm cắp, phá hoại tài sản của bà con, chính quyền địa phương cũng thực hiện tăng cường tổ bảo vệ để người dân yên tâm nuôi trồng.

Sau Tết, không khác gì những người trồng lúa khác, những người nông dân trồng quất cảnh cũng đang hối hả bước vào vụ mùa mới với tinh thần hăng say cùng với đó là hy vọng về một vụ mùa thành công. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top